Vì sao TPHCM thiếu trứng gia cầm?

16/07/2021 - 19:17

PNO - TPHCM đang thiếu nhiều nhất là rau củ quả và trứng gia cầm. Người dân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang tích trữ rất nhiều trứng gia cầm.

Tại cuộc họp báo chiều 16/7 về tình hình TPHCM trong những ngày áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM - cho biết tình hình dịch COVID-19 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long rất phức tạp, một số tỉnh cũng đã áp dụng Chỉ thị 16.

Ông Nguyễn Nguyên Phương cho hay người miền Tây trước giờ không dự trữ trứng gia cầm. Lượng trứng tiêu thụ ở miền Tây rất thấp. Nhưng khi áp dụng Chỉ thị 16, người dân không hiểu vì sao lại dự trữ rất nhiều nên nguồn trứng dự trữ cũng hết.

Kệ trứng tại một cửa hàng bách hóa quận Tân Bình, TPHCM những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội - Ảnh: Thanh Hoa
Kệ trứng tại một cửa hàng bách hóa quận Tân Bình, TPHCM những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội - Ảnh: Thanh Hoa

TPHCM rất khó để thu mua dù trước đó đã có ký kết hợp đồng đảm bảo bao tiêu. Các nhà cung cấp không đảm bảo theo hợp đồng vì giá thị trường rất cao, ngay cả tại vùng nguyên liệu. Nếu thực hiện theo hợp đồng với TPHCM thì giá bán thấp hơn giá thị trường nhiều. Vì vậy, tại TPHCM có 2 giá về trứng. Giá tại các siêu thị được bình ổn nên có tình trạng vào siêu thị thu gom trứng để đem bán. Các siêu thị áp dụng chỉ bán 1 người tối đa 2 vỉ trứng.

Mặt hàng thiếu nhiều nhất tại TPHCM hiện nay là rau củ quả, trứng gia cầm.

Ngoài lý do các tỉnh miền Tây áp dụng Chỉ thị 16, việc đóng cửa các chợ truyền thống tại TPHCM tiếp tục tăng cũng khiến việc phân phối hàng hóa khó khăn. Cách đây 5 ngày có 68 chợ nhưng đến 16/7, chỉ còn 46 chợ truyền thống hoạt động. Với năng lực cung ứng của chợ truyền thống có thể lên 60-70% thị phần tùy mặt hàng, áp lực mua sắm tập trung vào các siêu thị. Vì vậy, tình trạng xếp hàng để mua ở siêu thị ngày càng nhiều hơn. Năng lực cung ứng hiện tại là đã đẩy lên tối đa.

Sở Công thương TPHCM kêu gọi tất cả các doanh nghiệp có năng lực về kinh doanh hàng hóa mở các điểm bán cung ứng lương thực thực phẩm cho người dân. Một số doanh nghiệp cho mượn xe không tính phí, một số bưu cục cho mượn vị trí để bán…

Sở đã kiến nghị Trung ương có chỉ đạo chung, tránh mỗi tỉnh thành áp dụng một kiểu. Cụ thể như: trong sản xuất ưu tiên thu hoạch, sơ chế, chế biến. Một số nơi không cho phép người dân thu hoạch vì sợ tập trung đông người. Đề xuất ưu tiên tiêm vắc xin cho người trực tiếp sản xuất, lưu thông hàng hóa. TPHCM đã có thực hiện tiêm cho các đối tượng này, để người dân trong dài hạn yên tâm sản xuất, vận chuyển hàng hóa.

Sở cũng đã liên hệ Sở Công thương các tỉnh thành bạn, kể cả các tỉnh thành phía Bắc để rà soát, giới thiệu các đơn vị có năng lực cung ứng tốt, ưu tiên nguồn hàng từ miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, phía Bắc để cung ứng cho TPHCM. TPHCM cũng kiến nghị  sớm có chính sách hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp chủ lực sản xuất, dự trữ, phân phối hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEanlanhsongmanhvi /strCate=anlanhsongmanh
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthitruongvi /strCate=thitruong