Giải thưởng Sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 4:

TPHCM - Những dấu mốc trên hành trình kiến tạo những kỳ tích

13/05/2025 - 09:28

PNO - Những nghị quyết 01, 20, 16 rồi đến 31 của Bộ Chính trị đã chính thức mở ra con đường cho một nền kinh tế năng động, sáng tạo, mang bản sắc riêng của TPHCM.

Từ trọng trách đầu tàu

Ngay sau ngày giải phóng, trong khí thế hào hùng của đất nước thống nhất, TPHCM bước vào một hành trình mới - hành trình của tái thiết, của hồi sinh, của những khát vọng lớn lao.

Mang trên mình trọng trách đầu tàu kinh tế phía Nam và của cả nước, thành phố đã không cho phép mình dừng lại ở niềm tự hào chiến thắng, mà phải nhanh chóng gánh vác sứ mệnh xây dựng, phát triển, để trở thành ngọn lửa tiên phong thắp sáng một thời kỳ mới.

Đột phá trong tư duy kinh tế

Nhận thức sâu sắc yêu cầu phải đổi mới tư duy kinh tế để thích ứng với tình hình mới, ngay từ những năm đầu thập niên 80, TPHCM đã mạnh dạn đề xuất và thực thi những cơ chế đặc biệt, dưới sự đồng thuận của Trung ương.

Những nghị quyết 01, 20, 16 rồi đến 31 của Bộ Chính trị đã chính thức mở ra con đường cho một nền kinh tế năng động, sáng tạo, mang bản sắc riêng của TPHCM.

Từ mô hình hợp tác xã kiểu mới như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Saigon Co.op - được thành lập năm 1989, đến sự ra đời của Khu chế xuất Tân Thuận năm 1991 - khu chế xuất đầu tiên của cả nước, đã tạo nên tiền lệ về thu hút đầu tư nước ngoài, mở cánh cửa hội nhập ra thế giới.

Không dừng lại ở đó, năm 2000, TPHCM khai trương Trung tâm Giao dịch Chứng khoán - đặt những viên gạch đầu tiên cho thị trường tài chính hiện đại, mở ra những động lực mới cho sự phát triển kinh tế quốc gia.

Vươn mình thay đổi diện mạo đô thị

Song hành với sự đột phá về tư duy kinh tế, thành phố cũng từng bước thay da đổi thịt trong từng đường phố, góc phố.

Đại lộ Nguyễn Văn Linh - khánh thành năm 2007 - như một dải lụa nối liền trung tâm thành phố với khu vực phía Nam, mở ra không gian phát triển mới cho khu đô thị Phú Mỹ Hưng hiện đại.

Những công trình tầm vóc như hầm Thủ Thiêm và đại lộ Đông Tây (nay là Võ Văn Kiệt) - được khánh thành năm 2011 - đã khẳng định tầm nhìn chiến lược về quy hoạch đô thị, giải quyết bài toán giao thông, kết nối các vùng trọng điểm.

Và đến năm 2024, tuyến Metro số 1 - Bến Thành - Suối Tiên chính thức đi vào vận hành, đánh dấu một bước chuyển mình mạnh mẽ trong xây dựng hạ tầng giao thông công cộng hiện đại, đưa TPHCM sánh vai cùng các đô thị lớn trong khu vực.

Giáo dục, y tế, khoa học công nghệ - những đột phá vì tương lai

Một thành phố không chỉ lớn mạnh bằng những tòa nhà cao tầng, mà còn bằng tri thức, sức khỏe và tinh thần sáng tạo của mỗi công dân.

Vì thế, ngay từ rất sớm, TPHCM đã dành nguồn lực lớn đầu tư cho giáo dục, y tế và khoa học công nghệ.

Đại học Quốc gia TPHCM - thành lập năm 1995 - đã trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu, chắp cánh cho hàng vạn giấc mơ tri thức Việt.

Năm 1998, thành phố ghi dấu ấn với ca thụ tinh ống nghiệm đầu tiên tại Bệnh viện Từ Dũ, mở ra hy vọng cho hàng triệu gia đình hiếm muộn trên cả nước.

Đồng thời, Khu Công nghệ cao TPHCM - khánh thành năm 2002 - trở thành đầu tàu trong chiến lược phát triển kinh tế tri thức, nền kinh tế số của Việt Nam trong thế kỷ XXI.

TPHCM - ngọn lửa tiên phong

50 năm - một hành trình hồi sinh và vươn lên mạnh mẽ. Từ những ngày đầu khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước tái thiết và kiến thiết, TPHCM hôm nay đã trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa - giáo dục lớn nhất cả nước, đồng thời là biểu tượng sống động cho ý chí đổi mới, sáng tạo và khát vọng vươn xa của dân tộc Việt Nam trên con đường hội nhập toàn cầu.

Link: PHÓNG SỰ 2- THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – NHỮNG DẤU MỐC TRÊN HÀNH TRÌNH KIẾN TẠO NHỮNG KỲ TÍCH.mp4

Châu Khoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI