Xe đạp công cộng ở TPHCM được người dân ủng hộ

26/12/2020 - 07:01

PNO - UBND TPHCM vừa có kết luận ủng hộ đề xuất của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) về triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn thành phố, đồng thời sẽ miễn tiền thuê vỉa hè làm nơi bố trí đậu xe cho đơn vị đầu tư trong thời gian thí điểm 12 tháng.

Nhận định dịch vụ xe đạp đô thị sẽ góp phần thay đổi thói quen đi lại của người dân thành phố, giảm ô nhiễm môi trường và tạo ra sản phẩm mới phục vụ khách du lịch, Phó chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan trong kết luận ủng hộ đề xuất của Sở GTVT và giao đơn vị này hoàn chỉnh nội dung dự án, trình thường trực UBND thành phố thông qua.

Ngoài ra thành phố sẽ miễn tiền thuê vỉa hè làm bãi đỗ xe tại 43 vị trí trên địa bàn quận 1 cho đơn vị tham gia dự án trong thời gian thí điểm 12 tháng. 

Xe đạp của dự án xe đạp cộng đồng đang thử nghiệm ở làng Đại học Quốc gia TP.HCM - Ảnh: Đỗ Minh
Xe đạp của dự án xe đạp cộng đồng đang thử nghiệm ở làng Đại học Quốc gia TPHCM - Ảnh: Đỗ Minh

Dự án thí điểm xe đạp công cộng do Công ty cổ phần tập đoàn Trí Nam đề xuất thực hiện.

Theo đó, đơn vị đầu tư sẽ bố trí 388 xe đạp tại 43 trạm trên vỉa hè có chiều rộng từ 4,5m đến 12m thuộc quận 1. Mỗi trạm có diện tích 20-30m2 cho 10-20 xe đậu thành hai dãy, bề rộng tối thiểu cho một xe là 1m. 

Xe đạp được gắn khóa thông minh, có tính năng định vị GPS, đóng hoặc mở khóa thông qua kết nối mạng 2G, 3G, 4G hoặc bluetooth trên di động.

Người dùng cài đặt ứng dụng Mobike trên điện thoại rồi quét xung quanh, tìm trạm có xe đạp gần nhất, sau đó dùng ứng dụng này quét mã code mở khóa xe sử dụng. Sau khi hoàn tất chuyến đi người dùng đậu xe đúng nơi quy định để khóa xe. 

Để sử dụng và thanh toán tiền, người dùng nạp tiền trước qua tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, ATM có liên kết với ứng dụng Mobike. Giá thuê xe được đề xuất 5.000 đồng cho 30 phút, 10.000 đồng cho một giờ và nghiên cứu cho thuê theo giờ như 15 phút, 30 phút. Thời gian đầu (từ 1-3 tháng) sẽ miễn phí trong 15 phút đầu để khuyến khích người dân sử dụng.

Theo Sở GTVT, việc thí điểm mô hình này giúp đa dạng các loại hình giao thông công cộng và hỗ trợ kết nối các chặng đường ngắn cho hành khách tiếp cận phương tiện công cộng như xe buýt, metro, BRT (xe buýt nhanh).

Thời gian thí điểm dự kiến một năm sau khi khảo sát 43 vị trí trên địa bàn quận 1. Riêng các tuyến Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ chưa triển khai. Mô hình sẽ được đánh giá lại để xây dựng phương án đầu tư cụ thể nếu nhân rộng.

Về phía chủ đầu tư, đại diện Công ty Trí Nam cho biết, sau khi được thành phố phê duyệt dự án, đơn vị sẽ nhập xe, chỉnh trang - kẻ vạch tại 43 vị trí bãi đỗ đồng thời thiết lập hệ thống tổng đài hỗ trợ khách, bố trí nơi bảo trì, sửa chữa phương tiện. Hiện nay đơn vị đang hoàn tất việc đăng ký website, ứng dụng điện tử với Bộ Công thương.

“Thời gian triển khai thí điểm sẽ gặp một số khó khăn như tổ chức phân phối lại số lượng xe sau một ngày sử dụng giữa các trạm; hướng dẫn cho khách thao tác trên các ứng dụng; với 43 trạm thí điểm, phạm vi phục vụ chỉ bó gọn trong quận 1, khả năng tiếp cận khách hàng còn hạn chế…

Tuy nhiên, sau thời gian thí điểm đơn vị sẽ hoàn thiện, các trạm sẽ được phủ đều trên phạm vi rộng hơn ở khu vực trung tâm thành phố nếu được tiếp tục thực hiện dự án”, đại diện chủ đầu tư cho biết. 

Nhiều người dân bày tỏ sự ủng hộ loại hình mới mẻ này. Chị Nguyễn Thu Hằng (quận 3) cho rằng, ở các nước, chuyện đi bộ 300-500m đến các nhà ga metro, trạm xe buýt là bình thường, vừa vận động cơ thể vừa hạn chế sử dụng các phương tiện phát thải. Nhưng ở Việt Nam, người dân không quen đi bộ, cứ ra đường là “lên xe máy”, gây ùn tắc giao thông và tăng phát thải ra môi trường. Do đó, xe đạp công cộng sẽ góp phần tuyên truyền lối sống xanh, khuyến khích người dân vận động. 

Anh Thanh Tâm (quận 4) đề xuất giá vé phải phù hợp với đại bộ phận người dân và nên chia nhỏ thời gian cho thuê như 15 phút, 30 phút, 45 phút… đồng thời phải bố trí nhiều trạm xe ở nhiều quận nhằm tăng tính kết nối. 

Nhiều nơi không muốn... giữ xe đạp!

Lâu nay tôi vẫn chọn xe đạp và xe buýt để đi lại. Xe buýt giúp tôi tránh nắng, mưa, khói bụi, còn xe đạp giúp tôi rèn luyện sức khỏe.

Thế nhưng đi xe buýt cũng khổ khi nhiều nơi không còn lề cho người đi bộ, các trạm dừng chân nhiều nơi còn nhếch nhác.

Còn đi xe đạp thì khổ với việc gửi xe. Nhiều nơi không có chỗ cho xe đạp, thấy xe đạp họ không muốn giữ. Giá gửi xe có nơi thu 1.000 đồng, có nơi thu 5.000 đồng/chiếc. 

Tôi nghĩ, khuyến khích người dân dùng các phương tiện công cộng thì cũng cần đầu tư cơ sở hạ tầng thật chu đáo. Vận động người dân đi xe đạp thì phải tính đến chỗ gửi xe, giá cả và thái độ phục vụ. 

Lê Việt Long
(sinh viên Trường đại học Công nghệ TPHCM)

Văn Hiếu

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI