Vải thiều: Được mùa, chỉ lo đầu ra

25/05/2022 - 06:27

PNO - Vải thiều ở H.Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang năm nay dự báo được mùa. Tuy nhiên các chủ vườn lại khá lo lắng về đầu ra khi Trung Quốc vẫn kiên trì chính sách “Zero COVID”.

Đầu ra có thể gặp khó 

Nhìn vào những chùm trái vải xanh bắt đầu chuyển màu, sai trĩu trịt, ông Phạm Liên (H.Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) nhẩm đoán, vụ mùa này, vườn vải của gia đình ông sẽ đạt tổng sản lượng khoảng 40 tấn: “Nhà tôi có 2ha vải sắp thu hoạch. Năm nay, lượng trái vải không bằng năm ngoái nhưng vẫn được mùa. Lúc này, các đầu mối tiêu thụ trong nước đã liên hệ để mua vải. Một vài doanh nghiệp (DN) xuất khẩu và thương nhân cũng đã về địa phương để đặt mua. Mức giá cho loại vải đẹp khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg, bằng với các năm trước”.

Vườn vải của gia đình ông Liên được canh tác theo tiêu chuẩn Việt Nam (VietGAP) và thế giới (GlobalGAP), giá bán cao hơn từ 15 - 25% so với vải trồng theo phương pháp truyền thống. Người trồng vải không quá lo lắng về đầu ra khi đã có hợp tác xã và các công ty xuất nhập khẩu hỗ trợ tiêu thụ. Tuy nhiên, việc Trung Quốc đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng vải thiều, đặc biệt là về nguồn gốc, xuất xứ và mã số vùng trồng, mã số đóng gói khiến người trồng vải e ngại. Chính sách “Zero COVID-19” của Trung Quốc cũng sẽ là một trở ngại đối với việc xuất khẩu vải thiều.

Nông dân chăm sóc vải thiều ở H.Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, cao điểm thu hoạch chính vụ dự kiến vào giữa tháng 6/2022 - ẢNH: N.L
Nông dân chăm sóc vải thiều ở H.Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, cao điểm thu hoạch chính vụ dự kiến vào giữa tháng 6/2022 - ẢNH: N.L

Ông Tăng Văn Huy - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) H.Lục Ngạn - cho hay, sản lượng vải năm nay thấp hơn năm ngoái nhưng không đáng kể. Dự kiến, tổng doanh thu từ vụ vải này là 2.500 - 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức doanh thu này còn phụ thuộc vào sức mua của các thương nhân, DN và thị trường Trung Quốc. 

Ông Tăng Văn Huy nói: “Thị trường Trung Quốc tiêu thụ khoảng 40% lượng vải thiều xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, đến nay, Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách “Zero COVID” nên việc xuất khẩu sang nước này có thể gặp khó khăn, ảnh hưởng chung tới toàn thị trường vải của huyện nếu không có giải pháp tháo gỡ sớm”.

Đã có "phương án B" cho vải xuất khẩu

Theo ông Tăng Văn Huy, ngay từ năm 2021, khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, căng thẳng, UBND huyện đã chủ động hỗ trợ người dân xây lò sấy vải: “Nếu cửa khẩu đóng, thị trường Trung Quốc không tiếp nhận vải thì các hộ nông dân vẫn có thể sấy vải để tích trữ. Về giá trị kinh tế, vải sấy không thua kém vải tươi. Cả huyện hiện có khoảng 3.500 lò sấy”.

Vừa qua, theo đề nghị của UBND huyện, 103 thương nhân Trung Quốc đã được cơ quan chức năng cấp phép vào Việt Nam để thu mua vải Lục Ngạn. Đầu tháng Năm, huyện cũng đã đề xuất cấp phép cho thêm 35 thương nhân khác của Trung Quốc. “Chính quyền đang làm mọi cách để giúp dân đảm bảo đầu ra cho trái vải. Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện cho các DN, thương lái, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông để việc thu mua được thuận lợi nhất” - ông Tăng Văn Huy cho hay. 

Ông Nguyễn Thế Thi - Phó Chủ tịch UBND H.Lục Ngạn - thông tin thêm, bên cạnh việc tăng cường kiểm soát về dịch COVID-19, phía Trung Quốc đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng vải thiều, đặc biệt là về nguồn gốc, xuất xứ và mã số vùng trồng, mã số đóng gói. Để đảm bảo chất lượng vải thiều xuất khẩu, UBND huyện đã cùng với các cơ quan liên quan thường xuyên chỉ đạo, giám sát các mã số vùng trồng. Ngoài Trung Quốc, năm 2022, UBND tỉnh, huyện cũng xúc tiến việc xuất khẩu vải Lục Ngạn sang các thị trường khác như Mỹ, châu Âu (EU), Nhật, Lào, Campuchia… 

UBND H.Lục Ngạn cũng phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang khảo sát thị trường ở cửa khẩu các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, các chợ đầu mối lớn và cửa khẩu quốc tế ở miền Nam để tổ chức cung ứng vải thiều cho các tập đoàn, DN lớn trong nước. 

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang, năm nay, tỉnh Bắc Giang có 28.300ha vải thiều, trong đó vải sớm 6.750ha, vải thiều chính vụ 21.550ha. Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.400ha, theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 102ha. Tỉnh cũng duy trì 149 mã số vùng trồng với diện tích 15.800ha xuất khẩu sang Trung Quốc; 18 mã số vùng trồng với diện tích 218ha xuất khẩu sang Mỹ, Úc, EU; 30 mã số vùng trồng với diện tích 219,4ha xuất khẩu sang Nhật Bản; cấp mới 5 mã số vùng trồng với diện tích 50ha để xuất khẩu sang Nhật Bản và thị trường khác có yêu cầu về mã số vùng trồng.

Vải sớm Thanh Hà được giá, được mùa
Là vùng vải lớn thứ hai của cả nước, tỉnh Hải Dương đang vào vụ thu hoạch vải sớm. Toàn tỉnh hiện có khoảng 9.700ha vải thiều, tập trung chủ yếu ở H.Thanh Hà và TP.Chí Linh. Giống vải chín sớm được người dân thu hoạch là vải u trứng trắng. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vải u trứng trắng chín sớm được thương lái thu mua tại vườn với giá 80.000 - 100.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với mọi năm. Vải này có giá cao là do mất nhiều công chăm sóc, quả mọng, ngọt, chín sớm nhất, số trái trên mỗi chùm không nhiều. 

Ông Lê Văn Hòa - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Vĩnh Lập, H.Thanh Hà - cho biết, toàn xã có trên 300ha trồng vải, chủ yếu là vải u hồng và u trứng trắng. Vải u trứng trắng được thu hoạch từ ngày 10 - 25/5, vải u trứng gai từ ngày 18 - 30/5, vải tàu lai từ ngày 1 - 10/6, còn vải thiều chính vụ từ ngày 10/6 đến 5/7. Dự tính, tổng sản lượng vải của toàn xã năm nay đạt hơn 3.000 tấn. Với giá vải chín sớm đang ở mức cao như hiện nay, dự kiến tổng lợi nhuận từ cây vải của nông dân xã Vĩnh Lập sẽ đạt gần 100 tỷ đồng.

Ngọc Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI