Về quê như khách trọ

21/02/2021 - 06:00

PNO - Chưa bao giờ, cảm giác về quê ăn tết lại giống một chuyến du lịch dài ngày như năm nay. Tôi chẳng khác khách trọ, lạ lẫm trong chính ngôi nhà của mình.

Sợ sệt, hoang mang vì dịch bệnh thì cuối cùng, tôi cũng về được ngôi nhà nhỏ của mình ở Phú Yên, tận hưởng dăm ba ngày tết. Bù lại chuyến xe dài 10 tiếng đồng hồ chật vật tay xách, nách mang là bữa cơm ngon với ba má.

Năm nào, những món ăn do má nấu cũng là điều gây thương nhớ, là động lực để tôi trở về. Rồi cũng bấy nhiêu thứ mắm cá, rau củ quê nhà khiến tôi quyến luyến, chẳng muốn trở lại Sài Gòn. 

Góc vườn nhỏ xíu của má mà thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ da diết.
Góc vườn nhỏ xíu của má mà thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ da diết

Vậy mà năm nay, bao nhiêu thức ăn ngon, bao nhiêu cảnh đẹp, vô số hàng quán hiện đại ngồn ngộn của quê nhà không đủ níu chân tôi. Tôi thấy mình hoàn toàn lạc lõng, từng nghĩ ngợi rằng, giá như tôi không về tết đợt này, lấy cớ ở Sài Gòn chống dịch, hẳn có thể đã trải qua mùa tết đáng nhớ hơn.

Phú Yên quê tôi trong một năm trở lại như “thay da, đổi thịt” với tầng tầng, lớp lớp công trình mới mọc lên. Thành phố mở thêm nhiều công viên, dự án lớn xuất hiện, quy hoạch lại một phần khu vực nội thành. Lần đầu tiên, thành phố có chung cư hơn 30 tầng, khu vui chơi rộng lớn ngay tại trung tâm.

Tôi dạo một vòng thành phố, nhẩn nha ghé đến những con đường thường đi nhất cũng không thấy nổi sự thân quen nào như ngày xưa. Nhìn ngắm thật lâu, tôi hiểu rằng sự thay đổi của thành phố biển không hẳn là điều khiến tôi thấy xa lạ, mà do phần nào đó trong tôi đã thuộc về Sài Gòn.

Khoảng sân bình yên mỗi khi chiều về, tôi ngồi đợi ba mẹ.
Khoảng sân bình yên mỗi buổi chiều, tôi ngồi đợi ba mẹ làm về

Tôi trải qua 10 năm sống trên đất khách và đến bây giờ, tôi là khách trọ trên quê hương mình. Ba nói với tôi rất nhiều về cơ hội lập nghiệp tại quê nhà, hoặc nếu tôi sợ vất vả bươn chải ở Sài Gòn thì tìm một công việc nhàn hạ, cưới một tấm chồng ở quê. “Ước mơ càng lớn thì càng vất vả, thôi thì về quê mình đi con”, ba nói.

Dù không thúc ép nhưng tôi thấy trong mắt ba, ông ao ước các con của ông có người trở về quê sinh sống để nhà cửa bớt cảnh quạnh quẽ, nhà có hơi người, mà nói đúng ra là để ông không "mồ côi con" dù đã sinh thành 4 đứa. Tôi hiểu và thương ba nên lần nào ở nhà, giây phút rời đi cũng thật khó khăn.

Ở nhà khoảng năm, ba hôm, tôi nhớ Sài Gòn quay quắt. Nhớ đường sá chẳng khi nào ngớt xe, nhớ không khí của một thành phố không ngủ, của những khổ đau và vui sướng đã từng có ở mảnh đất ồn ào này. Bi kịch của những đứa con xa quê chẳng thể quay về vì nhiều lý do, với tôi, lý do đó có sự chủ động.

Tôi sợ sự bình yên, tịch mịch. Nhịp điệu cuộc sống mỗi ngày lặp lại đến mức nhàm chán như thể được lập trình sẵn. Tôi đã buồn đến nao lòng khi thấy sự thay đổi bên trong mình, thấy như tôi đang phản bội quê hương.

Sự yên bình nơi quê nhà không đủ sức níu người trẻ về lại nơi mình sinh ra.
Sự yên bình quê nhà không đủ sức níu người trẻ về lại nơi mình sinh ra

Những năm tháng quan trọng nhất trong quá trình trưởng thành của tôi là ở Sài Gòn. Những công việc đầu tiên, những bạn bè, đôi ba cuộc tình vụn vỡ cũng ở đây... thì tôi biết đi đâu để trốn khỏi cảm giác nhớ thương một vùng đất mới?

Hôm nay tôi trở lại Sài Gòn, hành trang chỉ vài bộ quần áo lúc mang về, tuyệt nhiên không có bánh mứt tết như mọi năm.

Tôi lẩn trốn ánh mắt thở than của ba mẹ, né đi những lời hỏi han rằng lần tiếp theo tôi trở về là khi nào? Thật lòng, tôi chưa biết ngày nào sẽ về lại nhà mình, ngoại trừ tết. Còn chuyện xa xôi hơn, tôi chỉ biết nói lời xin lỗi ba mẹ, có lẽ, câu trả lời là điều không nên nói ra.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI