Văn hóa văn nghệ 2022: Hứng khởi với những dự án mới

31/12/2021 - 08:35

PNO - Năm 2021 đã khép lại với thật nhiều cảm xúc. Gạt qua một bên những âu lo, tiếc nuối bởi dịch bệnh khiến mọi kế hoạch, dự án đều phải tạm ngưng, những cá nhân, đơn vị hoạt động văn hóa văn nghệ dồn hết năng lực vào những dự án trong năm 2022 bằng một tinh thần “làm bù” cho quãng thời gian phải “ngủ yên” vì dịch bệnh.

Xuất bản 2022: In lại danh tác, minh họa lên ngôi 

Sau thời gian gián đoạn, gặp nhiều khó khăn trong in ấn và phát hành, ngành sách trở lại với nhiều kế hoạch, dự án trong năm mới. Tiếp nối dòng sách đẹp/sách đặc biệt, Công ty cổ phần Văn hóa Đông A đang chuẩn bị ra mắt tác phẩm Ngụ ngôn La Fontaine với bản sách in khổ to, toàn tập ngụ ngôn với bản dịch của nhiều thế hệ dịch giả Việt Nam. Bên cạnh đó là kiệt tác Thần khúc - trường ca của Dante Alighieri. Một số tác phẩm văn học kinh điển cũng sẽ được đơn vị cho tái bản kết hợp đầu tư phần minh họa như: Ông già và biển cả, Con Bim trắng tai đen, Gatsby vĩ đại

Việc in lại những tác phẩm danh tác đã được Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam thực hiện từ nhiều năm, trong đó dự án dài hơi nhất phải kể đến là bộ Việt Nam danh tác. Trong năm 2021, có 11 tựa thơ thuộc bộ sách được tái bản với phiên bản sách bìa cứng, được sự đón nhận của đông đảo bạn đọc. Trong các nhóm đọc/sưu tầm sách trên mạng xã hội, Việt Nam danh tác là một trong những cái tên được tìm kiếm và sưu tầm nhiều nhất.

Sang năm 2022, Nhã Nam cho biết tiếp tục tái bản bìa cứng các tác phẩm văn xuôi, đồng thời bổ sung một số tựa sách mới trong bộ Việt Nam danh tác. Ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Công ty sách Sbooks - cho biết việc mua bản quyền tái bản các tác phẩm văn học kinh điển trong và ngoài nước, bao gồm sách thiếu nhi là một trong những kế hoạch của đơn vị trong năm 2022.

Năm 2022, sách đẹp cùng các bản đặc biệt/giới hạn tiếp tục được nhiều đơn vị làm sách quan tâm đầu tư (trong ảnh: Một số tựa sách đã ra mắt của Đông A)
Năm 2022, sách đẹp cùng các bản đặc biệt/giới hạn tiếp tục được nhiều đơn vị làm sách quan tâm đầu tư (trong ảnh: một tựa sách đã ra mắt của Đông A)

Việc tái bản/in lại tác phẩm cũ lâu nay không mới, nhưng đến thời điểm này lại là sự lựa chọn nổi bật của khá nhiều đơn vị làm sách. Cùng với việc tái bản sẽ là kết hợp đầu tư tranh minh họa, thực hiện các phiên bản bìa cứng/sách đẹp. “Một cuốn sách được chọn là bản sách đẹp, về nội dung phải đảm bảo là tác phẩm quan trọng. Các bản sách này đều được đầu tư công phu với tính thủ công và chi tiết cá biệt hóa cao. Các bản sách đẹp ra đời góp phần làm tăng giá trị cuốn sách, kéo theo đó, các bản thường cũng tiêu thụ tốt hơn. Một số cuốn sách kén chọn độc giả nhưng khi được làm bản đẹp cũng thu hút nhiều người quan tâm hơn. Trong thời gian tới, có thể có nhiều đơn vị tham gia thị trường này hơn, giúp phong trào sưu tầm sách đẹp, bản giới hạn lan tỏa rộng, đồng hành cùng sự phát triển của văn hóa đọc nói chung” - chị Đào Phương Thu - Phó phòng Truyền thông công ty Nhã Nam - nhìn nhận và lý giải vì sao những tác phẩm đã định vị được giá trị vượt thời gian luôn là lựa chọn ưu tiên khi các đơn vị đầu tư sách đẹp.

Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng đã lên kế hoạch tổ chức tái bản những tựa sách nổi bật của đơn vị, nhân dịp kỷ niệm 65 thành lập NXB (1957-2022). Sẽ có 65 ấn phẩm được trở lại trong diện mạo mới, đó là những tác phẩm của các nhà văn Tô Hoài, Đoàn Giỏi, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Trần Hoài Dương, Nguyễn Quang Sáng, Vũ Hùng… Bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng - cho biết, bên cạnh việc đầu tư minh họa đẹp cho các ấn bản Truyền kỳ mạn lục, Nam Hải dị nhân, Lịch sử Việt Nam bằng thơ… trong năm 2022, NXB sẽ phát triển thêm các hình thức ấn bản đặc biệt, ấn bản giới hạn đối với các bộ tranh truyện.

Các bộ sách lịch sử qua các giai đoạn từ thời Hồng Bàng đến triều Nguyễn sẽ được đầu tư làm mới: Tiếng trống Mê Linh, Hưng Đạo Vương, Đại tư đồ Trần Nguyên Hãn, Chu Văn An - gương mặt người thầy… Sự vào cuộc của các nhà làm sách hứa hẹn một năm rộn ràng của sân chơi sách đặc biệt, cũng như sự trở lại của những giá trị cũ trong diện mạo mới giàu mỹ cảm.

Tham gia nhiều sự kiện/hội chợ sách quốc tế, bà Nguyễn Lệ Chi - Giám đốc Công ty sách Chibooks - nhận định, dòng sách kết hợp với tranh minh họa được nhiều đơn vị làm sách nước ngoài lưu tâm, đầu tư. Trong nước, xu hướng này ngày càng được định hình rõ nét. Không riêng các bản sách đặc biệt, nhiều tác phẩm văn học, sách thiếu nhi, sách kỹ năng… đã được các NXB, công ty sách đầu tư chăm chút phần minh họa. Không chỉ có đội ngũ họa sĩ trẻ mà ngày càng có thêm nhiều họa sĩ tên tuổi đã tham gia vào sách bằng các tác phẩm tranh nghệ thuật: Tạ Huy Long, Hoàng Tường, Hoàng Phượng Vỹ…

Ngành sách đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của dịch bệnh, nhưng thử thách vẫn còn trước mắt. Trong sự rộn ràng của những hoạt động đầu năm, bà Đinh Thị Thanh Thủy - Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Tổng hợp TP.HCM - cho rằng sau hai năm đại dịch, sự “chuyển mình” của ngành sách trong năm mới vẫn còn rất nhiều thách thức. Bà Nguyễn Lệ Chi nhận định, dịch bệnh gây ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu sách giấy, các đơn vị làm sách xuất bản cũng cần thay đổi, tiệm cận với xu hướng số hóa.

Trong năm 2022, cùng với việc đầu tư sách giấy, Chibooks tập trung đẩy mạnh sản xuất ebook và audio book. “Đối với sách giấy cũng không đầu tư dàn trải, mà thực hiện các dự án tủ sách: tủ sách văn hóa Việt, tủ sách doanh nhân, sống đẹp, giáo dục, sách kỹ năng cho gia đình…”, bà Nguyễn Lệ Chi chia sẻ.

Ở mảng sách đề tài công nghệ, NXB Kim Đồng có tủ sách hướng nghiệp 4.0, với các chủ đề Freelance Coach, Phân tích dữ liệu, YouTuber, Podcaster… “Đặc biệt, chúng tôi sẽ phát triển thêm mảng văn học thiếu nhi. Vừa qua, Sbooks phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam ra mắt Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học, vì vậy, chúng tôi cũng sẽ đầu tư in lại các tựa sách có giá trị để hỗ trợ học sinh có thêm tài nguyên sách, góp phần xây dựng văn hóa đọc trong gia đình và nhà trường” - ông Nguyễn Anh Dũng chia sẻ.

Theo bà Đinh Thị Thanh Thủy, sách về đề tài dịch bệnh cũng sẽ tiếp tục được đơn vị cho ra mắt trong năm 2022, bên cạnh dòng sách chính là nghiên cứu lịch sử - văn hóa. 

Phim truyền hình 2022 tìm kiếm những sắc màu mới

Sau một năm phải “giảm tốc” vì dịch bệnh, lĩnh vực sản xuất phim truyền hình trong năm 2022 hứa hẹn sôi động trở lại với hàng loạt dự án đang và sắp triển khai, để lại dấu ấn về sự nỗ lực tìm kiếm những sắc màu mới cho màn ảnh nhỏ.

Gây chú ý nhất là dự án phim trinh thám Trại hoa đỏ (tám tập) của đạo diễn Victor Vũ vừa bấm máy ở Đà Lạt. Bộ phim là cái bắt tay đầu tiên của đơn vị truyền hình trả tiền K+ với vị đạo diễn điện ảnh “triệu đô” này, và cũng là sản phẩm phim dài tập đầu tiên của Victor Vũ. Không chỉ mời Victor Vũ, đơn vị đầu tư K+ còn mời luôn những nhân sự làm phim sáng giá của điện ảnh trong nước, như giám đốc hình ảnh Dominic Pereira, giám đốc mỹ thuật Ghia Fam, biên kịch Đức Nguyễn, giám đốc âm nhạc Garrett Crosby với tham vọng tạo nên “bom tấn” truyền hình đầu tiên trong nước.

Đạo diễn Victor Vũ trên trường quay phim Trại hoa đỏ
Đạo diễn Victor Vũ trên trường quay phim Trại hoa đỏ

Sau hàng loạt tiếng vang của dòng phim xưa, Đài Truyền hình Vĩnh Long tiếp tục theo đuổi mảng đề tài này, một trong những dự án gây được sự chú ý ngay từ tên phim là Thời mở cửa (60 tập, đạo diễn Phương Điền). Bộ phim xoay quanh câu chuyện thời cuộc của hai gia đình kéo dài từ những năm 1975 cho đến thời điểm hiện tại, với hệ thống nhân vật hai thế hệ lên đến 16 người.

Đạo diễn Phương Điền chia sẻ: “Nội dung phim đề cập những vấn đề thời bấy giờ như chuyện ngăn sông cấm chợ, câu chuyện hợp tác xã, đi kinh tế mới. Phim dự kiến bấm máy vào tháng 4/2022 với bối cảnh trải dài từ An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tây Ninh. Những cảnh đường phố Sài Gòn xưa đoàn quay ở Biên Hòa, Thủ Đức vì nơi này còn lưu giữ một số nét của Sài Gòn những năm 1970-1980. Trên phim, khán giả sẽ thấy lại hình ảnh những phương tiện thịnh hành thời bấy giờ như xe 67, xe Honda Dame, xe lam, xe đạp tầm vông… Dàn diễn viên trong phim sẽ là 50% gương mặt cũ và 50% người mới”.

Một dự án phim xưa khác đang triển khai là Lỗi đạo cang thường (32 tập, đạo diễn Hồ Ngọc Xum) sẽ lên sóng SCTV14 lúc 19g45 hằng ngày. Phim tái hiện con người, bối cảnh xã hội Việt Nam vào những năm 1920-1945, đồng thời phản ánh phong tục tập quán của người dân vùng đất Nam bộ lúc bấy giờ. Ngoài dự án này, SCTV14 còn triển khai 10 phim khác trong năm, trong đó có một số dự án đáng chú ý như phim tâm lý Sau phút đam mê (30 tập, đạo diễn Nguyễn Minh Cao), Màu cát (đạo diễn Nhâm Minh Hiền) và ba tác phẩm hình sự Hồ sơ tội ác (30 tập, đạo diễn Dũng Nghệ), Bí mật hai thế giới (đạo diễn Thái Trình), Mặt trời khuyết (đạo diễn Đặng Minh Quốc).

Đại diện truyền thông của SCTV14 cho biết: “Từ năm ngoái, SCTV14 đã thực hiện khảo sát khán giả hằng năm để biết người xem yêu thích thể loại nào, đề tài nào để tập trung sản xuất. Năm 2021 dòng phim tâm lý xã hội, hình sự vẫn được ưa chuộng. Riêng thể loại phim tâm lý hiện nay đòi hỏi phải có một số đổi mới để không bị cũ. Do đó, những dự án thể loại này trong năm 2022 cũng nỗ lực tìm kiếm những sắc màu mới. Chẳng hạn lồng ghép các ngành nghề lâu nay phim ít đề cập, như Sau phút đam mê làm về ngành nghề chạm khắc đồ gỗ, phim Màu cát nói về những người vẽ tranh cát”.

Về phía các đơn vị nhà nước, hãng phim TFS có ba dự án dài 30 tập. NSƯT Lý Quang Trung - Giám đốc Hãng phim TFS - cho biết: “Năm 2022, hãng lên kế hoạch thực hiện phim hình sự Kẻ cơ hội, phim tâm lý xã hội Lụa và phim Bỏ vợ chuyển thể từ tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh”.

Ở phía Bắc, VFC đang triển khai ba bộ phim Anh có phải đàn ông không (đạo diễn Trịnh Lê Phong), Tháng năm thanh xuân rực rỡ (đạo diễn Vũ Minh Trí) và Về chung một nhà (đạo diễn Vũ Trường Khoa, Hoàng Tích Thiện). Theo đó, lên sóng sớm nhất là phim Anh có phải đàn ông không sẽ nối sóng phim Mặt nạ gương từ ngày 13/1/2022. Sau khi phần 1 Thương ngày nắng về kết thúc, sẽ là bộ phim chủ đề tuổi trẻ Tháng năm thanh xuân rực rỡ (ngày7/2/2022).

Điện ảnh Việt chờ đợi sự hồi sinh

Năm 2021, điện ảnh Việt đối mặt với nhiều khó khăn khi dịch bệnh có những diễn biến bất ngờ, nhiều cụm rạp trên cả nước phải tạm dừng hoạt động. Đến dịp cuối năm, ngay sau khi TP.HCM cho phép mở cửa rạp chiếu phim (19/11), điện ảnh trong nước dần có sự khởi sắc, và tín hiệu đáng mừng này dự kiến sẽ kéo dài, báo hiệu cho một năm mới hồi sinh.

Đạo diễn Lý Minh Thắng cho biết sau cao điểm dịch, tâm lý và thói quen xem phim rạp của khán giả Việt có thay đổi nhất định. Tuy nhiên, qua những diễn biến tại phòng vé dịp cuối năm, khi có một số phim bom tấn ra rạp như Spider-man No way home (tựa Việt: Người nhện không nhà) hay No time to die (Không phải lúc chết), nam đạo diễn tin rằng khán giả vẫn còn giữ thói quen muốn tận hưởng không khí xem phim tại rạp. “Tôi cho rằng, khán giả không ngại việc đến rạp xem phim. Điều quan trọng là có phim hay, phim chất lượng để họ dành thời gian thưởng thức hay không. Ở đây, câu chuyện quay về hai chữ chất lượng. Do đó, dù khó khăn, nhưng các nhà làm phim như chúng tôi sẽ không bi quan, mà tìm cách thích nghi và chờ đợi sự trở lại của rạp Việt”, đạo diễn Lý Minh Thắng chia sẻ.

Chuyện ma gần nhà ra rạp ngày 11/2
Chuyện ma gần nhà ra rạp ngày 11/2

Đạo diễn Hữu Tấn thì trông đợi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn để các nhà sản xuất (NSX) mạnh dạn đưa phim ra rạp, không phải tiếp tục dời lịch để chờ thời cơ thích hợp. Nam đạo diễn cũng nêu ra một thực tế rằng hiện tại, các nhà làm phim, các đơn vị phát hành cũng khó có thể chắc chắn thời điểm nào là lý tưởng về doanh thu để đưa phim ra rạp. Do đó, nếu có cơ hội, đạo diễn Hữu Tấn mong rằng các đơn vị mạnh dạn đưa phim đến với khán giả để có bước tạo đà, nhằm giúp thị trường phim rạp sôi động hơn.

Đến hiện tại, sau Rừng thế mạng chiếu vào dịp cuối năm và đầu năm mới 2022, nhiều NSX cũng đã lên lịch dự kiến ra mắt phim. Mở hàng, hai bộ phim chiếu tết Nguyên đán (ngày 1/2/2022) gồm 1990 của đạo diễn Nhất Trung và Chìa khóa trăm tỷ của Võ Thanh Hòa sẽ ra rạp.

Tiếp sau đó, đạo diễn Hữu Tấn và NSX Hoàng Quân sẽ giới thiệu bộ phim kinh dị Chuyện ma gần nhà vào ngày 11/2. Cùng ngày, đạo diễn Lưu Huỳnh và bộ phim lắm “truân chuyên” Người tình cũng sẽ phục vụ khán giả dịp lễ Tình nhân. Mới đây, đạo diễn Lương Đình Dũng của phim 578: Phát đạn của kẻ điên cho biết sau khi hoãn lịch chiếu trong năm 2021, NSX dự kiến ra mắt vào dịp đầu năm 2022. Phim Em và Trịnh, Bóng đè, Bẫy ngọt ngào, Người lắng nghe: Lời thì thầm, Dân chơi không sợ con rơi, Bí mật thiên đường… sau thời gian tạm hoãn ra mắt vì ảnh hưởng của dịch bệnh, những bộ phim này đều hứa hẹn sẽ trở lại trong thời gian sớm nhất.

Vào tháng 5/2022, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ ba. Những điều khoản, luật định xuất hiện trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ có tác động lớn đến giới làm phim, nghệ sĩ và người hâm mộ, bởi những tác phẩm trong giai đoạn sắp tới sẽ phải phù hợp với yêu cầu, quy định mới. Do đó, trong thời gian các cá nhân, đơn vị liên quan tiến hành tọa đàm, hội thảo để lấy ý kiến, giới làm phim đã tích cực đóng góp cho dự luật này. Trong năm 2022, có lẽ, lúc dự luật được thông qua sẽ là một trong những thời điểm quan trọng nhất của điện ảnh Việt.

Âm nhạc 2022: Mới mẻ và kỳ vọng

Sau hai năm làm mưa làm gió, nhạc rap đang có dấu hiệu bão hòa. Nhạc rock đang được đánh giá là một “nguyên liệu” tiềm năng có sức bật lớn trong năm tới đây. Thể loại âm nhạc từng thịnh hành trong thập niên 1990, những năm 2000 sẽ được tiếp cận với khán giả đại chúng thông qua show truyền hình thực tế Rock Việt, sẽ lên sóng vào tháng 1/2022. Hai năm trước, nhạc rap cũng từng “bùng lên” thành cơn sốt theo mô-típ này. Giữa bối cảnh thị trường âm nhạc thiếu món mới, các thể loại âm nhạc độc, lạ đang có nhiều thế mạnh để cạnh tranh. Hiện, đã có thêm một NSX dự định sản xuất chương trình về nhạc rock. Ngoài ra, dự kiến sẽ có hai show nhạc rock quy mô sẽ được tổ chức trong năm tới. Trong lễ hội âm nhạc chào năm mới 2022, ban nhạc Ngũ Cung, Bức Tường… sẽ xuất hiện, đánh dấu sự mở đầu đầy hứa hẹn của dòng nhạc này.

Một lợi thế của nhạc rock là hiện có những nhóm trẻ, tiềm năng, được thành lập trong khoảng vài năm trở lại đây như: Mèow Lạc, Raccoon, Whee… Đạo diễn Trịnh Bá Linh: “Thời gian qua, rock Việt như một dòng suối ngầm, vẫn chảy âm ỉ. Thị trường hiện thay đổi không ngừng. Thời gian qua là sự chuẩn bị, ẩn mình để nhạc rock bùng nổ trở lại. Sự cộng hưởng của nhà tài trợ, đài truyền hình, ê-kíp sản xuất… sẽ giúp dòng nhạc này có cơ hội được đón nhận trở lại, tương tự nhiều dòng nhạc đã từng nổi lên trước đó”.

Tuy nhiên, theo đại diện Universal Music Vietnam, pop và ballad vẫn chiếm ưu thế. Trong đó, nhạc pop sẽ có nhiều cách thể nghiệm khác nhau đến từ các nhân tố trẻ. Trong đó, việc kết hợp các chất liệu truyền thống sẽ trở thành xu hướng phổ biến hơn.

4 trong 6 huấn luyện viên của Rock Việt, gồm: Đỗ Hoàng Hiệp, Phương Thanh, Trần Tuấn Hùng, Phạm Anh Khoa (từ phải sang)
4 trong 6 huấn luyện viên của Rock Việt, gồm: Đỗ Hoàng Hiệp, Phương Thanh, Trần Tuấn Hùng, Phạm Anh Khoa (từ phải sang)

Gần đây, ca sĩ Phùng Khánh Linh ra mắt Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Ca sĩ Hoàng Thùy Linh cũng chào sân năm mới 2022 với chất liệu dân gian. K-ICM, Hương Ly, Rtee… một số cái tên được yêu thích gần đây cũng liên tục cho ra mắt sản phẩm theo phong cách này. 

Show ca nhạc sẽ phát triển đồng thời hai hình thức: trực tuyến và trực tiếp. Trong đó, các đêm diễn trực tiếp sẽ có số lượng khán giả giới hạn vì dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Ca sĩ Mỹ Tâm sẽ khởi động năm 2022 với loạt đêm diễn trực tuyến cho dự án âm nhạc Acoustic & Lofi-Chill. Phòng trà online cũng có hai đêm diễn trực tuyến vào tháng Hai, Ba. Show nhạc trực tuyến In the Mirror diễn ra trung tuần tháng 1/2022. Show Sao trên đỉnh đầu cũng được tổ chức vào đầu tháng Một tới đây.

Tháng 1/2022, show trực tiếp nhạc Em và Trịnh - chuyện những nàng thơ sẽ diễn ra nhiều đêm tại các thành phố: Đà Lạt, Huế, Hà Nội và Cần Thơ. The Show Vietnam tổ chức định kỳ hai mini show/tháng và một show lớn/quý… Đạo diễn, NSX Vân Trình nhận định trong hai năm gần đây, khán giả đã dần chịu chi tiền cho việc nghe nhạc trực tiếp, các show biểu diễn. Đó là tín hiệu đáng mừng. Anh đánh giá nếu trong khoảng sáu tháng tới, dịch bệnh ổn định sẽ là lúc các show âm nhạc trở lại rầm rộ, nhộn nhịp.

Trong khi các đơn vị sản xuất đang trong tâm thế sẵn sàng, thì khán giả cũng có nhu cầu được giải trí. Hai yếu tố này gặp nhau sẽ giúp thị trường biểu diễn âm nhạc có cơ hội phục hồi. Làng nhạc Việt đang có sự trẻ hóa rõ nét. Trong đó, những cái tên thuộc thế hệ gen Z đang ngày càng vươn lên mạnh mẽ. Năm vừa qua, có thể thấy Mỹ Anh, Juky San, Wren Evans, Amee, Nal… liên tục có nhiều dấu ấn trong lòng khán giả qua những ca khúc đình đám, có đến hàng chục triệu lượt nghe, xem trên YouTube lẫn các bảng xếp hạng như: Pillars, Thích em hơi nhiều, Rồi tới luôn, Tiny love…

Trong đó, một số cái tên đã được sự hậu thuẫn của các đơn vị nhạc số để quảng bá hình ảnh ở khu vực Đông Nam Á, hoặc sang Mỹ để góp phần gia tăng thêm cơ hội. Chắc chắn, thời gian tới sẽ là cơ hội vàng để nhóm này tiếp tục gia tăng sự ảnh hưởng.

Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường nhận định: “Các bạn trẻ, đặc biệt thế hệ gen Z có tư duy khá thú vị, dám nghĩ, dám làm. Điều đó góp phần không nhỏ giúp họ có những bước tiến xa, trong khi thị trường cần những sự mới mẻ đó”.

Nhóm phóng viên Văn hoá Văn nghệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI