Vận chuyển hàng thiết yếu vào TPHCM: Có “luồng xanh” nhưng phải khép kín và đồng bộ

12/07/2021 - 06:47

PNO - Người dân nhiều khu vực tại TPHCM vẫn khó mua nông sản, thực phẩm dù chấp nhận giá cao, trong khi nhiều vùng trồng nông sản thì lâm vào cảnh bán nhưng không có thương lái nào mua.

Ngoài thừa, trong thiếu

Ông Hoàng Thanh Hải - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Hải Nông (H.Củ Chi) chuyên sản xuất, kinh doanh nông sản - cho biết, khi có thông tin các chợ đầu mối đóng cửa, HTX đã giảm tỷ lệ sản xuất chỉ còn 30 - 50% nhưng không ngờ sức tiêu thụ cao khiến HTX thiếu sản phẩm để cung cấp. Từ khi thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, việc kết nối với các nhà cung cấp tại Đà Lạt, Tây Nguyên, miền Tây, thậm chí các tỉnh lân cận TPHCM như Long An, Tây Ninh gặp nhiều khó khăn. Mặc dù nhu cầu của thị trường rất lớn nhưng HTX đang phải tạm ngưng nhập nông sản các tỉnh, chỉ kinh doanh nguồn hàng mình trồng được, nhưng sản lượng rất thấp. 

Nguồn hàng khan hiếm, chi phí vận chuyển bị đội lên (do có thêm chi phí xét nghiệm COVID-19), giá đầu vào cao nên buộc giá bán ra của HTX phải tăng. Ông Hoàng Thanh Hải ví dụ, hiện tại giá cà chua tại HTX bán ra tới 50.000 - 60.000 đồng/kg, ớt gần 100.000 đồng/kg… Sáng 11/7, giá bán sỉ bí đao là 25.000 - 30.000 đồng/kg; bầu bí, dưa leo đều trên 20.000 đồng/kg. Tiểu thương lấy hàng về bán lẻ lên 40.000 đồng/kg, tính ra giá tăng gấp đôi so với khoảng hai tuần trước.

Các chuyên gia cho rằng cần tổ chức thông suốt khâu lưu thông, giá nông sản tại TP.HCM sẽ nhanh chóng ổn định  trở lại (người tiêu dùng mua sắm ở siêu thị Lotte Mart Q.Tân Bình) - ảnh: T.Hoa
Các chuyên gia cho rằng cần tổ chức thông suốt khâu lưu thông, giá nông sản tại TPHCM sẽ nhanh chóng ổn định trở lại (người tiêu dùng mua sắm ở siêu thị Lotte Mart Q.Tân Bình) - ảnh: T.Hoa

Trước đây, HTX thường xuyên làm các gói rau hỗ trợ cho các điểm bị cách ly với giá 5.000 - 6.000 đồng/kg (giá mua vào và bán ra như nhau) nhưng hiện tại giá nông sản đầu vào quá cao nên HTX phải tạm ngưng. “Sáng nay, đối tác từ Đắk Nông gọi xuống nói rằng giá bắp cải, su hào, bầu bí, dưa leo, khoai lang… chỉ vài ngàn đồng/kg nhưng không có cách nào đưa xuống TPHCM. Nếu có đưa xuống được thì giá thành cũng đội lên thành hơn 30.000 đồng/kg. Việc vận chuyển hàng hóa quá khó khăn khiến giá nông sản tại vùng sản xuất rất rẻ nhưng tới tay người tiêu dùng TPHCM lại rất cao”, ông Hoàng Thanh Hải nói. 

Ông Ðào Văn Ðức, Phó Giám đốc HTX Phước An, cho biết thêm, HTX chuyên cung cấp rau cho các siêu thị, các điểm đang bị phong tỏa tại TPHCM nhưng nguồn cung không đủ. Theo ông Đào Văn Đức, đã rất nhiều năm việc luân chuyển nông sản, thực phẩm cho thị trường TPHCM thông qua các chợ đầu mối nên việc các chợ đầu mối dừng hoạt động đột ngột đã không tránh khỏi việc gây gián đoạn. Do vậy chỉ khi chợ đầu mối hoạt động lại bình thường kết hợp với biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, thực phẩm từ các tỉnh về lại TP.HCM bình thường, giá hàng hóa, thực phẩm sẽ lập tức ổn định. “Hiện các HTX và doanh nghiệp (DN) tốn khá nhiều chi phí xét nghiệm COVID-19 nên giá nông sản vận chuyển về đến TP.HCM bị đội lên. Do đó, cần làm sao giảm chi phí này để vừa hỗ trợ DN, người nông dân trồng trọt và cả người tiêu dùng”, ông Đào Văn Đức nói. 

Còn ông Nguyễn Công Thừa, đại diện Công ty cổ phần Rau Anh Đào (TP.Đà Lạt) - cho hay: “Đường lưu thông ra, vào đã được hỗ trợ tốt, chỉ còn vướng ở giấy xét nghiệm COVID-19. Đã có trường hợp tài xế của công ty đi được nửa đường thì giấy xét nghiệm COVID-19 hết hạn. Do ở tỉnh khác nên không biết địa điểm xét nghiệm, tài xế loay hoay và không biết cách giải quyết. Chúng tôi phải tìm tài xế tại tỉnh đó đã có giấy xét nghiệm COVID-19 thuê chở tiếp hàng, dẫn đến chi phí đội lên. Nếu được, Nhà nước nên ưu tiên cho tài xế được tiêm chủng để họ ra, vào không cần giấy xét nghiệm nữa”. 

Không chỉ nông sản bị khan hiếm, đội giá, DN kinh doanh trứng gia cầm cũng gặp khó do giá đầu vào tăng mạnh. Bà Phạm Thị Huân - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân - cho biết, khác với cá, thịt, trứng gia cầm có thể trữ được lâu nên có hiện tượng nhiều người gom hàng, tích trữ khiến nguồn cung thiếu hụt cục bộ. Bên cạnh đó, những ngày đầu, lượng khách mua trứng quá lớn, trong khi DN vận chuyển bị chốt chặn, kiểm soát giấy xét nghiệm COVID-19 làm thời gian giao hàng bị ảnh hưởng. Hơn nữa, thực hiện giãn cách xã hội nên DN cũng giãn cách sản xuất, phải cho công nhân làm xoay tua. Số lượng người sản xuất giảm nên các công đoạn sản xuất kéo dài, có khi phải làm cả đêm tới sáng để đáp ứng nhu cầu của khách. 

Ông Trương Chí Thiện - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt - cho hay, nguồn cung cho các điểm bán thực phẩm của công ty tăng từ 2-3 lần, nhưng trứng gia cầm hiện khan hiếm không chỉ ở TPHCM mà cả ở các tỉnh, thành khác. Vĩnh Thành Đạt đã phải huy động thêm các nguồn hàng để đảm bảo cung cấp cho các điểm bán bình ổn. Tuy nhiên, hiện DN không thể cầm cự nổi vì thức ăn chăn nuôi, chi phí đầu vào đang tăng khá mạnh. Các DN đã phải đề xuất tăng giá bình ổn mặt hàng trứng gia cầm. “Chúng tôi đề xuất tăng giá bình ổn do đang phải gồng mình chịu sức ép của giá thức ăn gia súc tăng 30-40%, bao bì, xăng dầu… suốt thời gian dài vừa qua. Nay gồng hết nổi chúng tôi mới đề xuất nhưng chưa được phê duyệt”, bà Phạm Thị Huân nói. 

Giải pháp, nên hỏi doanh nghiệp 

Theo chuyên gia kinh tế thị trường Ngô Trí Long, cũng do quy trình, phương pháp kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch của nhiều tỉnh, thành chưa thống nhất nên gây khó khăn cho hoạt động vận tải. Như tại Trà Vinh, xe vào địa phận tỉnh tài xế, phụ xe phải có giấy xét nghiệm trong năm ngày, còn qua Cần Thơ thì giấy xét nghiệm trong ba ngày, qua Vĩnh Long thì giấy có hạn bảy ngày… Giải pháp hiện nay là các địa phương giáp ranh “vùng nóng” TPHCM cần phối hợp với TPHCM phân luồng, hướng dẫn xe tại các chốt kiểm dịch. 

“Mới đây TPHCM có văn bản hướng dẫn tạo “luồng xanh” cho phương tiện vận chuyển hàng hóa vào TPHCM. Theo đó, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành sẽ tổng hợp, cung cấp danh sách xe vận chuyển hàng hóa, thực phẩm thiết yếu đi qua địa bàn TPHCM cho Sở Giao thông Vận tải TPHCM để cấp giấy nhận diện cho phương tiện, tạo luồng xanh cho các phương tiện ưu tiên. Tôi cho rằng, giải pháp này là đúng đắn và sẽ có hiệu quả. Tuy nhiên, việc cấp giấy nhận diện phương tiện này còn khá lâu, phải đăng ký 24 tiếng đồng hồ, nếu được nên rút ngắn thời gian này. Nên phối hợp làm sao khi có giấy nhận diện này, các phương tiện vẫn không cần phải dừng lại kiểm tra”, chuyên gia Ngô Trí Long đề xuất. 

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, hàng hóa vào TPHCM không chỉ liên quan đến tiêu dùng mà còn là nguyên liệu để sản xuất nên cần phải duy trì lưu thông thông suốt. Theo ông, việc yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính về mặt y tế không có giá trị, bởi giấy này chỉ có giá trị cho đến khi chưa nhiễm, không gì đảm bảo có giấy xét nghiệm này người dân không nhiễm, không làm lây lan. Hơn nữa, giấy này có thời hạn ngắn dẫn đến một nửa thời gian là đi xin giấy này, vừa tốn tiền, vô hình trung cản trở lưu thông hàng hóa. Giải pháp tốt nhất hiện nay là bỏ quy định giấy xét nghiệm này. Đồng thời, cần thiết lập “luồng xanh” giao thông khép kín chuyên vận tải hàng hóa vào TPHCM - tức là người tham gia giao thông ở “luồng xanh” này không tiếp xúc với cộng đồng, được tiêm đầy đủ vắc-xin, có giải pháp đảm bảo an toàn đồng bộ. 

“Một khi thành lập “luồng xanh” này thì không nhất thiết phải có giấy xét nghiệm COVID-19 nữa. Nếu đã lập “luồng xanh” nhưng vẫn yêu cầu phải có giấy xét nghiệm COVID-19 thì các xe này vẫn bị bắt dừng lại kiểm tra, khi đủ giấy tờ mới cho qua cũng kéo dài thời gian lưu thông hàng hóa”, chuyên gia Vũ Đình Ánh nói. 

Ông Nguyễn Anh Đức - Giám đốc Saigon Co.op - thông tin thêm, hiện Saigon Co.op đã được cấp giấy thông hành “luồng xanh” nên việc lưu thông cũng đã khá hơn cách đây vài ngày. Đồng thời, Saigon Co.op cũng đã thiết lập thêm các kho chứa hàng trong nội đô thành phố để lưu thông hàng hóa tốt hơn, thay vì chỉ ở tỉnh Bình Dương như trước kia. “Trước đây, DN giao trứng tận nơi cho siêu thị. Nhưng nay, để tránh thêm chi phí qua các khâu trung gian, siêu thị trực tiếp đến DN lấy trứng. Nhờ vậy, tình hình lưu thông cung ứng trứng đến các siêu thị đã dần ổn định”, bà Phạm Thị Huân cho hay. 

Chưa tăng giá trứng gia cầm bình ổn thị trường

Theo Sở Tài chính TPHCM, các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường TPHCM đề xuất được điều chỉnh tăng giá bán mặt hàng trứng gia cầm. Cụ thể, trứng gà loại 1 điều chỉnh tăng 1.500 - 2.630 đồng/chục, trứng vịt loại 1 tăng 2.000 - 2.420 đồng/chục. Sở đã xem xét diễn biến giá nguyên liệu trứng gia cầm tăng, giá bán lẻ mặt hàng trứng gia cầm đã đủ điều kiện điều chỉnh giá theo quy định của chương trình. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, tình hình dịch diễn ra phức tạp, nếu điều chỉnh giá bán mặt hàng trứng gia cầm bình ổn sẽ tác động vào tình hình giá thị trường, tâm lý người tiêu dùng. Nên việc điều chỉnh giá các mặt hàng trứng gia cầm tham gia chương trình bình ổn thị trường sẽ được điều chỉnh vào thời gian phù hợp khác. 

Thanh Hoa - Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI