Xâm nhập mặn mùa khô năm 2024-2025 ở ĐBSCL sẽ cao hơn trung bình nhiều năm

29/11/2024 - 13:39

PNO - Sáng 29/11, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức diễn đàn “Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng chống thiên tai vùng ĐBSCL”.

Bộ NN-PTNT cho rằng, ĐBSCL là vùng đất có tiềm năng đa dạng và phong phú, nhưng đối mặt với nhiều thách thức lớn từ biến đổi khí hậu.

Thống kê của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho thấy, các loại hình thiên tai thường xảy ra ở ĐBSCL là hạn hán, xâm nhập mặn; lũ, ngập úng; sạt lở bờ sông, bờ biển; mưa lớn; nắng nóng; bão, áp thấp nhiệt đới; giông lốc, sét; cháy rừng do tự nhiên.

Các loại hình thiên tai này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, đặc biệt là những cộng đồng nông thôn vốn phụ thuộc lớn vào nông nghiệp.

Quang cảnh diễn đàn
Quang cảnh diễn đàn

Điển hình, mùa khô năm 2023-2024, hạn mặn đã làm 1.189ha lúa ở ĐBSCL giảm năng suất, hàng chục ha lúa bị mất trắng; khoảng 73.900 hộ dân bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt.

Bên cạnh đó, ĐBSCL có 2.059 điểm sụt lún (tương đương 51km chiều dài đê và đường giao thông nông thôn); có hơn 800 khu vực sạt lở, với tổng chiều dài trên 1.000km; trung bình mỗi năm, đồng bằng mất từ 300-500ha đất do sạt lở bờ sông, bờ biển…

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau - nhìn nhận, vào mùa mưa, tỉnh có lượng mưa đến 2.400mm cao nhất ĐBSCL, nhưng vào mùa khô cũng là nơi chịu khô hạn bậc nhất.

Nghịch lý về lượng mưa chỉ là một trong rất nhiều diễn biến bất lợi của khí hậu tác động đến Cà Mau, khiến tỉnh có tới 188km đường bờ biển, trong đó hơn 70% bị sạt lở nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm.

Đến nay, Cà Mau mới xử lý được khoảng 78km, số còn lại cần xử lý gấp trong thời gian tới. Do đó, tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ NN-PTNT nghiên cứu, xem xét giúp Cà Mau về bảo vệ đê ven biển.

Lãnh đạo Chi cục Thủy lợi Bạc Liêu cho hay, trên địa bàn tỉnh có 77 vị trí sạt lở bờ sông, 67 sạt lở bờ biển. Bạc Liêu mong muốn Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nghiên cứu, xây dựng kết cấu công trình mới, tối ưu mà không gây tác động nhiều tới đời sống người dân, không phải di dời các hộ để giảm chi phí giải phóng mặt bằng.

Hỗ trợ nước ngọt miễn phí cho bà con Cà Mau vào mùa khô
Hỗ trợ nước ngọt miễn phí cho bà con Cà Mau vào mùa khô

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Huy Khôi - Trưởng phòng Khoa học công nghệ - Hợp tác quốc tế (Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam) - thông tin về dự báo hạn mặn năm 2025.

Theo đó, dựa trên cơ sở về điều kiện ENSO, diễn biến mưa trái mùa, nguồn nước… Cụ thể, năm 2024, hồ chứa thủy điện thượng lưu đã tích được khoảng 88% tổng dung tích hữu ích. Trong đó, các hồ trên sông Lan Thương (Trung Quốc) tích 94%, các hồ ở hạ lưu vực sông Mê Kông tích trữ ở mức khoảng 74%. Dự kiến đầu mùa khô năm 2024-2025, dung tích hữu ích duy trì ở mức 70-80%.

Trong khi đó, triều cường các tháng mùa khô 2024-2025 ở mức cao. Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam nhận định, nguy cơ xuất hiện hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024-2025 vẫn có thể xảy ra ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như mùa khô các năm 2015-2016 và 2019-2020.

Kế hoạch xuống giống lúa vụ đông xuân năm 2024-2025 ở vùng ĐBSCL hơn 1.490.000ha, lớn hơn không nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước; tuy nhiên cần tính toán thời vụ hợp lý để tránh nguy cơ ảnh hưởng hạn mặn…

Dự báo năm 2025 khô hạn và xâm mặn cao hơn trung bình nhiều năm
Dự báo năm 2025 khô hạn và xâm mặn cao hơn trung bình nhiều năm

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng dự đoán, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long xuống dần và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-0,2m; xâm nhập mặn mùa khô năm 2024-2025 tới đây ở ĐBSCL cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020.

Đối với xu thế lũ năm 2025 thì còn khá sớm để dự báo, song với căn cứ điều kiện triều cường, tác động biến đổi khí hậu gây ra mưa, dự báo sơ bộ cho thấy lũ năm 2025 đầu nguồn sông Cửu Long đạt đỉnh vào cuối tháng 9 đến nửa đầu tháng 10. Đỉnh lũ năm 2025 trên vùng thượng ĐBSCL phổ biến ở mức xấp xỉ và trên mức báo động I…

Về định hướng phòng chống thiên tai trong thời gian tới, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho biết, vùng ĐBSCL đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 50% thiệt hại về người trong các trận lũ lớn so với giai đoạn 2011-2020; vì vậy cần hoàn chỉnh hệ thống phòng chống hạn hán cho diện tích có nguy cơ ở vùng giữa, vùng ven biển 530.000ha thuộc các tiểu vùng ngọt hóa; giảm thiểu tác động xâm nhập mặn cho 600.000ha khu vực ven biển thuộc vùng dự án thủy lợi; sắp xếp lại, di dời dân cư, phấn đấu hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở…

Hạ tầng thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong giảm thiểu và phòng chống thiên tai; hiện đã từng bước được hoàn thiện, tuy nhiên, bên cạnh đầu tư hạ tầng thì các giải pháp phi công trình cũng rất quan trọng để giảm thiểu rủi ro thiên tai cho toàn vùng…

Ông Đỗ Đức Dũng - Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam - phát biểu
Ông Đỗ Đức Dũng - Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam - phát biểu

Ông Đỗ Đức Dũng - Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam - cho biết, Viện đã và đang tham gia vào nhiều chương trình, kế hoạch, quy hoạch đối với vùng ĐBSCL, trong đó có quy hoạch thủy lợi hiện đang trong tiến trình xin ý kiến cuối cùng.

Quy hoạch đưa vào những vấn đề có tính ngắn hạn, dài hạn của vùng. Vì vậy, mong muốn các địa phương có những tồn tại hạn chế đóng góp ý kiến để các giải pháp đưa ra có thể gắn với thực tiễn nhất, góp phần vào quy hoạch ĐBSCL bền vững trong tương lai…

Huỳnh Trọng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI