Thiếu nhân lực, kinh phí, vướng cơ chế khi triển khai chương trình phổ thông mới

14/12/2022 - 06:57

PNO - Tại Hội nghị đánh giá tình hình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022-2023 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 13/12, nhiều tỉnh, thành đã nêu những khó khăn về nhân lực, kinh phí, cơ chế.

Thiếu đất xây trường hay thiếu tầm nhìn?

Ông Nguyễn Văn Phong - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Bình Dương - cho biết, địa phương phát triển mạnh về công nghiệp, dân số cơ học tăng nhanh, mỗi năm tăng 29.000-30.000 học sinh. Mặc dù năm nào cũng xây dựng trường lớp nhưng tỉnh luôn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, bởi tăng 30.000 học sinh thì ít nhất phải xây 15 trường nhưng 1 năm không thể xây được chừng này. Do thiếu trường lớp nên phải tăng sĩ số học sinh trên lớp và tăng số lớp trong trường.

Điều này đã phá vỡ mục tiêu dạy 2 buổi/ngày, chưa kể chất lượng giáo dục theo chuẩn quốc gia cũng phá vỡ. Có trường đã đạt trường chuẩn quốc gia nhưng sau 5 năm xét lại thì không tái chuẩn do quy mô đã quá lớn. Ở Bình Dương có trường phải mở đến 93 lớp trong khi theo quy định thì trường chuẩn quốc gia chỉ 45 lớp. Có nơi cấp tiểu học hơn 50 học sinh/lớp trong khi quy định không quá 35 em/lớp.

Việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đi đến năm thứ ba, tuy vậy vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn (trong ảnh: Tiết học của học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, quận Gò Vấp, TPHCM) - ẢNH: P.T.
Việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đi đến năm thứ ba, tuy vậy vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn (trong ảnh: Tiết học của học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, quận Gò Vấp, TPHCM) - Ảnh: P.T.

Không chỉ thiếu trường, lớp, mà tình trạng thiếu trang thiết bị dạy học cũng rất nan giải. Ông Lý Thanh Tâm - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước - cho hay hiện tỉnh đang rất thiếu trang thiết bị dạy học nhưng lại lúng túng trong việc triển khai mua sắm, bởi vướng mắc các quy định về định giá, đấu thầu, mua sắm tập trung. Năm 2022, ngành giáo dục được tỉnh bố trí 400 tỉ đồng mua sắm trang thiết bị nhưng đến nay vẫn “còn nguyên” vì chưa có các quy định rõ ràng, sở phải báo cáo lãnh đạo tỉnh làm chậm lại cho chắc.

Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất (Bộ GD-ĐT) Mai Văn Trinh cho rằng đối với mảng cơ sở vật chất có 2 việc khó là đất và tiền. Đất những nơi vùng lõi, mang tính chất lịch sử truyền thống ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM thì khó bố trí để xây trường. Do đó, ở những vùng lõi này, trong trường hợp cần thiết, địa phương có văn bản xin Bộ Xây dựng nâng tầng cao đối với các trường học. Đối với những khu vực còn xây mới được thì phải kiên định, tham mưu để lãnh đạo địa phương ưu tiên đất cho giáo dục.

“Các địa phương cần chú trọng thực hiện quy hoạch đảm bảo đất cho giáo dục, nếu không giải quyết sẽ tiếp tục đối mặt với bài toán học sinh tăng, thiếu trường, lớp, thiếu đất. Có thực sự là TPHCM, Hà Nội thiếu đất xây trường không hay đây là câu chuyện tầm nhìn? Đất xây chung cư vẫn có tại sao không dùng để xây trường?” - ông Mai Văn Trinh đặt câu hỏi.

Theo Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất, hiện nay thiết bị dạy học tối thiểu mới chỉ đáp ứng được khoảng 54% nhu cầu cả nước. Khi khảo sát về việc mua sắm thiết bị dạy học, 75% trường cho rằng khó về vốn, 41% nói khó về định giá, 25% gặp khó về việc tìm đơn vị định giá. Trong điều kiện đó, các trường phải khai thác tối đa thiết bị hiện có, vì quan điểm thực hiện chương trình mới không có nghĩa là mua sắm toàn bộ thiết bị mới.

Hiện nay đang triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới, nguồn kinh phí nông thôn mới phân chia 70% cho địa phương, 30% cho trung ương. Các địa phương không nên nghĩ nông thôn mới là câu chuyện của ngành nông nghiệp mà nên tận dụng nguồn kinh phí này để xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục.

Cần nâng cao vị thế nhà giáo 

Ông Phạm Ngọc Hải - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh - cho biết toàn tỉnh thiếu trên 1.100 giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non. Ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng biên giới thì tình trạng thiếu giáo viên càng nan giải. Riêng đội ngũ giáo viên mỹ thuật, âm nhạc, tin học, tiếng Anh ở tất cả cấp học đều thiếu. Ngành đang áp dụng nhiều giải pháp như đặt hàng đào tạo, tham mưu UBND trình HĐND tỉnh thực hiện chính sách thu hút giáo viên mầm non ở vùng khó tuyển. 

Tương tự, ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La - cũng chia sẻ, ngay cả tìm giáo viên hợp đồng cũng rất khó khăn, vì lương quá thấp, chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Nghịch lý là, dù thiếu giáo viên nhưng theo lộ trình, tỉnh phải tiếp tục giảm 10% biên chế, tương đương với giảm 2.777 giáo viên, dẫn đến thiếu hụt nhân lực thực hiện chương trình mới.

Chưa kể, hiện nay tuyển theo vị trí việc làm, mỗi người chỉ được đăng ký 1 vị trí việc làm, nếu không đạt thì không được chuyển sang vị trí việc làm khác. Có những trường ở nơi thuận lợi, nhiều người ứng tuyển nhưng chỉ chọn được 1 người. Còn những người không đậu thì cũng không được ứng tuyển về những nơi khó khăn hơn. 

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - thông tin, trước đây giáo viên dạy học 2 buổi/ngày từ chương trình cũ vẫn được hưởng kinh phí từ việc dạy buổi 2. Tuy nhiên từ khi triển khai chương trình mới, dạy 2 buổi/ngày là bắt buộc nên giáo viên không được bồi dưỡng thêm. Do đó, ông kiến nghị Vụ Giáo dục tiểu học xác định buổi bắt buộc tối thiểu là bao nhiêu. Nếu xác định tối thiểu là 7 buổi/tuần, thì những buổi học còn lại có thể xã hội hóa các hoạt động khác trong nhà trường, để có thêm nguồn thu cho giáo viên.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Hiếu cũng đề nghị có chế độ ưu đãi cho giáo viên vùng sâu, vùng xa và giáo viên mầm non. Đối với phụ cấp ưu đãi, nên tăng lên 100% với giáo viên mầm non, 50% cho giáo viên tiểu học, 40% cho giáo viên THCS và THPT.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhận xét: “Chúng ta đều biết giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục. Vậy ai, cái gì quyết định chất lượng giáo viên? Giáo viên phải được tập huấn, bồi dưỡng, phải có môi trường thân thiện, có chế độ hợp lý. Hiệu quả của công việc được tính bằng tích của 3 thừa số “biết làm, có điều kiện làm và có động lực làm”, mà chỉ 1 thừa số bằng 0 thì tích bằng 0. Đâu đó vẫn có giáo viên phản ánh hiệu trưởng như 1 “vua con”, bắt làm gì phải làm nấy, vậy thì đổi mới rất khó khăn. Cho nên phải xác định khâu đổi mới quản lý là đột phá. Chúng ta cứ lo tập huấn cho giáo viên, nhưng cũng cần tập huấn cho cả hiệu trưởng, lãnh đạo sở giáo dục. Bộ quyết tâm xây dựng Luật Nhà giáo, tham mưu Chính phủ những điều kiện nâng cao chất lượng về tuyển dụng, đánh giá, đãi ngộ, thi đua khen thưởng, từ đó nâng cao vị thế nhà giáo”.

Thiếu cả con người và phương tiện

Theo Bộ GD-ĐT, tỉ lệ phòng học công lập được kiên cố hóa bình quân cả nước đạt hơn 87%. Trong đó, một số vùng miền phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long tỉ lệ kiên cố hóa thấp hơn bình quân cả nước. Tại cấp tiểu học thiếu hơn 13.300 phòng học để đáp ứng yêu cầu học 2 buổi/ngày. Đối với cấp tiểu học, để thực hiện chương trình mới, cả nước thiếu hơn 42.300 phòng học bộ môn.

Từ năm học 2022-2023, để đáp ứng yêu cầu cho môn tin học và ngoại ngữ là môn bắt buộc với lớp Ba, cả nước thiếu hơn 3.000 phòng tin học và hơn 5.500 phòng học ngoại ngữ. Cấp THCS thiếu 16.288 phòng bộ môn và cấp THPT thiếu hơn 5.300 phòng bộ môn. Cả nước thiếu gần 107.000 giáo viên, trong đó cấp mầm non thiếu nhiều nhất với hơn 44.000 người, sau đó là cấp tiểu học gần 33.000 người. 

Không hiểu cực đoan về mục tiêu chương trình mới

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá trong mục tiêu đổi mới giáo dục theo Nghị quyết 29 thì việc thực hiện chương trình phổ thông mới là khó khăn, lâu dài nhất và tạo ra sự thay đổi sâu sắc nhất. Dù triển khai trong thời gian ngắn và thiếu thốn rất nhiều thứ nhưng cả nước đã đạt được những kết quả nhất định.

Giai đoạn sắp tới, về phương diện nhận thức, quyết tâm, chúng ta phải xác định rằng chương trình 2018 là con đường phải đi, không có chuyện “khó quá, hay là thôi”. Trong thời gian tới, bộ tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách, nhân lực, nguồn lực cho giáo dục.
Bộ trưởng cũng lưu ý cần nhận thức đúng về mục tiêu chương trình mới là chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực phẩm chất nhưng đề phòng cách hiểu sai lệch. “Phát triển năng lực là như thế nào, rất dễ có hiểu lầm cực đoan là bỏ bớt dạy kiến thức. Nếu coi nhẹ kiến thức là sa vào sai lầm chết người. Kiến thức bao giờ cũng hệ trọng, không có kiến thức không thể hình thành được năng lực.

Ví dụ chúng ta phê phán học vẹt, nhưng không bắt học sinh nhớ gì cả là sai lầm. Phải nhớ từ vựng ngoại ngữ, phải nhớ câu văn, ca dao, nhớ công thức toán... để làm chất liệu cho tư duy. Giống như nạp dữ liệu vào thì phần mềm mới chạy. Do đó, cần tránh hiểu sai và cực đoan về mục tiêu chương trình mới” - ông Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

 Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI