Vụ hơn 500 giáo viên sẽ mất việc: chưa phát hiện tiêu cực trong việc tuyển giáo viên vô tội vạ

12/03/2018 - 11:23

PNO - Ngay sau khi có chỉ đạo tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng với hàng trăm giáo viên, các ngành chức năng tại Đắk Lắk đang khẩn trương rà soát, tìm phương án giải quyết tốt nhất.

Ngay sau khi có chỉ đạo của tỉnh, sáng 12/3, UBND huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) có thông báo số 353 /UBND-VP về việc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về vấn đề liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng giáo viên không được phân bổ chỉ tiêu tuyển dụng năm 2017.

Nội dung thông báo cho biết, tạm dừng việc thực hiện công văn số 323/UBND-NV ngày 6/3 của UBND huyện về việc chấm dứt hợp đồng lao động với 208 trường hợp ngoài chỉ tiêu biên chế không có vị trí tuyển dụng năm 2017. 

Đồng thời, giao cho Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với Phòng Giáo dục & Đào tạo tham mưu UBND huyện: rà soát, xây dựng phương án, đề xuất với UBND tỉnh xem xét bổ sung thêm chỉ tiêu xét tuyển đối với giáo viên có hợp đồng lao động ngoài chỉ tiêu biên chế nhưng không có vị trí việc làm để tuyển dụng; phối hợp với các sở, ngành có liên quan để thực hiện hướng dẫn việc xử lý, khắc phục những tồn tại trong việc sử dụng biên chế, hợp đồng lao động giáo viên trên địa bàn huyện trình tự các bước theo đúng quy định pháp luật.

Vu hon 500 giao vien se mat viec: chua phat hien tieu cuc trong viec tuyen giao vien vo toi va
Sau chỉ đạo tạm dừng, nhiều giáo viên vẫn không hết hoang mang.

Ngoài ra, tham mưu UBND huyện báo cáo UBND tỉnh, Sở Nội vụ chính xác số liệu, tổng hợp, phân loại các hợp đồng lao động theo từng nhóm để dự kiến biện pháp giải quyết phù hợp với quy định và thực tiễn; rà soát lại nội dung công văn 323 của UBND huyện, tham mưu điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế và quy định hiện hành.

Cũng theo thông báo, UBND huyện giao cho Phòng Giáo dục & Đào tạo chủ trì phối hợp với Phòng Nội vụ, các trường để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động là giáo viên hợp đồng để tham mưu giải pháp phù hợp; Chỉ đạo các trường thông báo việc tạm dừng thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động giáo viên ngoài chỉ tiêu tuyển dụng.

Mặt khác, giáo cho công an huyện tăng cường nắm bắt tình hình, bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết đã đề nghị UBND tỉnh, UBND huyện Krông Pắk bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các thầy cô giáo. Có phương án điều chuyển các giáo viên dôi dư từ huyện Krông Pắk sang các huyện khác. Trong trường hợp một số thầy cô không được tiếp tục hợp đồng, cũng đề nghị phía UBND huyện có hỗ trợ giáo viên để họ ổn định cuộc sống và tìm công việc mới.

Liên quan đến việc lãnh đạo huyện ký hợp đồng với hàng trăm giáo viên ngoài biên chế, bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó chủ tịch huyện Krông Pắk cho biết, cho đến thời điểm này chưa phát hiện dấu hiệu tiêu cực trong việc UBND huyện này ký hợp đồng dôi dư hơn 600 giáo viên.

Vu hon 500 giao vien se mat viec: chua phat hien tieu cuc trong viec tuyen giao vien vo toi va
Bà Ngô Thị Minh Trinh cho biết, các ngành chức năng đang tích cực tìm phương án giải quyết.

“Huyện sẽ rà soát, phân tích rõ từng loại hợp đồng loại nào là ngắn hạn, loại nào là dài hạn để có đề xuất, hướng giải quyết tốt nhất đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên. Trong thời gian các cơ quan nghiên cứu, tìm hướng giải quyết, các giáo viên này sẽ tiếp tục được giảng dạy bình thường”, bà Trinh thông tin.

Cũng theo bà Trinh, hiện huyện còn khoảng 75 chỉ tiêu biên chế (chủ yếu là giáo viên cấp THCS) nên đang xin các cấp ngành xem xét để cho số giáo viên này được tham gia thi tuyển biên chế theo quy định.

Mặc dù vậy, rất nhiều thầy, cô giáo trên địa bàn huyện Krông Pắk vẫn hoang mang, lo lắng như ngồi trên đống lửa. Anh Hồ Tất Thắng – giáo viên dạy địa lý tại trường THCS Ea Yiêng chia sẻ: “Tôi đứng trên bục giảng từ năm 2010 đến nay, được tuyển dụng với hình thức hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế. Vượt qua rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, tôi cố bám trụ với nghề với hy vọng ổn định cuộc sống và góp phần trong sự nghiệp trồng người. 

Bao nhiêu năm dạy học, tôi đã chứng kiến nhiều em tốt nghiệp ra trường và đã được vào biên chế ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng bản thân tôi vẫn còn là giáo viên hợp đồng. Điều đó khiến bản thân tôi rất mặc cảm nhưng vẫn quyết tâm phấn đấu vì đó là sự nghiệp cao cả và luôn hy vọng ngày nào đó sẽ được công nhận là giáo viên chính thức".

Tương tự, vợ chồng anh Nguyễn Đức Thọ và chị Nguyễn Thị Tuyền cũng mong muốn được tiếp tục đứng lớp, giảng dạy để có thu nhập nuôi con nhỏ và bố mẹ già.

Văn Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI