Số hóa di sản cho tương lai

30/11/2021 - 06:28

PNO - Kho tàng di sản văn hóa Việt Nam rất lớn và vô giá. Số hóa di sản để lưu giữ, lan tỏa đến với mọi người dân trong nước và cả thế giới, cho các thế hệ mai sau là cách làm hiện đại, lợi ích lớn, cần được sớm mở rộng.

Việc làm cấp thiết

Tỉnh An Giang vừa phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer tỉnh An Giang đến năm 2030”. Một trong những nhiệm vụ trong giai đoạn 1 (2022 - 2026) là số hóa di sản này.

Kinh Phật được người Khmer viết trên lá của cây buông (kinh lá buông - Xatra Slấkrít), là loại thư tịch cổ quý hiếm, độc đáo về cách thức thực hiện. Kinh lá buông có nguy cơ bị mai một, vì ngày càng ít sư sãi biết kỹ thuật làm, không còn nguồn lá, công tác bảo quản gặp khó khăn, hư hỏng theo thời gian.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã số hóa tạo ra một kho dữ liệu giúp lưu trữ một cách lâu dài những hình ảnh, thông tin về toàn bộ di tích, từ những kiến trúc, trang trí, hệ thống bia đá, truyền thống khoa cử, thân thế, sự nghiệp của những vị đại khoa… Khi quét mã QR, người tham quan có thể nhận về đầy đủ thông tin, hình ảnh.

Chữ viết trên lá buông
Chữ viết trên lá buông

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Công ty AGS Technologies tiến hành số hóa 3D điện Thái Hòa. Đây là một trong những việc làm thuộc dự án trùng tu điện Thái Hòa. Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với các đơn vị chức năng và chính quyền nhiều địa phương tổ chức thực hiện số hóa hàng ngàn trang tư liệu Hán - Nôm quý giá, bao gồm sắc phong, chế phong, gia phả… từ thời Lê đến thời Nguyễn, đã và đang được các dòng họ, tư gia giữ gìn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Trong đó, phần nhiệm vụ và giải pháp có nhấn mạnh việc thực hiện số hóa, và lập bản đồ số di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu. 
Trước nay, việc số hóa thường chỉ được biết nhiều qua công tác triển lãm, trưng bày tại các bảo tàng, có ích trong công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản, bao gồm: lưu trữ, tìm kiếm, nhân bản, dịch thuật nhanh chóng, không tốn nhiều không gian…

Số hóa giúp giải mã tư liệu mà không tốn nhiều tiền của, nhân lực đi thực địa. Tư liệu lưu trữ ít chịu tác động bởi các tác nhân tự nhiên hay con người. Di sản, hiện vật có thể phục vụ quá trình nghiên cứu, tham quan từ xa. Số hóa cũng giúp cho những nhà nghiên cứu dễ dàng phục dựng chính xác nếu di sản bị tàn phá do nhiều tác nhân.

Hiện nay, công nghệ Virtual Reality 3D đang ngày càng phổ biến, giúp việc mô phỏng, tái hiện hết sức chân thực, sinh động. Chẳng hạn với mô hình số hóa đình Tiền Lệ (Hoài Đức, Hà Nội), người xem có thể chiêm ngưỡng cận cảnh những chi tiết nhỏ nhất trong cấu trúc đình, thông qua những cú click chuột đơn giản.

Hình ảnh số hóa điện Thái Hòa (Huế)
Hình ảnh số hóa điện Thái Hòa (Huế)

Trình độ địa phương có thể chênh lệch

Để đáp ứng được công tác số hóa cần hai yếu tố: con người và kỹ thuật. Máy móc, thiết bị đòi hỏi phải hiện đại, tân tiến để việc mô phỏng chi tiết được hiệu quả. Những người thực hiện phải thành thạo kỹ thuật vận hành máy móc, máy móc, quản lý dữ liệu, ngoại ngữ…Đặc biệt, phần mềm quản lý dữ liệu phải được thiết kế khoa học. Tất cả quá trình này đều đòi hỏi phải đào tạo lâu dài. Tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP.HCM, chỉ để vận hành kho lưu ảnh số phải mất vài năm mới hoạt động trơn tru. Nhân viên phải đi Pháp học nhiều lần. Chính phủ Pháp cũng nhiều lần cử chuyên gia sang chuyển giao công nghệ.

Trình độ khoa học kỹ thuật số của Việt Nam cũng đang dần bắt kịp với thế giới, nhiều mô hình số hóa di sản đã ra đời. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề xoay quanh câu chuyện này, cần được giải quyết. Tại diễn đàn Lưu trữ nghệ thuật và thiết kế Việt Nam mới đây, vấn đề số hóa để bảo tồn, phát huy giá trị di sản cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt. Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Thanh Hà (Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, người đồng xây dựng web Di sản số) cho rằng sự kết hợp giữa khối văn hóa nghệ thuật với các đơn vị công nghệ vẫn chưa hiệu quả, dẫn đến các kết quả chuyển đổi số nhỏ giọt và thời vụ.

Trình độ của các địa phương trong công tác này vẫn còn chênh lệch. Bà Huỳnh Ngọc Vân (Giám đốc Bảo tàng Áo dài TP.HCM) đánh giá: “Ở các đô thị lớn, hoặc những thành phố phát triển mạnh du lịch dựa vào di sản văn hóa, thì chính sách, sự quan tâm đến vấn đề này có thể nhanh nhạy. Còn ở địa phương, vấn đề này ít nhiều vẫn còn trở ngại, cả con người lẫn kỹ thuật”.

Hình ảnh số hoá đình Tiền Lệ
Hình ảnh số hoá đình Tiền Lệ

Ông Nguyễn Khánh Hiệp - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh An Giang - cho biết: “Số hóa di sản vẫn là công tác khá mới mẻ không chỉ riêng An Giang mà còn với nhiều địa phương trên toàn quốc. Hiện, chúng tôi vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, sau khi hoàn chỉnh mới tham mưu cho UBND tỉnh về việc số hóa chữ viết trên lá buông. Công tác số hóa ở các thư viện còn gặp nhiều trở ngại, thậm chí nơi có, nơi chưa, thì vấn đề số hóa di sản chắc chắn là không dễ dàng”.

Chưa kể, chi phí vận hành hệ thống lưu trữ số này không nhỏ. Với nhiều địa phương, nguồn kinh phí đầu tư cho công tác này còn hạn chế, chưa được quan tâm. Ngay tại các thành phố lớn, nhiều bên nhờ sự hỗ trợ từ các đơn vị tư nhân hoặc nguồn hỗ trợ bên ngoài, qua các dự án hỗ trợ phi lợi nhuận của các nước bạn để thực hiện công tác số hóa.

Bà Huỳnh Ngọc Vân đề xuất: “Về con người, tôi cho rằng cán bộ bảo tàng, quản lý cần học thêm về công tác này. Ngoại ngữ cũng rất quan trọng. Các quốc gia mạnh về công tác bảo tàng, di sản cũng thường có những dự án tài trợ ngắn hạn, dài hạn. Vì thế, khi có vốn ngoại ngữ sẽ dễ dàng giao tiếp, tận dụng được sự hỗ trợ về kỹ thuật, tri thức”.

Việt Nam đang có nhiều đơn vị, doanh nghiệp mạnh về kỹ thuật số. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Cục Di sản Văn hóa cần có giải pháp huy động các nguồn lực này, để đẩy nhanh tốc độ số hóa kho tàng di sản quý giá của nước nhà. 

Thuỵ Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI