Với giáo dục, xin đừng cẩu thả

27/03/2020 - 09:22

PNO - Việc lựa chọn sách giáo khoa lớp Một mỗi nơi một vẻ, nhưng có nơi chỉ đáp ứng các quy định về mặt... hình thức.

Có đồng nghiệp đề cập với tôi về vấn đề chọn sách, đồng thời thông báo rằng, Cánh diều là bộ sách mà hội đồng trường cô đã chọn và hiện tại chỉ còn đợi thêm ý kiến từ sở giáo dục - đào tạo.

Tôi hỏi thêm, bộ sách Cánh diều ấy có ưu điểm gì nổi bật so với những bộ sách khác để nhà trường quyết định chọn, thì cô lắc đầu: hỏi khó quá. “Nói chọn thì chọn, chớ có được mấy giáo viên biết được trong sách Cánh diều có gì đâu”, cô nói. Tôi nói chuyện với vài giáo viên khác, đã được phân công sẽ dạy lớp Một cho năm học sau về quy trình lựa chọn sách giáo khoa cho năm học mới ở trường họ. Đa phần đều nói, tranh thủ thời gian học sinh nghỉ học phòng dịch COVID-19, trường đã tổ chức cho giáo viên nghiên cứu để lựa chọn sách. Việc lựa chọn, mỗi nơi một vẻ, nhưng đều đáp ứng các quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo về mặt... hình thức. 

Có nơi, hội đồng lựa chọn sách giáo khoa lên đến 15, 17 người, gồm ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên đang dạy lớp Một và giáo viên được phân công dạy lớp Một cho năm học tới. Dĩ nhiên, có thêm đại diện phụ huynh học sinh theo đúng quy định. Không thể tách rời vai trò của nhà trường - gia đình trong nhiệm vụ giáo dục, đó là lý do cần có và cần lắng nghe ý kiến của phụ huynh trong quá trình lựa chọn một bộ sách cho con trẻ. Thế nên, tôi thấy quy định này là điều cần thiết bên ngoài yếu tố chuyên môn.

Tò mò về vai trò của phụ huynh trong việc lựa chọn ấy, tôi hỏi: “Rồi phụ huynh có góp ý gì không? Họ có đưa ra mong muốn gì về một bộ sách con họ sẽ học không?”, thì giáo viên thông tin rằng, trong buổi sáng gọi là “khai mạc” cho quy trình chọn lựa sách giáo khoa, phụ huynh có mặt để nghe phổ biến thông tư, nghe thông qua hội đồng lựa chọn sách, để có tên trong biên bản làm việc, rồi  được... mời về. Những buổi còn lại, giáo viên sẽ nghiên cứu năm bộ sách trong danh sách đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo phê duyệt. Cả quy trình diễn ra hết một ngày rưỡi. Như vậy, trừ một buổi mang tính chất thủ tục, năm bộ sách sẽ được giáo viên lướt qua, rồi đưa ra quyết định trong vỏn vẹn một ngày.

Ở một hội đồng khác, mỗi bước trong quy trình lựa chọn sách cũng diễn ra đúng quy định, nhưng chỉ trên... biên bản. Theo yêu cầu, bộ sách được lựa chọn phải là bộ được nhiều giáo viên chọn nhất thông qua việc bỏ phiếu kín. Thế nhưng, sau khi đã thông qua kết quả về một bộ sách đã lựa chọn, thư ký hội đồng mới chợt nhớ ra, họ quên mất bước bỏ phiếu kín. Vậy mà, điều ấy cũng chẳng có gì khó khăn. Thư ký tự mình hình dung ra những con số và điền vào biên bản một cách hoàn chỉnh.

Để chuẩn bị cho một sự đổi mới, công sức, tiền của được cụ thể bằng những con số khổng lồ. Vì mục tiêu phát triển, ai cũng hiểu rằng sự đánh đổi đó là xứng đáng. Thế nhưng, có xứng đáng không khi lực lượng quyết định sự thành bại của chương trình mới lại đón nhận và nhập cuộc với tâm thế như vậy. Chủ nghĩa hình thức và sự cẩu thả này có thể dẫn đến việc “mất cả chì lẫn chài” trong cuộc đổi mới giáo dục lần này. 

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI