Vàng son một thuở Ba Tư

16/05/2020 - 08:12

PNO - Iran là quốc gia không dễ đến, chi phí cho một chuyến du lịch lại vô cùng đắt đỏ. Vậy nhưng Nguyễn Chí Linh đã có hai lần ghé thăm, mỗi lần cách nhau 5 năm.

Đi trong ước vọng muốn tìm hiểu, khám phá vùng đất từng là huyền thoại từ những câu chuyện kể xa xưa. Đi để trở về, và viết. Anh bảo vẫn muốn gọi xứ sở của Nghìn lẻ một đêm, của những tấm thảm thần trong Aladin và cây đèn thần là Ba Tư - cái tên lưu dấu “vàng son một thuở”. 

Bắt đầu từ tháp Azadi - cổng thành của đại đế Cyrus - nay là biểu tượng tự do của thủ đô Tehran, tác giả dẫn dắt người đọc đến với phiên chợ thành Tehran, cung điện hoàng gia Golestan, cung điện mùa đông Navaran, thành cổ Hamanda, nơi lưu dấu vết tích của nền văn minh Lưỡng Hà đến con đường tơ lụa… Nguyễn Chí Linh đam mê và am hiểu kiến trúc, mỹ thuật, nên những trang viết của anh luôn thể hiện những góc nhìn, phân tích rất đặc sắc về kiến trúc từ tổng quan đền đài, di tích đến chi tiết hoa văn, điêu khắc, những bức phù điêu… 

Cuộc hành trình khám phá cả những giá trị văn hóa ẩn tàng của đất nước còn xa lạ với nhiều người. Sự cẩn trọng trong việc chắt lọc thông tin, quan sát, miêu tả chi tiết và không bỏ qua phát hiện nào - dù nhỏ trên chuyến hành trình, khiến cho Vàng son một thuở Ba Tư như ôm vào lòng nó những hiểu biết, kiến giải đa tầng về chính trị, tôn giáo, văn hóa, ẩm thực, lối sống…

Một Iran chân tình, mến khách - rất khác với hình dung của thế giới về quốc gia Hồi giáo này. Điều bất ngờ được tác giả cung cấp trong cuốn sách là lăng mộ của người góp phần khai sinh ra chữ quốc ngữ Alexandre de Rhodes hiện đang nằm ở nghĩa trang Amernia, Isfahan, Iran. “Tấm bia phủ mộ đen sờn màu đá, nghiêng dốc thoai thoải vẫn còn hiện rõ: ngày 05/11/1660”. 

Iran - Ba Tư vẫn lưu dấu một thuở vàng son trên dấu tích của “những viên gạch men nền nã được ốp trên những mái vòm hay các cổng chào theo nghệ thuật tổ ong”, vết tích của những cuộc chinh phạt, sự trường tồn của những giá trị văn hóa và lịch sử. Vẫn còn bóng dáng của những “khu vườn âm nhạc” - không gian giải trí của vua chúa, quý tộc xưa giờ được tái hiện cho du khách thưởng ngoạn.

Tác giả đi từ thủ đô Tehran đến những vùng đất Khuzestan, Yazd, Qazvin, cố đô Tabriz… theo cách của một lữ khách. Có những lúc bất ngờ dừng lại trên đường chỉ để được chậm rãi nhìn ngắm vẻ đẹp tuyệt sắc của núi đá trong hoàng hôn, hoặc để nếm trải cảm giác làm “thương gia” ở chính nơi mà đoàn “thương nhân lạc đà” trên con đường tơ lụa năm xưa đã đi qua. Nhờ những cơ duyên ngẫu nhiên và cả lựa chọn táo bạo mà tác giả có được những chi tiết đắt, những câu chuyện hay để kể cho người đọc. 

Tự nhận mình là “kẻ ngoại đạo trong viết lách”, nhưng Nguyễn Chí Linh đã có những tác phẩm du ký rất hay, kể từ quyển sách đầu tay Sương khói Peru. Tiếp đến là Một Hồi giáo khác biệt ở Java, Trên con đường tơ lụa Nam Á, Bốn mùa trên xứ Phù Tang và giờ là Vàng son một thuở Ba Tư (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành). Tập du ký này, dành cho những giấc mộng cùng tên gọi. 

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI