Vì mất cũng là được

23/06/2022 - 06:01

PNO - Có lần, một nhà báo chia sẻ, chị chọn ly hôn để giữa áp lực công việc, không còn phải chịu đựng sự giằng xé khi chồng liên hồi trách móc...

“Từ người đàn ông thành công, tôi rơi xuống vực sâu khi doanh nghiệp phá sản, nợ nần chồng chất. Nhiều lúc nghĩ quẩn, tôi muốn quyên sinh để bao khoản nợ được xóa, căn nhà được giữ lại cho vợ con. Có như vậy, vợ con tôi mới tránh được tai họa” - ông K., một bạn đọc, gửi đến Báo Phụ Nữ TPHCM tâm sự trên qua lá thư rất dài. 

Ảnh Shutterstock
Ảnh Shutterstock

Đặt thư của ông K. lên bàn, chúng tôi ngồi lại, đào sâu hơn câu chuyện để thấy rằng giờ đây, nơi người đàn ông ấy chỉ vững vàng một nhận thức: Cái chết là sự giải thoát. Niềm tin lớn trong ông là giá trị của mình đồng nghĩa với hy sinh, nhằm đảm bảo cho vợ con cuộc sống không sa sút. Hơn cả các giải pháp, điều ông K. cần lúc này là điều chỉnh suy nghĩ, tức tâm tư. Ông cần được giúp nhận diện đúng giá trị của bản thân trong bi kịch gia đình, nơi vợ con ông cần một người chồng, người cha đang sống hơn những gì ông để lại, nếu chọn giải pháp quyên sinh.

Như nhiều bạn đọc khác, do tính chất câu chuyện, những trợ giúp của chúng tôi với ông K. không được “phơi bày” trên mặt báo. Song điều chúng tôi muốn trải lòng là ngoài hành trình tìm kiếm thông tin, điều tra, đuổi theo các vụ việc nóng để thể hiện trên trang báo; người làm báo còn đối diện bao câu chuyện cần giải quyết phía sau.

Thử luận về nghề nghiệp, có lẽ nghề nào cũng vậy - có áp lực, khó khăn riêng. Khác chăng, không như những nghề khác gói trong lĩnh vực, nghề báo bao quát tất cả các lĩnh vực, phương diện của xã hội. Sự hối hả và hối thúc của thông tin, đời sống càng cuốn người làm báo dấn sâu với công việc. Những riêng tư về thời gian nếu có, thì bạn bè phần lớn là… đồng nghiệp; các cuộc gặp gỡ hầu hết do công việc và nhu cầu giải trí như sách báo, phim ảnh thường cũng lựa chọn theo hướng hữu ích cho nghề nghiệp. 

Vất vả của nghề có lẽ không cần phải nhắc lại, khi bạn đọc dễ dàng nhận ra phía sau những bài viết đi sâu vào ngóc ngách của “tâm dịch COVID-19” chừng một năm trước đây là sự bất chấp nguy hiểm lẫn bỏ bê gia đình của người viết hay để có tuyến bài điều tra đồng nghĩa người làm báo phải giả vai, thâm nhập hoặc nửa đêm có lao ra đường sau một cuộc gọi của bạn đọc cũng là chuyện thường tình…

Công việc thống trị hết đời sống và bản sắc cá nhân. Chúng tôi đùa với nhau, người có khả năng thu xếp giữa công việc và gia đình, học hỏi và thư giãn là… bậc thầy về nghệ thuật sống. 23 giờ, phóng viên báo “có biến”, kéo theo cả quy trình chờ đợi để sáng ra, thông tin nóng hổi kịp có cho bạn đọc là chuyện thường xuyên. Đến nỗi ai đó có “đổ thừa” công việc khiến đánh rơi hạnh phúc, cũng không gây bất ngờ. Có lần, một nhà báo chia sẻ, chị chọn ly hôn để giữa áp lực công việc, không còn phải chịu đựng sự giằng xé khi chồng liên hồi trách móc “đi điều tra cả tháng để con bị tai nạn” hoặc bị xóc xỉa “vợ tôi mà chăm chút cho chồng con được bữa cơm đàng hoàng chắc… trời sập”…

Khi xã hội hướng đến thu xếp để không bỏ lỡ mọi cơ hội, người làm báo chậc lưỡi “theo nghề thì phải vậy”. Chúng tôi vuột mất nhiều khoảnh khắc chứng kiến và đồng hành với con trong tháng ngày khủng hoảng tuổi lên ba, lên năm; đành gửi con cho bác xe ôm đưa đón hoặc mong con tha thứ khi vì bận bịu mà không thể có mặt vào sinh nhật của con.

Chúng tôi luôn nỗ lực bù đắp cho người thân và ít nhiều cho bản thân bằng các phương cách khác nhau nhưng sự đắp bù nào cũng chỉ là những mảnh ghép điền vào thiếu sót. Cần rất nhiều sự cảm thông, thấu hiểu của người thân, nhất là bạn đời. Có vậy, những người làm nghề mới vững vàng bám trụ với công việc - vốn là đam mê, tình yêu, lẽ sống.

Bởi vậy, xin không lấy thước đo sự thành công nghề nghiệp (nếu có) để nói về một cuộc sống thành công với những ai làm báo. Chỉ mong được hiểu rằng, sự lựa chọn dấn thân vì nghề báo là một công việc viên mãn, tròn đầy. Ở đó, chúng tôi ý thức sâu sắc về mục đích, giá trị, ý nghĩa; đặc biệt là sự đóng góp cho tiến bộ xã hội và trợ giúp được nhiều người. 
Nên, ở phương diện nào đó, với người làm báo, mất cũng là được.

Báo Phụ Nữ TPHCM

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu