Văn học Hàn Quốc tạo sóng mạnh mẽ trên thị trường quốc tế

16/09/2020 - 15:04

PNO - Sự chuyên nghiệp trong cách quản lý, tư duy nội dung mới lạ, không ngại đề cập đến những vấn đề xã hội được xem là những yếu tố giúp văn học Hàn Quốc gây ấn tượng mạnh với thế giới.

Quên đi làn sóng K-pop, quên đi hàng thập kỷ tiểu thuyết Hàn Quốc bị ghẻ lạnh, hiện văn học xứ kim chi đang lan tỏa mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đặc biệt là ở thị trường nước ngoài.

Văn học Hàn Quốc bùng nổ

Trong vài năm trở lại đây, số lượng tiểu thuyết Hàn Quốc được mua bản quyền đang tăng đột biến nhờ sự sáng tạo của lớp nhà văn giàu kinh nghiệm và đạt đến độ chín mùi trong sự nghiệp. Tác giả Seo Mi-ae, gắn bó với nghề viết hơn 3 thập kỷ, từng tâm sự thấy mình như “kẻ ngoại đạo” khi tiểu thuyết không được đón nhận nồng nhiệt trong giới văn học nước nhà, thì nay mọi chuyện đã xoay chiều 360 độ.

Please look after mom (tựa Việt: Hãy chăm sóc mẹ) của Shin Kyung Sook, được xuất bản tại Hoa Kỳ vào năm 2011, đã mở đường cho văn học Hàn Quốc tiến ra thị trường nước ngoài. Cộng thêm cuốn sách The Vegetarian của Han Kang xuất sắc giành nhiều giải thưởng danh giá, bao gồm giải Man Booker International năm 2016, một lần nữa chứng minh văn học xứ kim chi là kho báu cho những ai tìm kiếm câu chuyện mới lạ.

Cuốn tiểu thuyết bí ẩn GoodNight, Mother của nhà văn Hàn Quốc Seo Mi-ae được trưng bày tại một hiệu sách ở Pháp
Cuốn tiểu thuyết "GoodNight, Mother" của nhà văn Hàn Quốc Seo Mi-ae được trưng bày tại một hiệu sách ở Pháp.

Nối tiếp chuỗi thành tích, tiểu thuyết Good night, mother (năm 2010) xoay quanh câu chuyện viễn tưởng về một cô gái tâm thần, của tác giả Seo Mi-ae gây ấn tượng sâu sắc khi bán bản quyền cho hơn 14 quốc gia. Tác phẩm còn được dịch sang tiếng Anh với tựa đề The only child và xuất bản tại Hoa Kỳ vào tháng 2.

Đặc biệt hơn, tại Anh, Carnival Films, nhà sản xuất phim truyền hình uy tín, đã mua bản quyền Good Night, Mother và có kế hoạch chuyển thể thành phim. Các điều khoản trong hợp đồng dành cho Seo Mi-ae vô cùng thuận lợi, đầy hứa hẹn với các ưu đãi tốt.

Bản thân các nhà xuất bản nước ngoài còn đặt trọn niềm tin vào sự thành công của những ấn phẩm Hàn Quốc. Seo Mi-ae cho biết: “Một nhà xuất bản Đức đã trả trước cho tôi tiền bản quyền 50.000 Euro (55.000USD), bởi họ nói rằng chắc chắn tác phẩm sẽ thành công.”

Cũng từ đây, hiệu quả của dây chuyền trong ngành xuất bản chính thức phát triển. Khi một nhà xuất bản lớn, nổi tiếng ký hợp đồng với một tác giả nào đó thì các công ty khác từ nhiều nước lân cận cũng có xu hướng kết nối, hợp tác với cùng một tác giả. Chính vì vậy, thành công của Seo không chỉ mở ra cơ hội cho cô mà còn cho cả ngành văn học Hàn Quốc.

Nam Yu-seon, một quan chức làm việc trong bộ phận bản quyền của Minumsa, một nhà xuất bản địa phương, không giấu được sự tự hào: “Tôi thấy những thay đổi từ các quan chức nước ngoài mà tôi gặp tại các hội chợ sách quốc tế. Với việc ngày càng nhiều nhà xuất bản thế giới cạnh tranh để giành được hợp đồng với các tác giả Hàn Quốc, các nhà văn đang được đối xử tốt hơn bao giờ hết.”

Sự gia tăng các ấn phẩm văn học Hàn Quốc được chuyển thể sang tiếng nước ngoài trong những nằm gần đây.
Sự gia tăng các ấn phẩm văn học Hàn Quốc được chuyển thể sang tiếng nước ngoài trong những năm gần đây.

Đổi mới tạo nên sự bứt phá

Văn học Hàn Quốc gây được sự chú ý lớn ở thị trường quốc tế phần lớn nhờ vào sự thay đổi trong nội dung, không ngại đề cập đến những vấn đề xã hội đáng quan tâm thay vì câu chuyện gia đình, tình yêu thời trước. Hầu hết các tác phẩm gây tiếng vang hiện tại của xứ kim chi đều xoay quanh phong trào nữ quyền, lột tả chân thực những bất công và sự trỗi dậy mạnh mẽ của phái nữ bất chấp định kiến từ dư luận.

Việc thoát khỏi khuôn mẫu này đã nhận được đánh giá tích cực từ giới chuyên môn và người hâm mộ. Có thể thấy thông điệp này được bộc lộ rõ nét qua The Vegetarian, cuốn tiểu thuyết kể về người phụ nữ muốn từ chối sự tàn bạo của con người bằng cách từ bỏ việc ăn thịt, hay Kim Ji-young, Born 1982 với tinh thần đề cao nữ quyền, đấu tranh đòi quyền lợi công bằng, bình đẳng cho người phụ nữ bình thường tên Kim Ji-young.

Tác giả Kim Hye-jin cũng không ngại đề cập chuyện đồng tính qua tiểu thuyết About Daughter, cuốn sách đã bán bản quyền cho Công ty Picador Books sau khi ba nhà xuất bản cạnh tranh quyết liệt với nhau ở Anh. Tại Pháp, cuốn tiểu thuyết cũng sẽ được in bởi nhà xuất bản hàng đầu Éditions Gallimard.  

Tuy nhiên, nội dung mới mẻ chưa phải là nguyên nhân mấu chốt để các nhà xuất bản lớn thế giới để ý và trọng dụng văn học Hàn Quốc nếu không đi kèm với sự thắng thế về mặt doanh số. Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc (LTI Korea) đồng ý rằng các công ty nước ngoài đối xử với văn học nước này khác với trước đây vì tiểu thuyết xứ Hàn đã sinh lợi lớn. 

Kim Ji-young, Born 1982 do Cho Nam-joo chấp bút đã lập kỷ lục khi tiêu thụ hơn 1 triệu bản tại quê nhà trong năm 2016. Thành công vang dội của nó đã mang lại những giao dịch kếch xù cho tác giả. Tiểu thuyết này còn nhanh chóng trở thành quyển sách bán chạy nhất tại thị trường Đài Loan, Trung Quốc… Riêng tại Nhật Bản, ấn phẩm đã bán hơn 150.000 bản kể từ khi phát hành vào cuối năm 2018.

Nhờ đó, Scribner Books, đơn vị chuyên xuất bản tiểu thuyết của các tác giả nổi tiếng như Stephen King và là chi nhánh của công ty xuất bản khổng lồ Simon & Schuster, nhanh chóng chớp lấy thời cơ mua bản quyền Kim Ji-young, Born 1982.

Kim Ji-young, Born 1982 là một trong những ấn phẩm bán chạy nhất tại Hàn Quốc.
Kim Ji-young, Born 1982 là một trong những ấn phẩm bán chạy nhất tại Hàn Quốc.

Sự chuyên nghiệp trong quản lý cũng được xem là một trong những yếu tố giúp văn học Hàn Quốc lan tỏa sức ảnh hưởng. Nếu như các tác giả trước đây thường ký hợp đồng với cơ quan đại diện trong nước thì hiện, họ tin tưởng và ký kết với cơ quan Văn học châu Á do Kelly Falconer thành lập năm 2013 - quản lý các tác giả Hàn Quốc như Bae Su-ah, Cheon Myung-gwan và Kim Yi-seol - giúp các nhà văn thuận lợi giới thiệu tác phẩm của mình đến những đơn vị xuất bản nước ngoài.

Mô hình quản lý chuyên nghiệp này không chỉ giúp các tác giả nổi tiếng mà còn mở ra cơ hội cho các nhà văn trẻ, ít được biết đến như Kim Jae-hee, Lee Jong-gwan...

“Các tác giả trước đây thường hài lòng khi được ký hợp đồng với nhà xuất bản nước ngoài, nhưng bây giờ họ quan tâm nhiều hơn đến những điều khoản như ai sẽ dịch cuốn tiểu thuyết và nhà xuất bản nào sẽ tham gia” - Gwak Hyo-hwan, một quan chức trong ngành văn học Hàn Quốc cho biết, từ khi văn học xứ kim chi có chỗ đứng trên thế giới, các tác giả có tiếng nói hơn trong việc chọn đối tác hợp tác.

Mặc dù văn học Hàn Quốc đã đi được một chặng đường dài nhưng các nhà quản lý chia sẻ phải nỗ lực nhiều hơn nữa, hòng chiếm trọn trái tim của độc giả toàn cầu.

Chung Thu Hương  

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI