WHO vạch kế hoạch kiểm soát dịch bệnh do vi-rút corona

10/02/2020 - 10:03

PNO - Trong ngày 10 hoặc 11/2, nhóm chuyên gia quốc tế do WHO dẫn đầu sẽ đến Trung Quốc để điều tra về sự bùng phát của vi-rút corona.

Dịch bệnh khó lường 

Số người chết do chủng vi-rút corona mới (2019-nCoV) gây ra tại Trung Quốc ngày 9/2 đã tăng thêm 89 trường hợp, đạt mức 811 ca, vượt số người tử vong trong đại dịch SARS năm 2002-2003 (774 người). Dù vậy, tiến sĩ Mike Ryan - người đứng đầu chương trình Cấp cứu sức khỏe của WHO - cho biết, đã có sự ổn định về số ca mắc mới. Số trường hợp mới được báo cáo trong 24 giờ hôm 9/2 đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước, xuống còn hơn 2.600 trường hợp so với gần 3.400 ca nhiễm được công bố hôm 8/2. Tuy nhiên, tiến sĩ Mike nói thêm: “Đó chưa hẳn là sự suy giảm mà có thể là sự ổn định tương đối trước khả năng dịch bệnh tăng tốc”.

Trung Quốc vẫn đang đấu tranh để ngăn chặn 2019-nCoV bằng cách phong tỏa khoảng 56 triệu người ở tỉnh Hồ Bắc và đặc biệt là thủ phủ của tỉnh - thành phố Vũ Hán. Các thành phố khác cách xa “trung tâm dịch” cũng đã thực hiện các biện pháp để giữ mọi người trong nhà, hạn chế số cá nhân trong gia đình rời khỏi nhà để mua sắm nhu yếu phẩm.

Nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ đến thăm bệnh nhân tại khu cách ly thuộc một bệnh viện ở Vũ Hán ngày 6/2 - Ảnh: Reuters
Nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ đến thăm bệnh nhân tại khu cách ly thuộc một bệnh viện ở Vũ Hán ngày 6/2 - Ảnh: Reuters

Hai bước tiến công của WHO 

Theo WHO, có hai bước quan trọng cần được thực hiện để chống lại sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp do 2019-nCoV gây ra ở Trung Quốc cũng như trên toàn cầu. Một mặt, cộng đồng quốc tế đã đưa ra kế hoạch “phòng ngừa và ứng phó chiến lược” trị giá 675 triệu USD từ tháng 2-4/2020. Mặt khác, WHO đang triệu tập một diễn đàn nghiên cứu và đổi mới toàn cầu tại trụ sở chính ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 11-12/2.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO - cho biết, lo lắng lớn nhất là hiện tại, không có hệ thống nào giúp phát hiện những người nhiễm vi-rút một cách hiệu quả. Do đó, cần hỗ trợ khẩn cấp để củng cố các hệ thống y tế còn yếu trong việc phát hiện, chẩn đoán và chăm sóc người nhiễm vi-rút, ngăn chặn sự lây truyền từ người sang người và bảo vệ nhân viên y tế.
Kế hoạch phòng ngừa và ứng phó chiến lược đối với dịch do vi-rút corona gồm các hoạt động và nguồn lực cần thiết cho các tổ chức y tế quốc tế trên toàn cầu, bao gồm cả WHO, nhằm thực hiện các biện pháp y tế công cộng, ưu tiên hỗ trợ các nước chuẩn bị và ứng phó với 2019-nCoV. 

Mục tiêu của kế hoạch là hạn chế sự lây truyền vi-rút từ người sang người, đặc biệt là ở các quốc gia dễ bị tổn thương nhất nếu họ phải đối mặt với dịch bệnh; xác định, cách ly và chăm sóc bệnh nhân sớm; truyền đạt thông tin về nguy cơ và các sự kiện quan trọng; giảm thiểu tác động xã hội và kinh tế; giảm sự lây lan vi-rút từ các nguồn động vật; giải quyết những ẩn số quan trọng. Kế hoạch tập trung vào việc nhanh chóng thiết lập sự phối hợp quốc tế và hỗ trợ hoạt động, nhân rộng các bước chuẩn bị sẵn sàng và phản ứng của đất nước, tăng tốc nghiên cứu. Tiến sĩ Mike Ryan khẳng định, hiệu quả của hoạt động chống dịch phụ thuộc các biện pháp chuẩn bị được đưa ra trước đợt bùng phát. 
Diễn đàn ngày 11-12/2 dự kiến có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả từ Trung Quốc. Họ sẽ thảo luận về một số lĩnh vực nghiên cứu, bao gồm xác định nguồn gốc của chủng vi-rút corona mới cũng như chia sẻ các mẫu sinh học và trình tự di truyền. 

Linh La (theo CNA, AP, Eurasia Review)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI