Xa lạ và ấm ức

16/01/2019 - 09:39

PNO - Giống như một cuộc hẹn hò được lên kế hoạch từ rất lâu, với rất nhiều háo hức, mong chờ. Nhưng mọi thứ diễn ra trong buổi gặp mặt lại không được như những gì người ta từng hình dung.

Trong chương trình tôn vinh 100 năm nghệ thuật cải lương (do Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP.HCM tổ chức) ở đường đi bộ Nguyễn Huệ, nhiều khán giả đã bỏ về khi chương trình còn chưa quá nửa. Trong số họ có nhiều người không phải người dân thành phố. Nhiều người đã không ngần ngại đón xe đò hàng trăm cây số từ miền Tây lên Sài Gòn từ rất sớm.

Xa la va am uc
Dù được chờ đợi nhưng chương trình không được như khán giả kỳ vọng

Khán giả không đánh giá chương trình bằng chuyên môn hay những am tường của họ về cải lương, nên rất có thể họ không thấy được những thiếu sót và sự không trọn vẹn của chương trình dưới góc độ của một nhà nghiên cứu. Nhưng từ hàng ghế khán giả, mọi người vẫn nhận ra chương trình không đủ sức giữ chân họ cho đến khi sân khấu hạ màn, tắt đèn, nghệ sĩ và khán giả vẫn nán lại cùng nhau rất lâu trong tiếng vỗ tay không dứt, như đã từng, vào cái thời hoàng kim của cải lương.

Vì một điều rất đơn giản: sự vắng mặt tuyệt đối của các vở cải lương tâm lý xã hội - những cái thuộc về xã hội đương thời, những trải nghiệm khác nhau trong cuộc sống, những ước mơ, khát khao mà khán giả muốn được gửi gắm, được khóc, được cười cùng với nhân vật, phản ánh đời sống thực của chính họ.

Xa la va am uc
Vở diễn Lấp sông Gianh và ký ức kinh hoàng về vụ nổ, sát hại nghệ sĩ vào ngày 19/12/1955 tại rạp Nguyễn Văn Hảo

Dù Lấp sông Gianh gợi nhớ về tác phẩm kinh điển trên sân khấu Kim Thoa hơn 60 năm trước; dù Thái hậu Dương Vân Nga qua phần biểu diễn... chớp nhoáng của NSND Ngọc Giàu, NSƯT Phượng Loan, NSƯT Thoại Mỹ đầy hào sảng; những vở diễn kinh điển đó, được đưa ra với tần suất dày đặc, càng khiến người ta nhận ra sự thiếu vắng đáng tiếc của những Lá sầu riêng, Đời cô Lựu, Nửa đời hương phấn, Tô Ánh Nguyệt... dung dị, gần gũi, đời thường.

Ý tưởng đưa 8 sân khấu xã hội hóa ra đường đi bộ để các sân khấu có điều kiện tiếp cận với khán giả ở phạm vi gần là một ý tưởng khá hay ho. Tuy vậy, các đơn vị này lại không nắm bắt cơ hội tự tiếp thị với khán giả bằng chính phong cách cải lương đặc trưng của chính mình.

Xa la va am uc
NSND Lệ Thuỷ - NSUT Minh Vương với bài tân cổ giao duyên Bánh bông lan

Việc các đơn vị xã hội hóa chọn các trích đoạn có sẵn, và tất cả các trích đoạn đều có một màu tuồng sử như Câu thơ yên ngựa, Bạch Đằng giang, Dấu ấn giao thời, Thuận lòng trời… không chỉ làm cho tổng thể chương trình trở nên đơn điệu, một màu, nhàm chán, mà còn làm người ta có cảm giác các đơn vị xã hội hóa không ý thức việc phát triển theo phong cách riêng, nhằm tạo dấu ấn cho riêng mình. Vậy làm sao mà khán giả nhớ đến, như cách mà các đoàn cải lương đã làm được ở cái thời hoàng kim thập niên 1950, 1960?

Thời đó, nhắc đến Thanh Minh - Thanh Nga, khán giả sẽ nghĩ ngay đến những tuồng cải lương tâm lý xã hội, tuồng dã sử; nhắc đoàn Hoa Sen của ông bầu Bảy Cao, người ta sẽ nhớ đến những tuồng chiến tranh có xe tăng, máy bay, đánh trận... Nhắc Kim Chung là khán giả nhớ ngay đến các tuồng kiếm hiệp... Còn bây giờ, nhắc tới Công ty dịch vụ giải trí Kim Tử Long, Sen Việt, sân khấu Lê Hoàng, đoàn nghệ sĩ Chí Linh - Vân Hà, đoàn nghệ sĩ Vũ Luân, Thắp sáng niềm tin, đoàn Minh Tơ, đoàn Huỳnh Long... người ta sẽ nhớ những gì?

Xa la va am uc
Với nhiều mong chờ háo hức, nhưng sự kiện lớn kỷ niệm 100 sân khấu cải lương lại diễn ra không như khán giả hình dung

Giống như một cuộc hẹn hò được lên kế hoạch từ rất lâu, với rất nhiều háo hức, mong chờ, dự định từ hai phía. Nhưng mọi thứ diễn ra trong buổi gặp mặt lại không được như những gì người ta từng hình dung. Cảm giác đọng lại sau đó không chỉ là sự tiếc nuối, mà còn rất nhiều ấm ức... 

Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI