Vị bánh ống quê nhà

05/11/2022 - 06:08

PNO - “Ai… xay bánh ống không?”. Đã lâu lắm rồi tôi không còn được nghe lại tiếng rao thân thương, đượm tình kia nữa.

Giờ đây, bao loại bánh trái hiện đại ra đời làm cho món bánh ống dần rơi vào lãng quên
Giờ đây, bao loại bánh trái hiện đại ra đời làm cho món bánh ống dần rơi vào lãng quên

Nhớ ngày trước, cứ dăm ba bữa lại có một chiếc ghe chạy dọc lòng kênh Vàm Xáng vang vọng tiếng rao xay bánh ống. Tiếng rao như giục mọi người chuẩn bị nguyên vật liệu để xay thành miếng bánh thơm ngon, đậm vị quê nhà.

Tôi sinh ra và lớn lên ở miệt đồng bưng, quanh năm gắn chặt mình với cây lúa, củ khoai. Ở quê tôi ngày trước, người buôn bán tạp hóa không nhiều, chợ thì xa nên bánh kẹo đối với chúng tôi thật hiếm hoi. Mỗi lần đứa trẻ nào được quà bánh của mẹ, của bà mua từ chợ về thì mừng hơn… lượm được vàng. Bởi vậy, mỗi lần mẹ đi chợ, bọn trẻ chúng tôi cứ trông đứng, trông ngồi, cảm giác nôn nao không sao tả hết.

Chật vật, khó khăn như thế nên tiếng rao của ghe xay bánh ống như ánh sáng rạng ngời, tô điểm cho thực đơn quà vặt tuổi thơ chúng tôi sinh động hơn. Hễ ghe cập lại bến nào, y như rằng nơi đó đông vui, náo nhiệt như phiên chợ tết. Bà con hàng xóm mỗi người một thau gạo đầy cùng một cái bao lớn để đựng bánh xay xong. Đám con nít chúng tôi cứ nôn nao, chờ từng cây bánh ống mới ra lò, bỏ ngay vô miệng. Cái bánh giòn tan ngon ngọt, cắn nghe răng rắc làm say đắm biết bao người.
Không có công thức chung cho món bánh ống bởi tùy sở thích, khẩu vị của từng nhà mà món bánh ống sẽ có mùi vị khác nhau. Nguyên liệu chung và quan trọng nhất vẫn là gạo trắng.

Từ cái nền chung đó, có nhà thêm sữa đặc, có nhà thêm bắp, gạo lứt, đường, muối, đậu xanh, đậu đỏ, đậu phộng… kể cả mì ăn liền. Bởi vậy, món bánh ống trở nên đa mùi vị. Xóm tôi ai cũng hảo loại bánh dân dã này muốn ăn cho ngon, phải ăn lúc mới ra lò. Nếu để lâu thì phải bỏ vô bao cột cho kín miệng.

Không rõ ai là người làm ra đầu tiên và gắn cho loại bánh đặc biệt này cái tên bánh ống. Cái bánh như một ống nước dài, rỗng ruột bên trong, khi ra lò được cắt thành từng khúc ngắn dài tùy sở thích. Chắc cũng vì lẽ đó mà người ta gọi là bánh ống?

Ngày xưa, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng lúc nào trong nhà cũng có một bao lớn món bánh bình dân để dành ăn cho đỡ buồn miệng mỗi khi rảnh rỗi. Món ăn đơn giản nhưng ấm áp và để lại trong mỗi người biết bao kỷ niệm.

Tôi còn nhớ, cứ mỗi lần xay bánh xong, bà con lối xóm thường chia cho hàng xóm sản phẩm của nhà mình. Một phần là chia vị thơm thảo tình làng nghĩa xóm, một phần mọi người cũng muốn biết món bánh nhà ai ngon nhất. Người ta ăn của nhau để biết nhà nào ngon hơn mà học hỏi công thức, lần sau rút kinh nghiệm. Còn đám con nít chúng tôi cứ hai tay cầm hai, ba cái bánh ống vừa ăn vừa quơ qua quơ lại như tập trận đánh kiếm. Nhiều lúc quá mạnh tay, bánh gãy ngang rớt xuống đất, tụi nhỏ chúng tôi tiếc hùi hụi 
trong lòng.

Giờ đây, tốc độ phát triển ngày càng chóng mặt, bao loại bánh trái hiện đại ra đời làm cho món ăn thân thương kia dần rơi vào lãng quên. Tiếng rao bánh ống ngày nào cũng không còn mấy. Hình ảnh ông già tóc búi củ tỏi, mặc áo bà ba đen ngồi bên chiếc máy xay bánh ống cứ mãi chập chờn trong ký ức. Tiếng rao như thúc giục, tiếng máy nổ âm vang, tiếng cười nói cùng những lời khen của bà con quê tôi dành cho món bánh dân dã chỉ còn đọng lại như một mảnh ký ức quê nhà.

Mẹ tôi lâu lâu lại thèm món bánh ống. Đi học xa nhà, lần nào về, tôi cũng cố tìm mua cho mẹ một bọc bánh lớn. Mẹ ăn vậy chứ tiếng thở dài vẫn buông đều: “Bánh gì mà làm dở tệ, thua hồi đó mẹ con mình đem xuống ghe xay”. Tôi cũng cảm nhận được điều đó. Giờ đây, rất khó tìm lại hương vị chiếc bánh ống ngày xưa. Miếng bánh ống ngày trước thơm ngon phải chăng vì mang trong đó bao tình cảm của tôi và mẹ trộn đều trong từng nguyên liệu, bao giọt mồ hôi của cha thấm sâu vào từng hạt ngọt và đặc biệt hơn là tình làng nghĩa xóm thắm đượm trong đó? Tiếng rao của ghe bánh ống giờ chỉ còn là dĩ vãng trong mẹ, trong tôi và cả những người dân bên dòng kênh Vàm Xáng.

Mảnh ký ức về chiếc bánh ống thơm ngon cứ mãi theo tôi để rồi bất chợt lúc nào đó tôi lại giật mình thèm nhớ hương vị ngày xưa. Có lần, ngập trong nỗi nhớ, tôi phóng xe về nhà với mẹ, lấy thau múc đầy lon gạo rồi thêm vào vài gói mì ăn liền trộn đều tay, chạy vù ra bến sông dõi mắt tìm kiếm bóng hình xưa, vẳng tai chờ nghe tiếng rao quen thuộc. Vậy nhưng, đáp lại chỉ là sự im lặng đến tê tái. Trong tiếng sóng vỗ nhẹ vào mạn xuồng, tôi chưng hửng nhận ra tiếng rao “Ai xay bánh ống không?” đã là dĩ vãng.

Trương Hoàng Hân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI