"Vắc xin sẽ giúp chúng ta sống chung an toàn với COVID-19"

20/08/2021 - 19:06

PNO - Trước những biến chủng mới của SARS-CoV-2, con người phải tính đến khả năng sống chung an toàn với COVID-19. Có thể rồi ai cũng sẽ một lần mắc COVID-19.

Chiều 20/8, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao phối hợp Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức Tọa đàm trực tuyến lần 2 với chủ đề: Chuyên gia kiều bào chung tay vượt đại dịch – Vắc xin Made in Việt Nam.

Tại tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân (Kiều bào Mỹ) - Giám đốc khoa học Công ty IGY Life Sciences, Giáo sư kiêm nhiệm Đại học Arizona (Hoa Kỳ) có những ý kiến đáng chú ý về đại dịch COVID-19. Theo ông, Với tốc độ sản sinh ra những biến chủng mới, có thể con người phải tính đến khả năng sống chung sao cho an toàn với COVID-19. Nhất là với biến chủng Delta, để đạt đến miễn dịch cộng đồng rất khó. Có thể trước hay sau, sớm hay muộn, ai cũng sẽ một lần nhiễm SARS-CoV-2. Trong trường hợp này, vắc xin sẽ giúp chúng ta sống chung an toàn với COVID-19.

Vắc xin là một trong những cách giúp con người sống an toàn với COVID-19. Ảnh: Hiếu Nguyễn
Vắc xin là một trong những cách giúp con người sống an toàn với COVID-19 - Ảnh: Hiếu Nguyễn

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân bày tỏ ngay quan điểm của mình về vấn đề đang gây tranh cãi hiện nay ở Việt Nam. Đó là nên cấp phép khẩn cấp cho vắc xin Nano Covax của công ty Nanogen (TPHCM). Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân đưa ra 4 cơ sở cho quan điểm của mình, đó là dựa vào tiêu chí an toàn; hiệu quả; khả năng sản xuất và lợi ích.

Ở tiêu chí an toàn, vắc xin Nano Covax, theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, đây là loại vắc xin chỉ cho hệ miễn dịch tiếp xúc với 1 thành phần duy nhất là phân tử gai (spkie protein) của SARS-CoV-2 để cơ thể tạo ra kháng thể bảo vệ (giống như vắc xin mRNA của Moderna hay Pfizer). Trong khi đó, các vắc xin dùng công nghệ Adenovirus như AstraZeneca, J&J, Sputnik V thách thức hệ miễn dịch bởi cả các thành phần khác của adenovirus (khoảng 15 protein chính). 

TS Nguyễn Hữu Huân tham gia hội thảo trực tuyến chiều 20/8/2021.
TS Nguyễn Hữu Huân tham gia hội thảo trực tuyến chiều 20/8/2021.

Ở tiêu chí hiệu quả, vắc xin Nano Covax có kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 phù hợp với kết quả kiểm thử nghiệm giai đoạn 1 và 2. Kết quả thử nghiệm giai đoạn 2 cho thấy Nano Covax tạo kháng thể trung hòa tốt (kháng thể trung hòa tốt liên quan đến tác dụng bảo vệ).

Ở khả năng sản xuất, vắc xin Nano Covax có nhiều sản phẩm đang lưu hành được sản xuất bằng công nghệ tái tổ hợp dùng để tiêm tĩnh mạch – những sản phẩm đòi hỏi chất lượng và độ tinh khiết cao. Vì vậy, Nanogen có thể sản xuất được vắc xin đảm bảo chất lượng.

Ở tiêu chí lợi ích, việc cho phép sử dụng đại trà vắc xin Nano Covax tại thời điểm này có rủi ro rất nhỏ (nếu có thì theo lí thuyết cũng thấp hơn các vắc xin đang được lưu hành) nhưng mang lại lợi ích lớn.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thái (kiều bào Mỹ), nhà khoa học về y sinh, đồng sáng lập TransMed-VN cũng ủng hộ việc cấp phép khẩn cấp cho vắc xin Nano Covax dựa trên tính an toàn và tính sinh miễn dịch. Nhưng để được cấp phép cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan phụ trách về nghiên cứu sinh học, có khả năng đánh giá kỹ thuật, kết quả của Nano Covax, cơ quan về dịch tễ học, thống kê… Việc cho phép sử dụng phải linh động, dựa trên một yếu tố, một góc độ có giá trị của vắc xin Nano Covax. Trên thế giới, một số loại vắc xin được cấp phép khẩn cấp cũng dựa trên sự linh động này.

Tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax cho tình nguyện viên ở Long An.
Tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax cho tình nguyện viên ở Long An.

Tại hội thảo này, Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn (Pháp) giải thích thêm vì sao nên ưu tiên tiêm vắc xin cho những đối tượng nguy cơ. Theo ông, số giường hồi sức tích cực là có giới hạn. Nếu không được tiêm vắc xin, những đối tượng có nguy cơ sẽ mắc bệnh và tràn ngập tất cả những giường hồi sức tích cực. Khi đó, sẽ không còn giường hồi sức tích cực cho những căn bệnh không phải COVID-19.

Miễn dịch cộng đồng là khác nhau theo từng biến chủng SARS-CoV-2. Với chủng Alpha, miễn dịch cộng đồng cần tối thiểu 70% nhưng với chủng Delta, miễn dịch cộng đồng cần ít nhất 80-85%. Tiêm ngừa vắc xin giúp hạn chế lây lan và các biến chủng. 

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI