Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia có tỉ lệ đột quỵ hàng năm tăng cao nhất

20/04/2025 - 13:18

PNO - Thống kê tại Việt Nam cho thấy có đến 72,5% bệnh nhân đột quỵ gặp tìnhh trạng tăng huyết áp, 64,9% rối loạn mỡ máu, 53,4% có tiền sử uống rượu.

Đó là thông tin được các chuyên gia về đột quỵ đưa ra trong hội thảo "Phòng chống đột quỵ: từ lý thuyết đến thực tế hành động" do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 20/4.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Đặng Nhất Tâm - Phó khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - đột quỵ là nguyên nhân thứ ba gây ra tử vong lẫn tàn phế trên toàn thế giới. 80% đột quỵ và nhồi máu cơ tim xảy ra ở những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch trung bình và thấp, 63% xảy ra ở những người trên 70 tuổi.

“Việt Nam thuộc nhóm nguy cơ đột quỵ cao, với tỉ lệ ước tính 218/100.000 dân, đang có xu hướng gia tăng mỗi năm. 89% gánh nặng đột quỵ toàn cầu (tử vong, tàn phế) chủ yếu ở các nước thu nhập trung bình và thấp. Đây là căn bệnh gây gánh nặng cho gia đình và cộng đồng, là nỗi lo về sự tàn phế khi 10 bệnh nhân đột quỵ chỉ có 3 người quay trở lại cuộc sống như trước đó”, bác sĩ Tâm nói.

Người bệnh cần được nâng cao nhận biết về dấu hiệu của đột quỵ - Ảnh minh họa Phạm An
Người bệnh cần được nâng cao nhận biết về dấu hiệu của đột quỵ - Ảnh minh họa

Hơn hết, 90% bệnh nhân đột quỵ đều biết trước nguyên nhân của mình nhưng chủ quan, và không tầm soát huyết áp cao, không kiểm soát ăn uống, kiểm soát rối loạn máu, duy trì cân nặng, hạn chế thuốc lá và rượu bia, kiểm soát nhịp tim, tầm soát tiểu đường, kiểm soát tâm lý...

Còn bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Phương Nga - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Thống Nhất - cho biết, số liệu từ Bộ Y tế cho thấy mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 250.000 ca đột quỵ mới, làm cho nước ta lọt vào tốp 5 quốc gia có tỉ lệ đột quỵ hằng năm tăng cao nhất.

Trước thực trạng đáng báo động này, mạng lưới đơn vị điều trị đột quỵ tại Việt Nam đã có bước phát triển mạnh. Từ 12 trung tâm vào năm 2016, đến năm 2024 đã có 124 trung tâm đột quỵ trên cả nước và trong tương lai sẽ còn tăng nữa.

“Một trong những trở ngại lớn hiện nay là thời gian người bệnh nhập viện quá muộn. Thống kê năm 2023, thời gian trung bình từ lúc khởi phát đột quỵ đến khi nhập viện là 605 phút. Trong đó, 60% bệnh nhân đến sau mốc “thời gian vàng” 4,5 giờ và 70% được chuyển đến viện bằng phương tiện cá nhân mà không báo trước”, bác sĩ Nga chia sẻ.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cần được chú trọng vào việc phục hồi chức năng. Bởi hiện nay, phần lớn bệnh nhân sau khi xuất viện là về nhà, trong khi cần phải được điều trị phục hồi chức năng ở 1 cơ sở chuyên về điều trị phục hồi chức năng. Nhưng chúng ta lại có rất ít cơ sở chuyên về phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ.

Bác sĩ chuyên khoa II Diệp Trọng Khải - Trưởng khoa Nội thần kinh, Trưởng đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á TPHCM - cho hay, cấp cứu đột quỵ được chia làm 2 giai đoạn, bao gồm cấp cứu ngoại viện và cấp cứu trong bệnh viện.

“Việc bệnh nhân được sơ cứu và đưa tới bệnh viện trong thời gian sớm nhất là yếu tố quyết định việc cứu sống và phục hồi sức khỏe hoàn toàn. Thời gian rút ngắn trong điều kiện mật độ giao thông đông đúc như hiện nay, phải lấy người dân làm trung tâm, tự cứu mình trước khi đưa đến bệnh viện.

Vì vậy, cơ quan truyền thông, bệnh viện cần thông tin nhiều hơn nữa về triệu chứng, cách sơ cấp cứu, vận chuyển người bệnh để mọi người hiểu rõ”, bác sĩ Khải nói.

Từ tháng 8/2023 đến nay, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á TPHCM đã thực hiện 15 buổi truyền thông về đột quỵ tại 15 điểm bao gồm trung tâm y tế xã, phường, các công ty; tuyên truyền kết hợp khám sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn huyện Củ Chi, TPHCM.

Bác sĩ Khái nói thêm: “Nhờ công tác truyền thông tận nơi, số lượng bệnh nhân đến cấp cứu trong giờ vàng ngày càng nhiều. Bệnh viện đặt mục tiêu trong thời gian tới, tỉ lệ bệnh nhân tới cấp cứu trong 4,5 giờ ngày càng cao”.

Các chuyên gia cho biết, cần nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân. Đồng thời, bệnh nhân cũng có thể nhận biết dấu hiệu đột quỵ, từ đó đến bệnh viện kịp thời. Bên cạnh đó, nhân viên y tế ở cơ sở phải biết mạng lưới điều trị đột quỵ để chuyển thẳng lên cơ sở điều trị.

Bác sĩ Nga kiến nghị: “Cần đưa những kiến thức về mạng lưới điều trị đột quỵ vào chương trình đào tạo sau đại học cho những bác sĩ tuyến cơ sở. Và có những cơ sở cấp cứu ngoại viện, thành lập đơn vị đột quỵ lưu động cho người bệnh”.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI