Vận động phụ huynh làm công trình trường học: Đâu là điểm dừng của xã hội hóa?

13/09/2017 - 12:31

PNO - Cha mẹ học sinh (CMHS) gọi cái hội của mình - Hội phụ huynh (PH) là hội… phụ thu, vì từ lâu cái hội này đã không còn đại diện cho quyền lợi PH và học sinh (HS) nữa.

Thay vào đó, Hội “thay mặt” nhà trường vận động các khoản đóng góp nằm ngoài quy định. Chủ trương xã hội hoá đang dần bị biến tấu tại nhiều trường học.

Van dong phu huynh lam cong trinh truong hoc: Dau la diem dung cua xa hoi hóa?
Một công trình của Ban đại diện CMHS

Hội phụ huynh - hội “vẽ” công trình?

Anh Q.B., PHHS lớp 3 Trường tiểu học Hòa Bình (Q.1) vô cùng bực bội sau khi tham gia cuộc họp PH đầu năm học. Nội dung chính xoay quanh buổi gặp gỡ quan trọng này vẫn là đóng bao nhiêu tiền, làm công trình gì cho năm học mới?

“Hội PHHS chứ không phải hội phụ thu hay thợ vẽ đâu mà vẽ ra lắm thứ chuyện, công trình để đóng góp. Cứ đi họp là bầu ra ban đại diện CMHS. Cũng từ cái hội này mà phát sinh máy lạnh, dụng cụ, thiết bị, sàn gỗ… Ngộ là mỗi năm những thứ này lại hư, lại phải đóng góp. Thế tiền cơ sở vật chất đóng đầu năm đâu? Các khoản thu hàng tháng xài hết chưa?”, anh Q.B. bức xúc nói.

Mới đây, anh lại nhận được thư ngỏ của ban đại diện CMHS lớp về việc xin ý kiến lắp sàn gỗ cho lớp bởi buổi họp trước đó không đủ thời gian để thống nhất nội dung này. Để làm sàn gỗ, chi phí cần khoảng 14 triệu đồng, chia bình quân ra mỗi HS đóng 400.000đ. Anh B. đã viết thẳng ý kiến không đồng ý vào đó. Theo anh, “nhà tôi không khó khăn, tôi sẵn sàng đóng góp số tiền lớn hơn nếu thấy hợp lý. Nhưng tôi không chọn sự thỏa hiệp cho bằng chị bằng em như nhiều PH khác, rồi con cái sẽ quen với kiểu “lách luật” này, ỷ lại vào tiền của cha mẹ”. 

Chị D.M. có con mới vào lớp 1 Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q.Gò Vấp) “hoảng hồn” vì các khoản thu đầu năm học. Các khoản “chính quy” có phiếu thu như học phí bán trú, vệ sinh phí, tiền ăn thu theo quy định là 1.790.000 đồng. Ngoài số tiền trên chị còn phải đóng thêm 700.000 đồng để trang bị tủ đựng mền gối, ốp gạch, sơn tường, mua rèm cửa… Theo chị, đó là mức tối thiểu tạm tính cho lớp 49 bé. Ở lớp con chị, có nhiều PH đóng góp nhiều hơn con số tối thiểu này. “Hai đứa con đi học, chưa tính tiền sách vở, quần áo, chỉ riêng tiền trường đầu năm đã hết tháng lương của mình rồi. Nghe họp PH là thấy ngán”, chị M. cho biết.

Chị T., PH Trường tiểu học Ngô Quyền (Q.Bình Tân) tá hỏa khi nhận được thông báo đóng tiền của đứa con mới vào lớp 1. Chị than: “Mới đầu năm chưa học, đóng tiền gắn máy lạnh sửa chữa lớp bán trú hết 2 triệu đồng. Vào học, lại đóng 2.246.000 đồng, chưa biết sắp tới còn đóng gì nữa không. Trong các khoản, tôi thấy khó hiểu ở chỗ một HS sao phải đóng đến 3 khoản học tiếng Anh (gồm Anh văn  tăng cường, Anh văn bổ trợ, Anh văn bản ngữ). Ngoài ra còn có 3 loại quỹ xã hội hóa là quỹ Ban đại diện CMHS, quỹ tài trợ, quỹ khuyến học, không hiểu để làm gì mà quá nhiều loại quỹ như thế!”.

Khó xóa “truyền thống”

Trên các diễn đàn làm cha mẹ, PH chia sẻ kinh nghiệm, đây là thực trạng không riêng trường nào bởi hội PH từ lâu đã không còn đại diện cho quyền lợi PH và HS nữa. Họ chọn đứng về phía nhà trường, “thay mặt” trường vận động các khoản đóng góp nằm ngoài quy định. Trên lý thuyết, các khoản vận động này không liên quan đến ban giám hiệu, nó xuất phát từ nhu cầu PH, tự vận động… Nhưng thử hỏi nếu thiếu cái “gật đầu” của ban giám hiệu thì liệu ban đại diện nào dám thu! Và khi đã vận động thì rất hiếm PH dám từ chối.   

Mới đây, PH một trường tiểu học ở Hà Nội thẳng thắn từ chối khi trường thông báo mức đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm thân thể khoảng 600.000đ/ HS. Vị PH tên Phạm Văn P. cứng rắn phản pháo: “Nhà trường là nơi dạy chữ cho HS, không phải công ty kinh doanh bảo hiểm. Nếu có nhu cầu mua bảo hiểm sẽ chủ động liên hệ công ty bảo hiểm mà tôi tín nhiệm chứ nhất định không thông qua trung gian”. Đồng thời, vị PH này cũng yêu cầu nhà trường ngừng làm phiền PH bằng những việc làm không đúng chức năng tương tự.

Hiệu trưởng một trường THCS cũng thừa nhận, rất khó cấm PH vận động công trình xã hội hóa. Kinh phí được cấp chỉ dựa trên những hoạt động cơ bản như lương giáo viên, chi thường xuyên… không đủ để chăm lo chu đáo cho HS. Trong khi PH muốn con được học lớp máy lạnh, phòng đẹp, nhà vệ sinh thân thiện… Nhu cầu cao hơn thì buộc phải vận động xã hội hóa thêm.

Ông Đặng Đức Hoàng, Trưởng phòng Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) quận 11 cũng thừa nhận, xã hội hóa giúp trường lớp nhiều mặt, nhưng làm như thế nào cho tốt là một chuyện khác. Mục đích là muốn phục vụ HS mà bị phản ứng ngược nghĩa là đã có gì đó không ổn, chưa đúng. Theo ông Hoàng, năm nay, phòng GD yêu cầu ban đại diện các trường muốn làm công trình phải có văn bản trình lên phòng GD và phòng Tài chính.

Hai đơn vị này cùng xem xét sự đồng thuận của PH, độ hợp lý của công trình, chi phí… Thấy công trình cần thiết mà ngân sách chưa với tới và PH đồng ý thì xin chủ trương Ủy ban cho phép làm. Quy trình này nhiêu khê nhưng sẽ hạn chế được chuyện “vẽ” công trình vận động. 

Sở GD-ĐT TP.HCM lưu ý các trường phải căn cứ tình hình thực tế của trường về điều kiện vật chất, nhu cầu của PH... để xây dựng dự toán chi, mức thu phù hợp. Đối với các khoản thu thỏa thuận, yêu cầu nhà trường phải thống nhất trước với PH, giãn thời gian thu, thực hiện việc công khai và cấp biên lai thu tiền cho từng HS.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI