Dự kiến bỏ hội đồng trường ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập

12/05/2025 - 21:41

PNO - Bộ GD-ĐT vừa đưa hồ sơ dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục lên cổng thông tin điện tử của bộ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến.

Bộ GD-ĐT, hội đồng trường ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập hoạt động không hiệu quả nên không cần thiết duy trì.Dự thảo luật sửa theo hướng bỏ hội đồng trường ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập - Ảnh: Nguyễn Loan
Bộ GD-ĐT cho rằng không cần thiết duy trì hội đồng trường ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập - Ảnh: Nguyễn Loan

Dự thảo luật sửa theo hướng bỏ hội đồng trường ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Bộ GD-ĐT cho biết, trong báo cáo tổng kết việc thi hành Luật Giáo dục năm 2019, nhiều địa phương đã phản ánh thực trạng hội đồng trường ở các trường mầm non và phổ thông công lập hoạt động hình thức, thiếu thực quyền, trùng vai và không tạo ra giá trị quản trị thực chất.

Hệ thống trường mầm non, phổ thông công lập hiện nay chưa được giao quyền tự chủ về tài chính, nhân sự hay tổ chức bộ máy, nên vai trò của hội đồng trường không được thiết kế gắn với chức năng thực tiễn. Hơn nữa, ở phần lớn trường, hiệu trưởng đồng thời là chủ tịch hội đồng trường và là bí thư chi bộ/đảng bộ, dẫn đến trùng lặp vai trò và làm mờ nhạt chức năng giám sát, phản biện của hội đồng trường.

Như vậy, việc duy trì hội đồng trường không mang lại hiệu quả mà còn tăng gánh nặng hành chính. Do đó, trên tinh thần tinh giản tổ chức và tăng tính tự chịu trách nhiệm của hiệu trưởng (đối với trường công lập), việc bỏ quy định hội đồng trường ở trường mầm non, phổ thông là bước đi cần thiết nhằm làm gọn bộ máy, tăng hiệu lực thực thi.

Về vấn đề về sách giáo khoa và tài liệu, dự thảo luật xác định rõ tài liệu giáo dục địa phương không phải là sách giáo khoa; dự thảo luật sửa đổi quy định về thẩm quyền biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương theo hướng: giao Giám đốc Sở GD-ĐT tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định và UBND cấp tỉnh phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương.

Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ nhiều quy định có liên quan đến thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa trên 50% các thủ tục hành chính.

Về thẩm quyền thành lập, sáp nhập, chia tách nhà trường, dự án luật sửa đổi theo hướng: giao UBND cấp xã quản lý cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; UBND cấp tỉnh hoặc Giám đốc Sở GD-ĐT quản lý cơ sở giáo dục các cấp học còn lại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI