Vào khách sạn, coi chừng bị... quay lén

11/03/2016 - 14:04

PNO - Tại Việt Nam, thỉnh thoảng rộ lên các clip quay lén trong khách sạn, nhà nghỉ... lắp đặt thiết bị, quay lén, tung clip "nhạy cảm" sẽ bị xử lý ra sao?

Vao khach san, coi chung bi... quay len
Một thiết bị quay lén được nguy trang dưới dạng móc áo

Nơm nớp khi vào khách sạn

Như một thói quen, trong những chuyến vào TP.HCM công tác, chị Nguyễn Thanh Ng. (ngụ Hà Nội) thường ngó nghiêng rất kỹ từng vị trí trong phòng ở khách sạn để kiểm tra xem có thiết bị siêu nhỏ nào được gắn đâu đó hay không. Chị giải thích, do thói quen, khi ngủ, chị thường không để vướng víu bất cứ thứ gì trên người. “Không ít cặp đôi, phụ nữ bị quay lén trong các khách sạn, rồi bị tung lên mạng cho cả thế giới biết. Bởi vậy, tôi nghĩ cẩn thận vẫn hơn”, chị Ng. bộc bạch.

Sự cẩn trọng của chị Ng. hoàn toàn có cơ sở, bởi nhiều kẻ bệnh hoạn lợi dụng việc lắp đặt các thiết bị camera giám sát an ninh đã “tiện tay” đặt thêm những thiết bị siêu nhỏ, được ngụy trang tinh vi, ở những vị trí rất khó phát hiện để quay lén chính những khách hàng của mình khi họ đang ở trong tình trạng “không mấy hay ho”

Ở Đăk Lăk từng xảy ra vụ một thẩm phán cấp huyện bị chính chủ khách sạn quay lén lại cảnh “mây mưa” với một phụ nữ rồi dùng cảnh quay này làm chứng cứ tố cáo vị thẩm phán kia. Người chủ khách sạn này khai với cơ quan chức năng rằng, ông ta còn nhiều clip ghi lại cảnh một số cán bộ huyện vào khách sạn của ông để thực hiện hành vi mua bán dâm. Điều này chứng tỏ, vị chủ khách sạn đã lên kế hoạch quay lén để dùng vào mục đích riêng của mình.

Chỉ với một vài từ khóa đơn giản, khi tìm kiếm thông tin về những vụ quay lén trong khách sạn, ta sẽ có hàng loạt hình ảnh và clip ghi lại cảnh nhạy cảm nhất. Đây là “sản phẩm” của những kẻ bệnh hoạn, sau khi quay trộm, đã tung lên mạng, đưa vào các diễn đàn, trang web sex.

Khó xử lý chủ khách sạn?

Trên thực tế, đã có nhiều đối tượng bị xử lý cả hành chính lẫn hình sự vì tung những clip nhạy cảm, mang tính chất xâm phạm đời tư, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

Bên cạnh việc xử lý những đối tượng vi phạm, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP.HCM khuyến cáo: khi vào lưu trú trong khách sạn, nhà nghỉ, người dân nên cảnh giác, đề phòng bằng cách kiểm tra tỉ mỉ căn phòng để xem có thiết bị nào được cài cắm trong đó hay không.

Một lãnh đạo Công an Q.Tân Phú (TP.HCM) khẳng định, hành vi lắp đặt, ghi hình những người vào khách sạn là vi phạm bí mật đời tư được quy định trong Bộ luật Dân sự; hành vi phát tán những hình ảnh “nhạy cảm” có thể bị truy cứu theo điều 253 Bộ luật Hình sự về tội “tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy”.

Nếu hình ảnh “nhạy cảm” của cá nhân nào đó bị phát tán tại một khách sạn cụ thể, chủ khách sạn này có bị xử lý không? Luật sư Trương Xuân Tám, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, trong trường hợp chủ khách sạn biết việc này thì đương nhiên bị xử lý theo luật. Nếu chủ khách sạn không biết việc lắp camera quay lén, phát tán hình ảnh thì không có căn cứ để người bị hại khởi kiện đòi bồi thường hay pháp luật xử lý được.

Đồng quan điểm với luật sư Tám, luật sư Phạm Tấn Thuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết thêm, việc khởi kiện dân sự đòi bồi thường về tổn thất tinh thần đối với chủ khách sạn cũng rất khó và gian nan. “Người bị hại phải chứng minh được tổn hại về tinh thần là tổn hại gì (nhập viện, nghỉ việc chẳng hạn), và nếu chứng minh được tổn hại cũng chỉ được bồi thường tối đa không quá 30 tháng lương cơ bản. Trong khi ở nước ngoài, việc vi phạm hình ảnh cá nhân gây tổn hại tinh thần sẽ bị tòa xử rất nghiêm, người vi phạm sẽ phải bồi thường rất nặng cho hành vi này”, luật sư Thuấn phân tích.

Phạm Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI