Nhớ “Văn Ngan tướng công” và một thời vàng son của văn học thiếu nhi

11/09/2020 - 08:07

PNO - Vẫn biết sinh lão bệnh tử là quy luật của tạo hóa mà sao nghe tin nhà văn Vũ Tú Nam từ trần ngày 9/9 ở tuổi 91, tôi vẫn thấy đột ngột không tin nổi là sự thực.

Những ký ức xưa lại ùa về, chú Văn Ngan trong cuốn Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công như hiện ra, Chú lính chì dũng cảm của nhà văn H.Christian Andersen cũng hiện ra từ một bản dịch tiếng Việt rất trong sáng mà mãi tôi mới biết là của nhà văn Vũ Tú Nam... Tất cả những ấn tượng ấy đã theo tôi đến lần đầu gặp mặt ông vào năm 1975. Đó là dịp tôi đến nhận giải truyện ngắn Bông hoa phấn trắng ở báo Văn Nghệ. 

Thuở ấy, các đề tài bộ đội chiến đấu, công nhân, nông dân, lao động được chú trọng hơn cả. Truyện ngắn của tôi viết về cô giáo và học trò là chuyện nhỏ, được xếp giải khuyến khích đã là vinh dự lớn. Khi ấy nhà văn Vũ Tú Nam là Phó tổng biên tập báo Văn Nghệ. Ông có dáng đi từ tốn, lúc gặp các nhà văn trẻ, ông mỉm cười như một thầy giáo hiền. Lúc nói chuyện, ông tâm sự: “Viết cho trẻ em chữ ít, nghĩa nhiều. Tôi luôn tâm niệm như vậy”. 

Nhà văn Vũ Tú Nam (bên trái), nhà văn Tô Hoài trong một cuộc họp về văn học thiếu nhi tại Hà Nội tháng 3/2008. Giờ, cả hai ông đều là người thiên cổ - Ảnh: tác giả cung cấp
Nhà văn Vũ Tú Nam (bên trái), nhà văn Tô Hoài trong một cuộc họp về văn học thiếu nhi tại Hà Nội tháng 3/2008. Giờ, cả hai ông đều là người thiên cổ - (Ảnh: tư liệu gia đình)

Nhà văn Vũ Tú Nam là người em út trong một gia đình ba anh em họ Vũ đều nổi danh. Người anh cả là nhà thơ Vũ Cao - tác giả bài thơ Núi đôi. Người anh thứ hai là dịch giả Vũ Ngọc Bình, cựu biên tập viên Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng, dịch giả cuốn sách nổi tiếng Cuộc phiêu lưu của Mít đặc và các bạn (tác giả Nikolai Nosov). 

Vũ Tú Nam là em út đã sớm tòng quân theo người anh cả và sớm viết văn thành công với tập truyện Bên đường 12 từ năm 1950. Có lẽ do có ông anh thứ hai làm việc ở NXB Kim Đồng nên Vũ Tú Nam rất có tình cảm với văn học thiếu nhi. Ngoài Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công, nhà văn Vũ Tú Nam đã viết nhiều truyện ngắn cho thiếu nhi, nhiều bài văn của ông đã được đưa vào sách giáo khoa như bài Cây gạo được học sinh thuộc và nhớ mãi. 

Ông là người từng giữ nhiều chức vụ cao ở Hội Nhà văn Việt Nam, như Phó tổng biên tập báo Văn Nghệ, Giám đốc NXB Tác phẩm mới (nay là NXB Hội Nhà văn). Năm 1989, ở Đại hội IV - một kỳ đại hội nhà văn vô cùng căng thẳng, nhà văn Vũ Tú Nam đã trúng cử Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV. 

Với văn học thiếu nhi, dẫu ở vị trí nào, ông cũng thể hiện sự quan tâm. Khi ông là lãnh đạo báo Văn Nghệ, trang Văn nghệ thiếu nhi ngày đó rất khởi sắc với những tên tuổi như Phạm Hổ, Trần Hoài Dương, Xuân Quỳnh, Bế Kiến Quốc… Khi ông là Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, hội đã có Hội đồng văn học thiếu nhi, có giải thưởng Văn học thiếu nhi xét riêng không cùng với văn xuôi và thơ cho người lớn. Trong những năm ở tuổi 60 bận rộn nhiều việc lớn, ông vẫn dành thời gian đến với các trại sáng tác văn học thiếu nhi của Cung Thiếu nhi Hà Nội và nhiều nơi khác… 

Sau khi đã kinh qua các vị trí với nhiều trọng trách nặng nề, khó khăn ở Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Vũ Tú Nam lại trở về với Tiểu ban Sách thiếu nhi của Hội xuất bản Việt Nam. Những ngày này, tôi có cơ hội làm việc cùng ông.

Hằng năm mỗi khi đến kỳ họp xét giải thưởng, cả tiểu ban gồm nhà văn Vũ Tú Nam, nhà văn Ma Văn Kháng, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà báo Nguyễn Như Mai và tôi thường đến nhà riêng của ông bà Vũ Tú Nam để họp bàn trao đổi. Mỗi lần đến nhà, ông bà đều sắp sửa trà bánh rất ngon để anh chị em cùng ngồi nhấm nháp và đàm đạo văn chương.

Ở tuổi 80, cách nghĩ của nhà văn Vũ Tú Nam không hề “bảo thủ”, khi đánh giá một tác giả trẻ như Nguyễn Nhật Ánh, ông đã đồng thuận để tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của anh đạt Giải vàng Sách hay của Hội xuất bản Việt Nam vào năm 2009. 

Trong giới văn chương, nhà văn Vũ Tú Nam là người có gia đình hạnh phúc. Người bạn đời của ông là bà Thanh Hương, cũng là một nhà văn khả kính. Ông bà gặp nhau trong kháng chiến chống Pháp, và tình yêu của ông bà đã được ghi lại trong cuốn Hồi ức tình yêu - Qua những lá thư riêng (NXB Phụ nữ 2012).

Tôi còn nhớ mãi không khí đầm ấm trong ngôi nhà giản dị vốn chỉ là một căn hộ tập thể của ông bà Vũ Tú Nam. Dường như tuổi tác và những nỗi gian lao vất vả của ông bà chỉ như “mây bay gió thổi” qua tâm hồn họ. Cốt cách nền nã đã là bản chất sâu đậm của đôi văn nhân ấy. Hình ảnh nhà văn Vũ Tú Nam hiền hòa tinh tế, lối nói trầm tĩnh mà sáng suốt của ông như vẫn còn ngân âm mãi trong tôi. 

Thôi thế là một thế hệ nhà văn đã lần lượt ra đi. Chỉ những gì các ông đã viết chắc hẳn theo thời gian thành những hạt ngọc, mãi ở lại với đời. 

Nhà văn Lê Phương Liên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI