Về vùng biển vắng

03/05/2025 - 06:48

PNO - Có những hôm, cả bãi biển rộng lớn như thuộc về riêng gia đình tôi, tha hồ chạy nhảy, hú hét, mặc cho sóng gió xô bờ...

Các con chơi đùa hồn nhiên bên bờ biển vắng
Các con chơi đùa hồn nhiên bên bờ biển vắng - Ảnh do nhân vật cung cấp

Quê tôi nằm ở vùng ven biển, nơi tận cùng phía Nam của mảnh đất xứ Thanh. Ngày nghỉ, tôi thường đưa con về nhà ngoại. Ấy là lúc gia đình tôi thoát khỏi sự ngột ngạt của những đoàn xe rầm rập trên quốc lộ, để đến với biển trời bao la và yên ả.

Có những hôm, cả bãi biển rộng lớn như thuộc về riêng gia đình tôi, tha hồ chạy nhảy, hú hét, mặc cho sóng gió xô bờ. Vào những sáng cuối tuần, nếu không có kế hoạch đi đâu xa, tôi thường dẫn cả nhà xuống biển.

Con gái lớn của tôi, năm nay 6 tuổi, mê tít trò nghịch cát. Cháu học được trên YouTube cách lấy chai múc nước biển rồi đổ vào một lỗ tròn trên bãi cát khô. Sau đó, cháu đào xung quanh để tạo ra những tảng cát với hình thù thú vị, mỗi lần chơi lại khác nhau.

Trò này cháu có thể mê mẩn cả buổi, rồi cười toe toét bảo tôi: “Nghịch cát còn vui hơn đi nhà bóng, bố ạ!” Còn tôi thì khỏi phải nói, vui ra mặt, nghịch cát thì miễn phí, chứ vào nhà bóng thì bố lại tốn mất 30 ngàn đồng!

Thằng em mới gần 2 tuổi thì coi biển như một thế giới xa lạ. Ban đầu, cu cậu nhút nhát, bám chặt lấy chân mẹ. Nhưng chỉ một lát sau, quen dần với không gian mênh mông và tiếng sóng vỗ, nó bắt đầu lẫm chẫm chạy khắp nơi. Tay nghịch cát bẩn, tôi bế con ra vũng nước, cúi xuống rửa tay cho nó. Vậy là từ đó, cu cậu phát hiện ra trò mới, cứ dò dẫm lại nghịch nước mãi không chán. Đúng là con nít, đứa nào cũng mê nước!

Bãi biển bao la, tha hồ mà chạy nhảy. Chị nó giờ đã tự chơi được, chỉ còn thằng em là tôi phải trông chừng, chạy theo không rời mắt. Nhưng điều tôi thích nhất là lúc ngẩng lên, thấy mẹ bọn trẻ ngồi phía trên, ung dung hóng gió, ánh mắt dịu dàng nhìn ba bố con vui đùa. Những khoảnh khắc giản dị ấy, sao mà ấm áp lạ thường.

Những hôm biển lặng, ngư dân thường kéo lưới vào buổi sáng và chiều. Những hàng người lưng còng, hông kẹp miếng gỗ, đi giật lùi từng nhịp trên cát, mắt dán vào lưới. Khi lưới được kéo vào bờ, chúng tôi chạy lại ngó xem. Con tôm con cá quẫy đạp trong lưới trông thật thú vị. Tôi bắt một con cá nhỏ, đưa cho cu con, nó cầm chặt, cười tít mắt, nhìn con cá quẫy đuôi.

Hôm rồi, mẻ lưới kéo lên được khá nhiều mực. Vợ tôi mua vài ký về, nấu với lá tay chua. Hải sản nấu chua vừa ngon lại giòn, tươi rói. Có một lần tôi đi ăn lẩu với đúng dân biển chính gốc. Nồi nước lẩu lúc đầu chỉ là... nước trắng, khiến tôi ngạc nhiên vô cùng. Sau đó, bạn ấy mang ra một rổ chanh nhỏ, mười mấy quả, rồi vắt hết vào nồi. Cá biển nhúng vào nồi nước chanh đó, trắng giòn, tươi ngon đến lạ. Bạn bảo, ăn như vậy mới giữ được vị cá tươi, vừa ngon lại không bị mất chất.

Từ khi còn nhỏ đến giờ, tôi vẫn thấy thú vị mỗi khi xem và cùng ngư dân kéo lưới rùng gần bờ. Tuy nhiên, mẻ lưới ngày nay chẳng còn nhiều cá như xưa, mà lại nhiều thêm… túi ni lông. Những mẻ lưới trước kia nặng trĩu cá, có khi lên tới vài tạ với đủ loại cá lớn. Giờ thì có những mẻ lưới kéo lên chỉ toàn rác, túi ni lông, rong rêu và vài con cá nhỏ. Những con cá nhỏ ấy chẳng đủ để chia đều cho hơn chục người nấu một nồi canh chua ấm lòng.

Tuy vậy, dù lưới ít cá, nhưng cảnh kéo lưới giờ lại thu hút nhiều du khách. Họ sẵn sàng trả giá cao, đôi khi còn cao hơn cả giá ngoài chợ, chỉ để có được vài con cá tươi mới kéo lên. Có lẽ vì hoá chất đã làm người ta mất niềm tin vào các nguồn cá khác. Giờ đây, chỉ có những con cá đang bơi, những con mực đang nháy mắt mới đảm bảo đúng là cá biển tươi. Chính vì vậy, du khách sẵn sàng chi trả một mức giá cao cho sự tươi ngon và trải nghiệm mà những người ở thành phố bây giờ khó có thể thấy.

Tôi lớn lên, chứng kiến sự đổi thay của phố phường và cuộc sống người dân quê mình. Phố phường giờ tấp nập, đông đúc hơn. Biển nay đã trở thành khu du lịch thu hút du khách. Thế nhưng, những con tôm, con cá gần bờ dần biến mất. Phải chăng sự đổi thay luôn đi kèm với việc phá vỡ những gì còn nguyên sơ?

Một thoáng suy nghĩ, rồi nắng cũng lên cao, bắt đầu cảm thấy oi ả. Tôi gọi con về, nhưng cả hai đứa đều nhùng nhằng, chẳng muốn đi. Thằng bé chạy lon ton trên bãi cát dài rộng, theo chân bố. Rồi sau này, khi con lớn lên, liệu con sẽ thấy biển và quê mình thay đổi như thế nào nhỉ?

Sơn Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI