Xây dựng nguồn nhân lực có trình độ, sống hạnh phúc

09/01/2023 - 06:18

PNO - Trong khuôn khổ kỳ họp bất thường lần thứ hai (diễn ra từ ngày 5 - 9/1), Quốc hội khóa XV đã lấy ý kiến các đại biểu về dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bản quy hoạch sẽ là bộ khung giúp công tác hoạch định chính sách đồng bộ, nhất quán, phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội trong 10 năm tới và xa hơn nữa.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực 

Bên cạnh những quy hoạch về hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) cho rằng, mấu chốt chìa khóa để thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển chính là yếu tố con người, chất lượng nguồn nhân lực. 

Bà nói: “Trong 10 năm qua, chúng ta đang tận dụng lợi thế nguồn nhân lực dồi dào và giá rẻ nhưng hiện tại, đó không còn là lợi thế nữa. Nguồn nhân lực phải có chất lượng, có trình độ, tay nghề, có ý thức kỷ luật cao. Nếu như không quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực, chúng ta sẽ mãi loay hoay”.

Theo bà, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học sư phạm: “Trên thực tế, hệ thống các trường quá nhiều và thậm chí tràn lan. Thậm chí, mỗi tỉnh có vài trường đại học, đào tạo các ngành giống nhau, tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt trong tuyển sinh. Các trường cấp tỉnh phải hạ chỉ tiêu tuyển sinh, dẫn tới chất lượng đầu vào chưa cao”. 

Góp ý về dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đại biểu Quốc hội cho rằng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chìa khóa để phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn tới (trong ảnh: Sinh viên Trường đại học Kinh tế TPHCM đang học tập, nghiên cứu khoa học) - ẢNH: P.T.
Góp ý về dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đại biểu Quốc hội cho rằng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chìa khóa để phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn tới (trong ảnh: Sinh viên Trường đại học Kinh tế TPHCM đang học tập, nghiên cứu khoa học) - Ảnh: P.T.

Dự thảo quy hoạch đã xác định việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học, có trường đại học ngang tầm với khu vực nhưng theo bà, muốn được như vậy, cần phải sắp xếp lại, tránh sự tràn lan, dàn trải.

Đại biểu Lưu Bá Mạc (tỉnh Lạng Sơn) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung vào dự thảo nội dung phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0). Sự bổ sung này nhằm đảm bảo sự phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội đến năm 2030, đồng thời phù hợp với quan điểm phát triển trong dự thảo quy hoạch, đó là phát triển bao trùm, nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. 

Đóng góp vào dự thảo quy hoạch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, nếu không có nguồn nhân lực tốt thì không thể phát triển được. Cuộc cách mạng công nghệ trên thế giới đang diễn ra sôi nổi, đòi hỏi phải có sự cập nhật, có tầm nhìn, định hướng. Do đó, chúng ta phải có nguồn nhân lực chiến lược để “đi tắt, đón đầu” thành công. 

Cải thiện chỉ số hạnh phúc của người dân

Khi trình bày báo cáo thẩm tra bản dự thảo quy hoạch tổng thể quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, về tầm nhìn đến năm 2050, bên cạnh giáo dục, đào tạo, phát triển con người toàn diện, mang đầy đủ đặc trưng của con người xã hội chủ nghĩa, cần bổ sung mục tiêu “có chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức rất cao (từ 0,8 trở lên), người dân có đời sống hạnh phúc”. 

Quan tâm tới vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho rằng, dự thảo quy hoạch đã quan tâm đến phát triển các công trình hạ tầng văn hóa, thể thao nhưng nội dung này đề cập nhiều tới thể thao thành tích cao với việc xây một số công trình đạt chuẩn quốc tế, đảm bảo các điều kiện sẵn sàng đăng cai tổ chức thành công các sự kiện thể thao lớn của châu Á, thế giới mà chưa quan tâm phát triển thể thao quần chúng. 

Theo bà, cần có định hướng dành quỹ đất để bố trí hệ thống các điểm tập luyện thể thao cộng đồng: “Báo cáo của Bộ Y tế nêu rõ, cần cải thiện tầm vóc con người Việt Nam. Người Việt Nam hiện nay mắc quá nhiều bệnh không lây nhiễm, chủ yếu do ăn uống không cân bằng, lười tập thể thao. Để phòng ngừa các căn bệnh giết người thầm lặng, điều trị tốn kém, cách phòng ngừa đơn giản là tập thể dục, thể thao”. 

Bà Việt Nga nhận xét, thể thao quần chúng hiện chưa được quan tâm đúng mức. Ở nhiều khu chung cư, người dân không có nơi tập thể thao. Nhiều người tranh thủ đi bộ ở lòng đường, vỉa hè đầy khói bụi. Do đó, khi xác định tập trung cho thể thao quần chúng, các địa phương sẽ dành ra quỹ đất nhất định cho người dân có nơi tập luyện. Theo bà, cải thiện sức khỏe người dân cũng chính là gia tăng chỉ số hạnh phúc của họ: “Nếu không mạnh khỏe, sao hạnh phúc được”. 

Minh Quang

Dự thảo quan tâm nhiều đến người khuyết tật

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, hệ thống các trung tâm, cơ sở giáo dục, đào tạo dành cho người khuyết tật hiện nay còn thiếu: “Qua công tác giám sát, chúng tôi nghe nhiều giáo viên phản ánh, học sinh khuyết tật không thể học hòa nhập nhưng nhà trường buộc phải nhận theo luật, trong đó có những em khuyết tật thần kinh”. 

Theo bà, khi sinh ra 1 trẻ khuyết tật, cả gia đình, dòng họ phải chịu vất vả, áp lực. Có những vợ chồng ly tán hoặc 1 trong 2 người phải nghỉ việc, ở nhà trông con. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số hạnh phúc của người dân. Điều đáng mừng là dự thảo quy hoạch tổng thể lần này rất quan tâm và yêu cầu mỗi tỉnh phải có ít nhất 1 trung tâm giáo dục chuyên biệt dành cho người khuyết tật. Bà nói: “Đây là quy hoạch hợp lý. Khi đã quan tâm đầu tư, ngoài cơ sở vật chất, cần quan tâm tuyển sinh ngay từ các trường sư phạm và phải có chế độ để khuyến khích, thu hút được đội ngũ làm công việc này”.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (tỉnh Bình Định) cũng nhất trí với nội dung này trong dự thảo quy hoạch nhưng lưu ý thêm, ngoài trẻ khuyết tật về tay, chân, tai, mắt, còn có trẻ khuyết tật về tâm thần. Ngày càng có nhiều trẻ em bị rối loạn lo âu, hội chứng tăng động giảm chú ý, rối loạn khả năng đọc và giao tiếp, rối loạn cảm xúc, rối loạn phổ tự kỷ, tâm thần phân liệt, rối loạn vận động… Vì vậy, trong định hướng phát triển hạ tầng xã hội, cần quan tâm hơn đến đối tượng này để đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo cán bộ y tế về tâm thần, tâm lý.

Năm 2050, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao

Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định các quan điểm phát triển, tổ chức không gian phát triển. Theo đó, đến năm 2050, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; các vùng phát triển hài hòa, bền vững, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh; hệ thống đô thị thông minh, hiện đại, giàu bản sắc, xanh. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc; môi trường sống có chất lượng tốt, xã hội hài hòa với thiên nhiên, phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp.

Trong giai đoạn 2031-2050, Việt Nam phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 6,5 - 7,5%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000-32.000 USD/người/năm; tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70 - 75%; chỉ số phát triển con người ở mức rất cao, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu trở thành nước có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm.   

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI