Vào rừng bắt ong, người đàn ông bị rắn cắn nguy kịch

28/06/2023 - 15:25

PNO - Trong lúc tìm bắt ong, nam bệnh nhân nhìn thấy một con rắn khá lớn, không biết là rắn gì nhưng anh vẫn quyết định bắt rồi bị rắn cắn nguy kịch.

Ngày 27/6, trong lúc vào rừng tìm bắt tổ ong, nam bệnh nhân (30 tuổi, ở Bà Rịa) phát hiện một con rắn màu đen, kích thước lớn, nặng khoảng 2kg nên liền chụp bắt. Anh bị rắn cắn vào phía ngoài cổ tay trái nhưng vẫn cố gắng bắt được rắn mang về.

Về đến nhà, anh cho vợ biết mình vừa bị rắn cắn. Người vợ hô hoán người xung quanh nhờ xem có phải rắn độc hay không. Tuy nhiên, không ai xác định được đây là loại rắn gì.

“Khoảng 10 phút, chồng tôi than chóng mặt, bàn tay của anh sưng phù, yếu sức nên tôi gọi điện thoại cho mẹ chồng thuê xe đưa anh đến Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu”, chị cho biết.

Nam bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ảnh BVCC
Nam bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: BVCC

Đến Bệnh viện Bà Rịa, bệnh nhân bị sụp mi, thở khó, yếu tay chân, suy hô hấp, các bác sĩ lập tức đặt nội khí quản, giúp anh thở máy và chuyển nhanh đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Khánh - Phó khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM - cho biết lúc này nam bệnh nhân đã rơi vào tình trạng rất nặng. Anh đã gần như yếu liệt tay chân, sụp mi, suy hô hấp… Vị trí rắn cắn sưng nề, tổn thương từ vùng bàn tay đến cánh tay, vai, 1/3 ngoài ngực trái.

Qua hình ảnh con rắn mà người nhà mang theo, các bác sĩ xác định đây là rắn hổ chúa, nọc rắn gây nhiễm độc thần kinh nặng. 

Sau khi hội chẩn, bác sĩ quyết định dùng huyết thanh kháng nọc rắn đa giá điều trị cho bệnh nhân. Theo đó, anh được truyền 5 lọ huyết thanh. Sau truyền, tình trạng của anh có cải thiện, sức cơ đạt 2/5, sinh hiệu dần ổn định. Tiếp theo, bác sĩ tiếp tục sử dụng thêm 5 lọ huyết thanh truyền cho người bệnh.

Con rắn được xác định là rắn hổ chúa, nọc độc có thể gây nhiễm độc thần kinh, ảnh BVCC
Con rắn được xác định là rắn hổ chúa, nọc rắn có thể gây nhiễm độc thần kinh - Ảnh: BVCC

“Đến nay, tổng cộng huyết thanh được sử dụng là 10 lọ. Hiện bệnh nhân đã tỉnh táo, không phải lọc máu, sức cơ trở về bình thường. Anh đã được cai máy thở. Chúng tôi đang đánh giá để quyết định rút nội khí quản cho anh. Tuy nhiên, người bệnh cần được theo dõi sát về rối loạn nhịp tim, suy hô hấp… từ 48-72 tiếng đồng hồ nữa mới có thể xác định qua nguy hiểm”, bác sĩ Ngọc Khánh cho biết.

Theo bác sĩ Khánh, rắn hổ chúa cắn gây nhiễm độc thần kinh, suy hô hấp, liệt cơ, rối loạn nhịp tim, kèm theo tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, cần phải lọc máu, diễn tiến nặng có thể ngưng tim. 

Khi phát hiện và không thể nhận diện được rắn, không biết rắn có độc hay không, thì không nên đánh bắt rắn. Nếu bị rắn cắn, vết cắn sưng nề, nạn nhân nên được đưa đến cơ sở y tế để sơ cứu. Trường hợp người bị cắn đã bắt được rắn, tốt nhất hãy mang cả con rắn vào bệnh viện để bác sĩ xác định được loại rắn, từ đó có hướng xử trí và sử dụng huyết thanh phù hợp để giải độc. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI