"Tuýt còi" quấy rối phụ nữ trên đường phố

18/12/2016 - 06:30

PNO - Thành phố Buenos Aires đã thông qua đạo luật coi quấy rối tình dục nơi công cộng là hành vi phạm pháp. Đây là động thái mang lại hy vọng làm giảm bớt tình trạng bạo lực về giới ở Argentina.

Với số phiếu thuận áp đảo, mới đây thành phố Buenos Aires đã thông qua đạo luật coi quấy rối tình dục nơi công cộng là hành vi phạm pháp. Đây là động thái mang lại hy vọng làm giảm bớt tình trạng bạo lực về giới ở Argentina.

Aixa Rizzo, một thiếu nữ Argentina, tải lên YouTube một video mô tả “trải nghiệm ghê tởm” của mình với những kẻ quấy rối phụ nữ nơi công cộng, tiếng Tây Ban Nha gọi là piropos. Đây là thực trạng khá phổ biến ở địa phương khi nhóm đàn ông công khai bình luận khiếm nhã về những người phụ nữ đi ngang qua họ trên đường phố.

Trong video, Rizzo mô tả các nam công nhân tại một công trường xây dựng phía trước cửa nhà cô hàng ngày đưa ra những bình luận khiếm nhã đối với cô. Sự quấy nhiễu leo thang khi một ngày nọ ba công nhân bám theo Aixa và cô phải dùng bình xịt hơi cay để xua đuổi họ.

Aixa Rizzo trên đường phố Buenos Aires. Video ghi lại trải nghiệm của cô khi bị những người lạ quấy rối đã thúc đẩy các nhà làm luật nước này thông qua luật cấm quấy rối ở nơi công cộng - ẢNH: AP

Khi cô gái báo với cảnh sát về vụ việc, họ cũng không thể giúp đỡ gì vì không có luật xử lý những hành vi này. Báo chí Argentina khẳng định, chính video ghi lại câu chuyện Aixa Rizzo bị những người lạ quấy rối đã thúc đẩy việc ra đời của đạo luật.

Luật mới cũng giải tỏa nỗi uất ức của những cô gái như Ju Santa Rosa Cobos. Khi cô mới 11 tuổi, lần đầu tiên bị một nhóm đàn ông trêu chọc trên đường phố lúc cô đạp xe ngang qua một công trường xây dựng ở Buenos Aires. Nhóm công nhân này buông ra những bình luận khiếm nhã về cơ thể cô.

Khi Rosa về nhà, cha cô - người lái xe đi sau cô - đã cảnh báo con gái không bao giờ đáp lại những chọc ghẹo kiểu như thế. Cha cô khuyên không nên kích động sự giận dữ của kẻ quấy rối, nhưng điều đó khiến cô cảm thấy bất lực, vì không thể buộc tội người làm điều xấu xa.

Trước đó, theo một đạo luật được thông qua tại Peru tháng 3/2016, phụ nữ có thể báo cảnh sát hành vi quấy rối, sau đó một thẩm phán sẽ đánh giá yêu cầu bồi thường và quyết định có bỏ tù người vi phạm hay không. Chất xúc tác đưa đến luật này là một sự cố xảy ra năm 2015 với nữ ca sĩ kiêm diễn viên nổi tiếng của Peru, Magaly Solier.

Cô Solier khai với cảnh sát rằng một người đàn ông đã thủ dâm sau lưng cô trên một chiếc xe buýt đông nghẹt người ở thủ đô Lima. Người đàn ông được nhận dạng, nhưng thẩm phán quyết định không cáo buộc anh ta vì “không có tiếp xúc vật lý”. Điều phi lý này thúc đẩy sinh ra luật chống quấy rối tại nơi công cộng ở Peru.

Việc Buenos Aires vừa thông qua dự luật cấm quấy rối đường phố được coi là thắng lợi lớn nhất từ trước đến nay đối với Acción Respeto - tổ chức nhiều năm qua đi đầu trong cuộc đấu tranh chống quấy rối phụ nữ , hành vi được coi là “quen thuộc” đối với người dân đô thị Nam Mỹ.

Trước khi thành luật, từ tháng 6/2016, nghị sĩ Victoria Donda Pérez đã trình Quốc hội dự luật buộc những kẻ quấy rối phụ nữ nơi công cộng vào hành vi phạm tội bị trừng phạt. Theo đó, các piropos sẽ đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 7.000 peso Argentina (775 USD) nếu bị buộc tội quấy rối tình dục bằng lời nói hay có hành động khiếm nhã đối với phụ nữ.

Luật mới tiến hành đồng thời hai cách tiếp cận là trừng phạt đi liền với giáo dục, tạo ra cách thức để phụ nữ dễ dàng báo án về hành động quấy rối trên đường phố và đòi hỏi cảnh sát nghiêm túc bắt tay giải quyết vụ việc. Những kẻ này sẽ phải nộp tiền phạt hoặc lao động công ích theo lệnh của tòa án.

Luật mới bảo vệ phụ nữ có ý nghĩa rất lớn, vì Buenos Aires vốn là một điểm nóng của vấn nạn này ở Tây bán cầu. Tháng 4/2016, Phong trào Phụ nữ Đất mẹ Mỹ Latin (MWMLA) công bố một nghiên cứu cho biết 100% phụ nữ thành phố Buenos Aires từng bị quấy rối nơi công cộng, trong đó 50% bị bình luận khiếm nhã, 59% bị các cử chỉ khiêu dâm, 47% bị đàn ông đeo bám và 37% bị những kẻ biến thái “khoe của”. Quấy rối phụ nữ nơi công cộng là vấn nạn toàn cầu.

Kết quả điều tra năm 2014 của Viện Gallup cho thấy 37% người trưởng thành ở Hoa Kỳ nói rằng họ không cảm thấy an toàn khi đi bộ một mình vào ban đêm. Tuy nhiên, nghiên cứu toàn cầu của tổ chức YouGov về tình trạng quấy rối phụ nữ trên các phương tiện giao thông công cộng ở 35 quốc gia cho thấy, New York là thành phố an toàn nhất, trong khi Bogota, thủ đô của Colombia là nơi kém an toàn nhất.

Nạn quấy rối trên các phương tiện giao thông công cộng ở London được đánh giá là rất nghiêm trọng - ẢNH: REUTERS

Năm 2016, ActionAid tiến hành khảo sát về quấy rối đường phố ở một số nước. Kết quả cho thấy 79% phụ nữ sống tại các đô thị ở Ấn Độ, 86% ở Thái Lan và 89% ở Brazil là đối tượng bị quấy rối hay bạo lực ở nơi công cộng. Đáng chú ý, con số này ở London (Anh) là 75% và ở Pháp là 100%, theo báo Telegraph số tháng 4/2015. Từ năm 2015, một loạt các quốc gia đã cố gắng dù ng hì nh phạ t để dập tắt trò quấy rối phụ nữ .

Tuy nhiên, Aurore Guieu, người phát ngôn của nhóm vận động rebel. lieus đấu tranh vì một không gian công cộng an toàn cho phụ nữ ở Bỉ, nói rằng phạt tiền không thể giải quyết nạn quấy rối trên đường phố, vì nó không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của hành vi quấy rối công cộng, “giáo dục mới là chìa khóa để đạt được điều này”.

Thanh Hải (Theo Broadly, Hufi ngton Post, AP, latina.com, stopstreetharassment.org)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI