Vì sao WB dừng tài trợ 350 tỷ đồng cho dự án môi trường TP.HCM?

09/07/2018 - 14:39

PNO - Trên đường Võ Chí Công (Q.2, TP.HCM) hiện có rất nhiều ống cống được tập kết, nằm la liệt bên vệ đường, nhưng suốt mấy tháng liền không thấy thi công.

Công ty một nhà

Được biết, số vật liệu trên nằm trong gói thầu xây lắp số 4, thuộc dự án vệ sinh môi trường (VSMT) TP.HCM giai đoạn 2. Dự án do Ban Quản lý đầu tư dự án VSMT làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư hơn 524 triệu USD (hơn 11.000 tỷ đồng).

Trong đó, vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới (WB) là 450 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của TP.HCM. Dự án nhằm thu gom, xử lý toàn bộ lượng nước thải cho lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Q.2.

Vi sao WB dung tai tro 350 ty dong cho du an moi truong TP.HCM?
Gói thầu số 4 của dự án vệ sinh môi trường dừng thi công sau khi Ngân hàng Thế giới không chấp nhận kết quả chọn thầu - Ảnh: H.N.

Đến nay, dự án đã hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu 7/8 gói thầu. Trong đó, 6 gói thầu xây lắp thuộc hợp phần 3 của dự án “xây dựng hệ thống thoát nước chung cấp 2-3 và hệ thống cống đấu nối hộ gia đình trên địa bàn Q.2”. Gói thầu số 4 nói trên có tổng kinh phí hơn 108 tỷ đồng, được trao thầu vào tháng 7/2017. Tuy nhiên, sau khi thi công được một thời gian ngắn, gói thầu này bị dừng do WB không tiếp tục tài trợ vốn.

Nguyên nhân WB quyết định dừng tài trợ vốn là do qua hậu kiểm, phát hiện công tác đấu thầu hai gói thầu (số 4 và số 6, tổng kinh phí hơn 350 tỷ đồng) của dự án có dấu hiệu không hợp lệ. Theo WB, đơn vị trúng thầu là công ty có nguồn vốn nhà nước chi phối nên có nguy cơ phát sinh tiêu cực.

Cụ thể, đơn vị trúng thầu gói thầu số 4 là Công ty cổ phần Công trình giao thông công chánh (CPW), còn đơn vị trúng thầu gói thầu số 6 là liên danh giữa CPW với một công ty dầu khí. WB cho rằng, CPW có đến 25% vốn nhà nước, do Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) nắm giữ. Sawaco là đơn vị hoàn toàn thuộc sở hữu của UBND TP.HCM.

“Căn cứ vào các quy định của WB, UBND TP.HCM chính là “bên vay” của dự án, do đó đơn vị trúng thầu cũng có khả năng bị chi phối. Bên vay cũng có quyền hạn và khả năng để thực hiện ảnh hưởng, chi phối và kiểm soát CPW (công ty trúng thầu) thông qua Sawaco” - WB lập luận.

Sau khi quyết định tạm dừng tài trợ vốn cho hai gói thầu, WB ra điều kiện Ban quản lý đầu tư dự án VSMT phải chấm dứt hợp đồng với CPW, chọn nhà thầu khác để được tài trợ tiếp. Trong trường hợp phía TP.HCM vẫn để CPW thực hiện hai gói thầu, WB sẽ không tài trợ.

Giá cao lại trúng, giá thấp rớt thầu

Ngoài chuyện hai gói thầu bị WB ngưng tài trợ, nhiều công ty tham gia đấu thầu dự án VSMT cũng bày tỏ sự thất vọng, bất bình. “Thật khó hiểu khi những đơn vị có năng lực, bỏ giá thầu thấp thì không trúng, còn đơn vị bỏ giá cao hơn lại trúng thầu” - lãnh đạo một công ty dự thầu phản ánh.

Dù tỏ ra bức xúc, các đơn vị rớt thầu vẫn im lặng, vì ngại đụng chạm với cơ quan nhà nước. Một trong những đơn vị bức xúc, khiếu nại về kết quả đấu thầu mà chúng tôi xác minh được là liên danh HV-VIC (Công ty TNHH Xây dựng công trình Hùng Vương và Công ty TNHH liên doanh xây dựng VIC).

Trong đơn khiếu nại gửi UBND TP.HCM và một số đơn vị liên quan cuối năm 2017, HV-VIC cho biết, đơn vị này bỏ thầu một gói thầu với giá 160 tỷ đồng và vô cùng bất ngờ khi biết đơn vị trúng thầu gói này đưa giá hơn 219 tỷ đồng, cao hơn giá của HV-VIC đến 59 tỷ đồng.

Theo Ban quản lý đầu tư dự án VSMT, nguyên nhân HV-VIC không trúng thầu là do không đáp ứng được hai hạng mục (về báo cáo tài chính) trong hồ sơ mời thầu. Tuy nhiên, liên danh HV-VIC cho rằng, những hạng mục này đã được thể hiện trong hồ sơ dự thầu, nhưng không được xem xét. Mặt khác, liên danh này cũng cung cấp nhiều tài liệu chứng minh năng lực, như đã từng tham gia nhiều gói thầu do WB tài trợ. Dẫu vậy, kết quả chọn thầu vẫn không thay đổi.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo  một công ty dự thầu dự án VSMT cho rằng, Luật đấu thầu hiện nay chưa chặt chẽ nên rất dễ phát sinh tiêu cực, thiếu minh bạch, công bằng. Khi phát sinh mâu thuẫn, khiếu nại, cần giao cho một đơn vị trung lập thẩm tra mới mong sự việc được sáng tỏ. Nếu chỉ để bên dự thầu và bên mời thầu làm việc với nhau thì “huề cả làng”.

Riêng về hai gói thầu liên quan đến CPW, vị này bày tỏ: “Rất may là quan điểm của WB trong vụ này khá rõ ràng, nhằm ngăn chặn tiêu cực có thể phát sinh. Nếu WB không phát hiện và can thiệp, dù các công ty rớt thầu trong nước có khiếu nại thì cũng chẳng được giải quyết”. n

Chờ chỉ đạo của UBND TP.HCM

Sau nhiều lần trao đổi với Ban quản lý dự án VSMT, WB vẫn giữ quan điểm không chọn nhà thầu là công ty có nguồn vốn nhà nước chi phối. Trong diễn biến mới nhất, Ban quản lý dự án VSMT kiến nghị UBND TP.HCM tiếp tục duy trì hợp đồng với CPW để thực hiện công trình. Nguồn vốn thực hiện gói thầu sẽ lấy từ vốn đối ứng của TP.HCM.

Đối với gói thầu số 6, Ban quản lý dự án VSMT đề xuất phương án điều chỉnh hợp đồng, chuyển khối lượng công việc của CPW sang cho nhà thầu liên danh, nếu đơn vị này đủ điều kiện thực hiện.

Hoàng Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI