Vết thương của mẹ trong tiểu thuyết của Shin Kyung-sook

12/11/2020 - 06:57

PNO - Người cha/người mẹ mà những đứa con nhận thấy, không phải là người mà họ luôn nhìn thấy. Cha mẹ đã từng có lúc vô hình khi hiện diện, bỗng trở nên hữu hình khi họ biến mất.

Cô gái viết nỗi cô đơn và Hãy chăm sóc mẹ của nhà văn Hàn Quốc Shin Kyung-sook đã xây dựng nên hình ảnh những người mẹ Á Đông điển hình, tận tụy và hy sinh hết mình vì chồng con. Hai tiểu thuyết chiếu sáng cho sự phức tạp của tình yêu giữa mẹ và con cái. Một câu chuyện khắc cốt ghi tâm về sự gắn bó của người mẹ đối với gia đình.

Cuộc sống của mẹ là con

Mẹ là hình ảnh trở đi trở lại trong sáng tác của Shin Kyung-sook. Ngay trong tác phẩm đầu tay - Cô gái viết nỗi cô đơn (xuất bản năm 1995), người mẹ xuất hiện trong bối cảnh quê mùa với nụ cười hiền, cùng nét tất bật của những người phụ nữ nghèo, vừa chăm lo công việc đồng áng, vừa nuôi dạy những đứa con. Shin Kyung-sook ở tiểu thuyết mang đậm chất tự truyện ấy viết về mẹ với một nét văn chương u sầu nhưng đầy an ủi. Cách mẹ động viên gia đình là nấu những món ăn ngon trong căn bếp của bà. Bà luôn hiện diện ở đó, khi vui khi buồn, hay thất vọng, mẹ đều bước vào trong bếp. Căn bếp đã trở thành biểu tượng về mẹ. Trong hành trình trở về ký ức của thuở thanh niên, quãng những năm 1970, 1980, khi xã hội Hàn Quốc trong cơn cựa mình tiến về phía trước, tác giả đã xây dựng hình ảnh người mẹ gần gũi và dễ chịu như thế. 

Hãy chăm sóc mẹ và Cô gái viết nỗi cô đơn của nhà văn Shin Kyung-sook gây xúc động khi viết về sự hiện diện của mẹ
Hãy chăm sóc mẹ và Cô gái viết nỗi cô đơn của nhà văn Shin Kyung-sook gây xúc động khi viết về sự hiện diện của mẹ

Gần 15 năm sau, Hãy chăm sóc mẹ (2009) ra đời, tạo một tiếng vang khắp Hàn Quốc. Câu chuyện bắt đầu bằng sự biến mất của mẹ.

Vào khoảnh khắc mẹ bị lạc mất, cũng là lúc những người con mới bắt đầu có sự nhận diện chân thật về mẹ. Người đọc sẽ một lần nữa được thấy mẹ trong dòng hồi tưởng đầy ăn năn của họ.

Nghĩ về mẹ, người anh cả Hyo-choi nhớ đến hình ảnh bà mang vác đủ thứ mỗi lần từ quê lên thăm. Mẹ chưa bao giờ tồn tại trong một dáng hình độc lập. Bà luôn gắn liền với những thứ thuộc về các con, về gia đình. 

Cho đến khi bà mất tích, lần đầu tiên, những đứa con bước vào thế giới bí mật của mẹ. Đến tận lúc đó, họ mới phát hiện ra, mẹ không biết chữ và đang mang bệnh ung thư vú khiến đầu óc kém minh mẫn.

Cô gái viết nỗi cô đơnHãy chăm sóc mẹ của Shin Kyung-sook rất gần với Khởi sinh của cô độc của Paul Auster, khi đến tận lúc người cha chết, đứa con mới có thể thâm nhập vào thế giới nội tâm bí ẩn của cha bằng những trang nhật ký và lá thư ông để lại.

Hay như trong tiểu thuyết Khi tôi nằm chết của William Faulkner - bởi vì mẹ đã chết, những mảnh ghép rời rạc về cuộc đời mẹ mới từng bước được nhận diện.

Người cha/người mẹ mà những đứa con nhận thấy, không phải là người mà họ luôn nhìn thấy. Cha mẹ đã từng có lúc vô hình khi hiện diện, bỗng trở nên hữu hình khi họ biến mất.

Những người già đang dần bị lãng quên

Trong tiểu thuyết Cô gái viết nỗi cô đơn, vào những năm 1990, khi các đô thị chưa ồ ạt được hình thành, những đứa con vẫn kết nối với cha mẹ bằng nhiều lần về thăm nhà, nhiều cuộc chuyện trò. Thì vào năm 2009, khi Hãy chăm sóc mẹ ra đời, nó đã ghi đầy đủ khoảng trống không thể lấp đầy trong dòng chảy thời đại.

Người mẹ đã mất có thể xem là đại diện cho những giá trị đang phai nhạt trong văn hóa Hàn Quốc, khi công nghiệp hóa và đô thị hóa thành công. Là người sinh ra và lớn lên trong cuộc chuyển giao thời đại ấy, tác giả có thể cảm nhận được điều đó một cách thấm thía.

Nhà văn Shin Kyung-sook
Nhà văn Shin Kyung-sook

Shin Kyung-sook từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn: “Đó là câu chuyện về người mẹ mất tích, nhưng cũng là một phép ẩn dụ cho nhiều điều quý báu đang mất đi, khi chúng ta chuyển mình từ truyền thống sang xã hội hiện đại”.

Tác giả lần đầu tiên trong câu chuyện của mình, sau cùng đã để cho người mẹ được lên tiếng, khi bà trong hình hài của một con chim, với giọng kể được viết giống như một bức di nguyện gửi lại nơi trần thế.

Lần đầu tiên những bí mật của mẹ được tiết lộ. Lần đầu tiên mẹ được hiện diện là một cá thể độc lập, có ước mơ, có day dứt, có cô đơn. Lần đầu tiên mẹ không chỉ nói những câu như: “Mẹ xin lỗi”, “Mẹ ổn, mẹ không sao”, “Con hãy ăn nhiều nhé”, “Con hãy giữ sức khỏe nhé…”.

Những người già cũng dần bị lãng quên, giống như hình ảnh người mẹ trong Hãy chăm sóc mẹ biến mất sau những tòa nhà chọc chời, những phố xá đầy xe, đầy người, không thể nào còn tìm thấy được. Chỉ có một hình ảnh được khắc sâu đến nhói lòng: “Bà ấy bị thương ở mu bàn chân. Bà ấy đi đôi dép lê màu xanh, một bên dép cứa vào bàn chân chỗ gần ngón cái, sâu đến nỗi một miếng thịt long ra tạo thành vết sâu hoắm, có lẽ vì bà ấy đã đi bộ quá xa. Ruồi muỗi bu đầy quanh vết thương đang rỉ mủ, chắc là cảm thấy khó chịu nên bà ấy cứ đưa tay phe phẩy đuổi chúng đi”.

Mẹ - người phụ nữ già nua đến kiệt cùng sau một cuộc đời dài đằng đẵng, cuối cùng trôi trong đô thị đầy vết thương như thế.

Lối kể chuyện của Shin Kyung-sook mang đậm chất tự sự, vừa tâm tình, vừa khẩn cầu tha thiết. Ở cả hai cuốn tiểu thuyết, người đọc khó có thể phân biệt được ranh giới giữa hư cấu và tự truyện. Điều đó tạo nên sự nhịp nhàng của hơi thở đời thường trong dòng văn chương thấm đẫm chất thơ của Shin Kyung-sook.

Trong một cảnh cuối cùng sâu lắng của cuốn tiểu thuyết, Chi-hon đã cầu nguyện trước tượng Pieta ở trung tâm của Vatican. Chính tại đây, mệnh lệnh muộn màng của người con gái về việc chăm sóc mẹ đã trở thành một lời khẩn cầu và một lời cầu nguyện khiến bạn rung động và vang dội rất lâu sau khi bạn đặt cuốn tiểu thuyết này xuống. 

Phong Linh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI