Giữ giá khi yêu

12/05/2025 - 17:30

PNO - Người thật sự yêu con là người biết thương quý, tôn trọng ba mẹ, anh em, họ hàng của con một cách chân thành. Người có cội rễ, biết bám vào cội rễ sẽ đủ vững vàng, trầm tĩnh để tìm thấy hạnh phúc.

Hồi tôi 14-15 tuổi, mẹ bắt đầu thường xuyên tỉ tê, dạy bảo chuyện giới tính, chuyện tình cảm trai gái. Những giờ “giáo dục giới tính” của mẹ quanh đi quẩn lại chỉ mấy chuyện như không nên yêu sớm, phải lo học hành; con gái phải biết giữ mình, biết chọn bạn mà quen…

Trong số đó, đề tài mẹ tâm đắc nhất, nói đi nói lại nhiều nhất là bí quyết “giữ giá khi yêu”.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Hồi mới nghe cụm từ “giữ giá”, tôi đã bụm miệng cười, hỏi mẹ: “Gì mà giữ giá với làm giá? Yêu chứ có phải bán buôn, tiếp thị gì đâu!”. Mẹ nghiêm mặt trả lời: “Giữ giá là giữ thể diện, giữ sự tôn nghiêm cho bản thân, gia đình, họ hàng. Không phải cứ nói yêu rồi muốn làm gì thì làm, sau này hối hận không kịp”.

Để tôi dễ hiểu hơn, mẹ bắt đầu đưa ra ví dụ. Các ví dụ thực tế lấy từ chính cuộc đời mẹ. Mẹ kể hồi 20 tuổi, mẹ từng yêu tha thiết một người tên Nghĩa. Ông Nghĩa là cán bộ phòng lương thực, trẻ trung, giỏi giang, gia đình khá giả. Thời bao cấp, hàng hóa khan hiếm, lương thực thực phẩm không phong phú như bây giờ, có người quen làm ở phòng lương thực là niềm mơ ước của bao người.

Thế nhưng, ông bà ngoại lại không ưng ông Nghĩa chỉ vì ông ấy có tật mê rượu. Bà ngoại nói lấy người chồng nghiện rượu sẽ khổ cả đời. Gia đình ông Nghĩa lại rất ưng mẹ. Ông Nghĩa cũng động viên mẹ: “Ba mẹ em không chịu cũng chẳng sao, mình nhờ cơ quan đứng ra làm đám cưới, cưới xong dọn về bên anh ở”. Dù thương ông Nghĩa nhưng mẹ lắc đầu.

Nhớ lại chuyện gần 50 năm trước, mẹ vẫn tin mình đã làm đúng: “Ông bà ngoại nuôi dạy mẹ nên người, lấy chồng là phải được ông bà ưng ý, chấp nhận. Mình là con nhà lành, ba mẹ còn đầy đủ mà cưới hỏi không đả động đến ba mẹ là bất hiếu. Rồi người nhà chồng, người bên ngoài cũng sẽ không tôn trọng mình bởi chính mình đã tự coi nhẹ gia đình, dòng họ mình” - mẹ phân tích.

Rồi mẹ kể chuyện cô Thủy bạn mẹ. Cô học giỏi, xinh đẹp nhất nhóm nhưng vừa tốt nghiệp phổ thông thì đã có bầu rồi bỏ nhà theo người yêu. Cuộc sống của cô Thủy về sau rất khổ. Chồng cô nghiện ngập, cờ bạc rồi chết sớm; một mình cô chèo chống nuôi con nơi xứ lạ quê người. Những lần họp lớp, cô không bao giờ có mặt. Gần đây, mẹ nghe tin cô đã mất trong âm thầm, lặng lẽ. Bạn bè không ai hay tin để kịp đến thắp cho cô nén nhang. Kể chuyện ngày xưa xong, mẹ chốt: “Mẹ không cấm con yêu nhưng con phải yêu bằng cả con tim và lý trí. Cha mẹ làm gì cũng muốn tốt cho các con, quyết định chuyện gì cũng có lý do”.

Mẹ còn cùng tôi thiết lập nguyên tắc: dù có bất đồng quan điểm trong chuyện gì, ba mẹ và con vẫn ngồi lại nói chuyện để thấu hiểu nhau hơn, cho tới khi nào đồng thuận. Không được bốc đồng bỏ đi hay làm theo ý muốn mà chưa suy nghĩ cặn kẽ mọi đường. Còn ba tôi thì thực tế và dí dỏm nói: “Ba mẹ lúc nào cũng theo đội của con. Con là đội của ba mẹ. Cả nhà mình là một đội. Đã là một đội thì không tự ý rời bỏ đồng đội, không đá phản lưới nhà. Phải đoàn kết một lòng, cùng bên nhau, cùng chiến thắng”.

“Người thật sự yêu con là người biết thương quý, tôn trọng ba mẹ, anh em, họ hàng của con một cách chân thành. Người có cội rễ, biết bám vào cội rễ sẽ đủ vững vàng, trầm tĩnh để tìm thấy hạnh phúc” - bài học đó của mẹ, tôi hết sức tâm đắc và sẽ mang theo suốt đời.

Thu Cúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI