Vì sao Bến xe Miền Đông mới mãi vẫn không thể hoạt động?

16/08/2020 - 14:55

PNO - Sau nhiều lần hứa hẹn, bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới dự kiến đưa vào hoạt động ngày 15/8, nhưng lại tiếp tục lỡ hẹn. Chuyện gì đang xảy ra ở đây?

BXMĐ mới khởi công xây dựng từ tháng 4/2017, do Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) làm chủ đầu tư trên diện tích hơn 16ha, từng được kỳ vọng sẽ đưa vào sử dụng dịp Tết Nguyên đán 2018 nhưng dời đến quý 1/2019 rồi 15/8/2019, nhưng mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ. Samco tiếp tục kéo dài lời hứa của mình thêm 1 năm. 15/8/2020 vừa trôi qua, bao trông chờ, kỳ vọng của người dân lại một lần nữa không thành hiện thực. 

Bến xe Miền Đông mới còn nhiều những tồn tại chưa đủ điều kiện đưa vào hoạt động.
Bến xe Miền Đông mới còn nhiều những tồn tại chưa đủ điều kiện đưa vào hoạt động

Cách nay 4 ngày (12/8), Samco gửi kiến nghị đến UBND TPHCM xin lùi thời gian hoạt động BXMĐ mới với lý do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Dù trước đó, ngày 16/7, công ty khẳng định đã hoàn tất các công tác chuẩn bị cần thiết để đưa BXMĐ mới vào hoạt động ngày 15/8/2020. Sự thật có phải vậy?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực tế đang có quá nhiều tồn tại, bất cập đang xảy ra tại dự án này.

Cụ thể, đến nay, công tác đăng ký địa điểm kinh doanh của Samco đã hoàn thành, nhưng việc thực hiện ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM kéo dài nhiều năm qua vẫn chưa hoàn tất. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Samco vẫn chưa đầy đủ pháp lý để chủ động trong công tác tổ chức khai thác bến xe, cung cấp các dịch vụ tiện ích và cơ sở vật chất bên trong khuôn viên nhà ga.

Khuôn viên xung quanh nhà ga vẫn còn rất đơn sơ. Ảnh: Gia Minh
Khuôn viên xung quanh nhà ga vẫn còn rất đơn sơ - Ảnh: Gia Minh

Trong khi đó, đối với hạng mục nhà ga, công trình tầng 2, 3, 4 chỉ mới hoàn thành việc xây dựng tầng thô và ốp gạch, nội thất bên trong của các tầng này vẫn chưa được hoàn thiện.

Cạnh đó là công trình nhà điều hành xe buýt vẫn chưa được xây dựng, nên chưa thể tổ chức kết nối với công trình nhà ga. Nếu đưa bến xe vào hoạt động lúc này thì việc tổ chức cho hoạt động xe buýt nội tỉnh kết nối với xe buýt liên tỉnh phải sử dụng tạm khu đón trả khách tại tầng hầm B1 của nhà ga.

Công trình nhà điều hành xe buýt vẫn chưa được xây dựng
Công trình nhà điều hành xe buýt vẫn chưa được xây dựng

Thậm chí có rất nhiều việc lặt vặt ở bến xe này nhưng kéo dài rất lâu vẫn chưa thể thống nhất, giải quyết xong. Trong khuôn viên bến xe có 1 tuyến đường nội bộ cần phân luồng cho ô tô ra vào đảm bảo an toàn. Thế nhưng, cách phân luồng này không được người dân trong khu vực đồng thuận. Nhiều cuộc họp đã diễn ra giữa chính quyền tỉnh Bình Dương với TPHCM và Samco nhưng không ai chịu ai. Kết quả, vướng mắc này "treo" hơn 2 năm và là một trong những lý do khiến bến xe bất động đến nay. 

gá
Việc phân luồng 1 tuyến nội bộ trong khuôn viên bến xe cho ô tô ra vào vẫn chưa được sự đồng thuận của người dân trong khu vực

Chưa hết, 1 vướng mắc khác còn "bé" hơn nhưng đến nay vẫn chưa thông. Trong năm 2019, Sở Giao thông Vận tải (GT-VT) TPHCM phân công cho Công an quận 9 chủ trì phối hợp cùng các đơn vị liên quan  xây dựng Quy chế phối hợp giữa các bên đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trong và ngoài bến xe để đưa vào khai thác. Cứ tưởng chuyện nhỏ này sẽ được xử lý đơn giản, nhanh chóng, thế nhưng nó lại trở thành vấn đề nan giải do các cơ quan có trách nhiệm của TPHCM và Bình Dương. Lý do, đến nay các cơ quan được giao nhiệm vụ vẫn chưa... cắm mốc xong để xác định ranh giới quản lý địa bàn của 2 bên. 

Các cơ quan được giao nhiệm vụ vẫn chưa... cắm mốc xong để xác định ranh giới quản lý địa bàn của 2 bên.
Các cơ quan được giao nhiệm vụ vẫn chưa... cắm mốc xong để xác định ranh giới quản lý địa bàn của 2 bên

Một cán bộ Sở GT-VT TPHCM nói: "Bến xe là công trình giao thông công cộng có tính chất tập trung đông người, cần đảm bảo chất lượng công trình và an toàn cho hành khách sử dụng khi đưa bến xe đi vào hoạt động. Việc bến xe chưa thật sự hoàn thiện, chưa đảm bảo an toàn thì không thể cho phép đi vào hoạt động".

Theo ông Võ Khánh Hưng - Phó giám đốc Sở GT-VT TPHCM, vừa qua, Sở đã có văn bản số 9274/SGTVT đề nghị Samco rà soát, khẳng định khi đưa BXMĐ mới vào hoạt động và sau này khi tiếp tục triển khai hoàn thiện các hạng mục nêu trên vẫn phải đảm bảo an toàn, ổn định trong quá trình tổ chức khai thác. Tuy nhiên, Sở GT-VT vẫn chưa nhận được phản hồi của Samco về vấn đề nêu trên. Hiện Sở đã báo cáo vụ việc đến UBND TPHCM.

ff
Nhiều hạng mục vẫn chưa được hoàn thiện

BXMĐ hiện hữu đã quá tải nhiều năm qua. BXMĐ mới có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng hơn 750 tỉ đồng. Thế nhưng, bến xe xây xong lại "ngủ đông" gần 2 năm qua, gây lãng phí tiền của nhà nước, trách nhiệm này ai phải chịu? 

Tam Nguyên

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
  • Nguyễn Hữu 19-08-2020 14:45:14

    Đọc hết bài mà không thấy bài bài báo nói địa chỉ của bến xe mới này ở đâu

  • Phan thanh danh 18-08-2020 11:20:53

    Nếu samco không đủ năng lực thì cho nhà thầu khác đấu thầu thôi , rất đơn giản

  • a giành 16-08-2020 17:41:58

    xin thưa trách nhiệm thì kg biết ai phải chịu . nhưng còn hậu quả thì người dân chịu vì tiền xây dựng bến xe là tiền thuế của dân . 750 .000.000.000 vnđnằm im lặng từ mấy năm nay quả lả lảng phí .

  • BXMD cũ 16-08-2020 15:48:01

    chủ yếu xây bxmđ mới để giảm bớt "ô nhiễm kẹt xe" ở bình thạnh bxmđ cũ thôi nên phải làm gấp ,không chờ được nữa chớ bây giờ bxmđ cũ vẫn "đủ sức" để điều hòa lượng xe đông đúc,vẫn di chuyển được , xây bxmđ mới là để giảm bớt áp lực ô nhiễm cho "con người" để con người không phải "ngày nào" cũng hít bụi ,hít xe cộ do cây cối quá ít so với số xe ở chỗ bxmđ cũ, phải dần dần thêm vài chuyến xe buýt về bxmđ mới chớ, giãn dần dần chớ đâu bắt chuyển phát một , người dân thấy bxmđ mới sạch sẽ không thua bxmđ cũ thì dần dần cũng di chuyển về đó thôi, lúc đó........................

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI