Vụ tìm được em gái thất lạc 24 năm trong khu cách ly: Về được Việt Nam nhờ một lần đi lạc

19/07/2020 - 12:57

PNO - Sau nhiều năm sinh sống nơi đất khách quê người, bà Huệ đã quên đi nhiều thứ, chỉ trừ những khuôn mặt của người thân trong gia đình. Cũng nhờ vậy mà trong ngày gặp lại, chỉ nhìn thoáng qua bà Huệ đã nhận ra anh trai và em gái của mình.

Chưa hết bất ngờ trước cuộc hội ngộ với người em gái thất lạc 24 năm, ông Trần Thế Nguyên - anh trai của bà Trần Thị Huệ - kể lại, ngày UBND phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) gửi thông báo về nhà, cho biết đã tìm thấy em gái của ông trong khu cách ly ở Lạng Sơn, gia đình ông không ai dám tin.

Sau khi lấy số điện thoại để liên lạc với điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn, nơi bà Huệ đang được cách ly và theo dõi sức khỏe, ông Nguyên vẫn sợ... bệnh viện bị nhầm. 

Nhưng khi nhìn tấm ảnh người phụ nữ gầy gò, ngồi bó gối trên giường bệnh, ông Nguyên không kìm được cảm xúc bởi đó chính là em gái ông, người đã mất tích cách đây 24 năm. Vẫn khuôn mặt đó, đường nét đó của cô Huệ ngày nào, không thể lẫn vào đâu.

Bà Huệ và người thân đoàn tụ sau 24 năm xa cách.
Bà Huệ và người thân đoàn tụ sau 24 năm xa cách

Sau gần nửa cuộc đời lưu lạc nơi đất khách quê người, với một người tinh thần không minh mẫn như bà Huệ, việc còn nhớ được tên và địa chỉ nhà, đã là một điều kỳ diệu. Nhưng kỳ diệu hơn trong ngày đoàn tụ với người thân, chỉ từ những cái nhìn ban đầu, bà Huệ đã nhận ra anh trai và em gái của mình.

"Tôi và cô Hà, em gái út lên đón Huệ tại Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn. Khi đi hai anh em cũng nói chuyện rằng, sợ Huệ chẳng nhận ra ai được vì từng ấy năm xa cách. Nhưng khi vừa gặp, cô ấy đã nhận ra Hà và sau đó thì nhận ra tôi. Tôi nghĩ bố tôi ở trên trời linh thiêng, phù hộ cho em gái tôi được trở về nhà sau từng ấy năm thất lạc. Cô Huệ được người ta đưa về Việt Nam trước giỗ của bố tôi một ngày", ông Nguyên xúc động kể lại.

Từ bi kịch mất con

Ngày đón bà Huệ trở về nhà đoàn tụ với người mẹ già đã 97 tuổi, gia đình ông Nguyên cũng có nhiều cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Vui vì em gái đã trở về, còn buồn vì giờ đây tinh thần bà Huệ không được minh mẫn, khó giao tiếp với gia đình bởi thứ tiếng nửa Việt nửa Trung.

Lúc trẻ bà Huệ xinh xắn và hiền lành, chăm chỉ. Năm 18 tuổi, bà Huệ kết hôn với em trai của một người đồng nghiệp tại nhà máy dệt 8/3. Từ thời điểm đó đã có nhiều biến cố xảy ra khiến cuộc đời người phụ nữ này gặp nhiều bi kịch, để rồi dẫn đến cảnh ly tán gia đình.

Sau 24 năm lưu lạc, người phụ nữ này trông đã khác nhiều so với bức ảnh ngày còn trẻ.
Sau 24 năm lưu lạc, người phụ nữ này trông đã khác nhiều so với bức ảnh ngày còn trẻ

"Huệ và chồng có một đứa con, những ngày cô ấy đi làm thì chồng ở nhà chăm đứa trẻ. Nhưng do tính cách chậm chạp, không biết chăm sóc con, đứa bé thì sinh thiếu tháng nên ốm đau liên miên rồi mất. Cũng từ đó, em gái tôi bị stress dẫn đến tinh thần có vấn đề rồi bỏ nhà đi lang thang. Hai vợ chồng cũng chia tay, ai đi đường nấy", ông Nguyên kể. 

Đã có lần bà Huệ được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội vì nhiều người tưởng bà là người tâm thần, vô gia cư. Sau khi được điều trị một thời gian, được bố mẹ đón về ở cùng, mỗi ngày bà Huệ mang rau, đậu ra chợ bán kiếm tiền.

Nhưng nỗi đau mất con vẫn cứ đeo bám khiến bà Huệ không còn được minh mẫn, tỉnh táo như trước. Bà Huệ bị một đối tượng tán tỉnh, gạ gẫm về ở cùng. Dù gia đình đã can ngăn hết mức, nhưng bà Huệ vẫn không thay đổi ý định.

Đến năm 1996, sau khi về ở với gã đàn ông nghiện ngập kia được một thời gian, bỗng nhiên bà Huệ mất tích. Gia đình đã báo chính quyền địa phương, nhưng thông tin về bà Huệ vẫn không có gì khả quan.

Không lâu sau đó, ông Nguyên được biết người đàn ông này chết do ma túy.

Nghĩ rằng bà Huệ lại phát bệnh đi lang thang như trước, anh em ông Nguyên đã đi tìm khắp các nơi quanh Hà Nội, nhưng vẫn không có thông tin.

Cũng trong thời gian này, con của ông Nguyên ra đời với nhiều dị tật bẩm sinh. Mải lo chạy chữa cho con khiến kinh tế gia đình ông suy sụp, việc tìm kiếm em gái cũng bị bỏ ngỏ.

Những năm sau này, gia đình cũng tìm nhiều cách để tìm bà Huệ, kể cả những cách tâm linh nhưng mọi cố gắng đều không có kết quả. Tuy nhiên, gia đình ông Nguyên luôn tin em gái mình vẫn còn sống, đang lưu lạc ở nơi nào đó và sẽ có ngày trở về.

Bà Huệ cùng người mẹ già 97 tuổi.
Bà Huệ cùng người mẹ già 97 tuổi

Đúng như linh cảm của họ, sự trở về của bà Huệ đều là cơ duyên và xảy ra một cách vô tình. Bằng những câu từ nửa Việt nửa Trung chắp nối lại, bà Huệ kể mình từng có chồng ở bên kia biên giới. Một ngày, người chồng này dẫn bà đi thăm họ hàng rồi không rõ vì lý do nào đó, bà Huệ bị lạc đường và cứ thế đi lang thang khắp nơi. Cho đến khi gặp Công an Trung Quốc, được họ đưa lên một chiếc ô tô lớn có nhiều người Việt Nam và trao trả về nước.

Trước câu chuyện kì lạ của em gái, ông Nguyên cho rằng, có lẽ nếu không vì tình hình dịch bệnh, khiến phía bên kia biên giới kiểm soát chặt chẽ hơn thì gia đình ông sẽ không có cơ hội gặp lại em gái.

Ông Nguyên cũng thay mặt gia đình gửi lời cảm ơn tới cơ quan chức năng và Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn đã giúp đỡ, chăm sóc cho em gái của mình trong thời gian qua. 

Sáng 17/7, bà Trần Thị Huệ (58 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã về với gia đình sau khi hoàn thành thời gian cách ly. Bà Huệ là một trong số những người Việt Nam được Công an Quảng Tây (Trung Quốc) trao trả, do sức khỏe yếu, bà Huệ được chuyển đến theo dõi tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn.

Những ngày đầu, bà Huệ có dấu hiệu rối loạn tâm thần, thường xuyên bị kích động, đập phá… Sau một thời gian điều trị, bệnh tình của bà đã thuyên giảm. Các bác sĩ khai thác lấy được thông tin địa chỉ gia đình để liên hệ với cơ quan chức năng xác minh, gọi người thân đến đón.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI