Tuyển sinh đầu cấp không theo địa giới phường: Để trẻ đến trường thuận tiện nhất

14/04/2023 - 06:30

PNO - Lần đầu tiên TPHCM thí điểm tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024 theo bản đồ địa lý (GIS) tại quận 8, Tân Bình và TP Thủ Đức. Nhiều phụ huynh tỏ ra bối rối trước hình thức tuyển sinh mới mẻ này.

Phụ huynh băn khoăn

Chị Nguyễn Thị Mai (ngụ phường 12, quận Tân Bình) có con chuẩn bị vào lớp Một cho hay, nếu theo những năm trước thì con chị sẽ được phân vào Trường tiểu học Cách Mạng Tháng Tám nằm trên địa bàn phường 12. Lẽ ra, đến thời điểm này chị đã có thể đưa con đi tham quan trường, làm quen với thầy cô. Tuy nhiên, năm nay đổi mới cách thức tuyển sinh đầu cấp khiến đến giờ này phụ huynh vẫn chưa biết con mình sẽ học ở đâu.

Quận 8 là 1 trong 3 địa phương sẽ thí điểm tuyển sinh đầu cấp theo bản đồ GIS và không nhất thiết theo địa giới hành chính phường (trong ảnh: Học sinh lớp Một, Trường tiểu học Phan Đăng Lưu, quận 8 trong ngày đầu đến trường năm học 2022-2023) - Ảnh: Facebook Trường tiểu học Phan Đăng Lưu
Quận 8 là 1 trong 3 địa phương sẽ thí điểm tuyển sinh đầu cấp theo bản đồ GIS và không nhất thiết theo địa giới hành chính phường (trong ảnh: Học sinh lớp Một, Trường tiểu học Phan Đăng Lưu, quận 8 trong ngày đầu đến trường năm học 2022-2023) - Ảnh: Facebook Trường tiểu học Phan Đăng Lưu

“Không biết là phụ huynh sẽ được chọn trường gần nhà hay vẫn do các phòng GD-ĐT phân tuyến? Nếu không phân theo hộ khẩu và địa giới hành chính phường thì không biết sẽ dựa trên cơ sở nào?” - chị Mai băn khoăn.

Ông Trần Khắc Huy - Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình - cho hay, năm nay cùng với việc đổi mới hình thức tuyển sinh đầu cấp 100% trực tuyến, quận cũng được giao thí điểm tuyển sinh theo bản đồ GIS. Trong đó nguyên tắc là học sinh được bố trí học gần nơi cư trú, có thể xem xét không phân theo địa giới hành chính phường. Cách làm từ xưa đến nay là học sinh cư trú ở phường nào thì đương nhiên sẽ học ở trường trên địa bàn phường đó. Tuy nhiên, năm nay thực hiện căn cứ trên bản đồ GIS, xác định vị trí tọa độ từ nơi cư trú đến trường học sao cho học sinh được học ở gần nhà nhất. Cho nên học sinh cư trú ở phường A chưa chắc học ở trường thuộc phường A mà có thể qua trường ở phường B gần hơn về mặt địa lý.

Với cách làm mới này, theo ông Trần Khắc Huy, những phụ huynh chưa hiểu có thể sẽ phản ứng, phát sinh nhiều vấn đề cho công tác xử lý sau tuyển sinh. Do đó, quan trọng nhất là khâu tuyên truyền, vận động, giải thích cho phụ huynh. Hiện quận đã họp với các phường thống nhất chủ trương, cách làm, khi có số liệu thực tế các phường báo cáo lên thì phòng sẽ làm việc trực tiếp với hiệu trưởng các trường để giao chỉ tiêu, thống nhất cách triển khai. Quan điểm về tuyển sinh của quận là rõ ràng, công khai, nhà trường phải lên lịch tiếp công dân, trong đó hiệu trưởng trực tiếp giải đáp thắc mắc cho phụ huynh.

Còn ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên - Trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức - cho rằng, việc tuyển sinh đầu cấp cho năm học mới về cơ bản vẫn trên cơ sở phân tuyến theo phường. Tuy vậy, cách làm mới sẽ linh hoạt hơn. Chẳng hạn với những trường giáp ranh giữa 2 phường sẽ tính toán phân tuyến học sinh phù hợp, chứ không cứng nhắc theo kiểu cũ là toàn bộ học sinh phường bên này học trường này, toàn bộ học sinh phường bên kia học trường kia. Phòng sẽ tính toán phân tuyến kỹ lưỡng, căn cứ trên bản đồ để bố trí học sinh được học gần nhà nhất, cụ thể đến từng khu phố, tổ dân phố. 

Cách tuyển sinh mới cũng có khác biệt là không phân biệt theo hộ khẩu mà căn cứ nơi cư trú thực tế. Tất nhiên, các trường hợp cư trú phải đảm bảo một mốc thời gian nhất định, với những người mới cư trú thì phải chờ sắp xếp sau khi đã bố trí cho những trường hợp cư trú trước đó. Bên cạnh đó, cũng phải tùy thuộc khả năng tiếp nhận của trường, có thể sẽ không đáp ứng được hoàn toàn mong muốn của người dân là gần trường, nhưng vẫn sẽ đảm bảo học sinh không phải đi học quá xa. Phụ huynh không nên quá lo lắng vì việc tuyển sinh đầu cấp đảm bảo nguyên tắc 100% con em trên địa bàn có chỗ học.

Lường trước những khó khăn phát sinh 
“Do là năm đầu thí điểm nên chưa thể nói là khó hay dễ, tuy vậy chắc chắn sẽ có những tình huống phát sinh” - ông Trần Khắc Huy nhận xét. Chẳng hạn, với việc xác nhận cư trú thực tế của học sinh thì có thể phát sinh một số tình huống như cư trú ảo, cư trú nhờ, cư trú tập thể. Do đó, khâu xác định nơi cư trú thực tế rất quan trọng, là trách nhiệm của địa phương. Nếu trường hợp cư trú ở địa bàn nào tăng đột biến thì phường phải chịu trách nhiệm xác minh. 

Dựa trên thực tế điều tra, xác nhận của địa phương, phòng GD-ĐT sẽ chủ động sắp xếp học sinh vào các trường sao cho gần nơi cư trú nhất, không thể để phụ huynh tự chọn vì sẽ rất rối. Căn cứ trên thực tế cư trú thì có những trường sẽ ít học sinh và có những trường sẽ quá tải, như vậy đòi hỏi sự điều phối của phòng sao cho cân đối giữa chỉ tiêu các trường và thực tế cư trú.

Một vấn đề nữa có thể phát sinh là tính chính xác của bản đồ GIS, bởi có những trường hợp nhìn trên bản đồ thì nhà người dân nằm sát bên trường, nhưng thực tế lại cách một bức tường nên phải đi đường vòng rất xa. Do đó, phòng cũng đề nghị các phường hỗ trợ xác định vị trí thực tế để đảm bảo chính xác, còn bản đồ chỉ là một trong những căn cứ hỗ trợ công tác tuyển sinh.

Ông Dương Văn Dân - Trưởng phòng GD-ĐT quận 8 - cũng cho hay sẽ chủ động lên phương án bố trí phân tuyến học sinh theo bản đồ GIS, nhưng vẫn kết hợp lắng nghe ý kiến từ thực tế. Khi phụ huynh có ý kiến cho con đi học ở khu vực này gần hơn khu vực kia, hay thuận đường đi làm… thì phòng vẫn lắng nghe, xác minh và điều chỉnh. Đối với công tác xác định cư trú thực tế, phòng GD-ĐT cũng có lường trước tình huống phát sinh như cư trú “ảo”, cho nên đã phối hợp địa phương tuyên truyền, cảnh báo người dân. Nếu khu vực nào nghi ngờ thì địa phương sẽ kiểm tra lại thực tế cư trú.

Theo ông, đặc thù của quận 8 là có nhiều sông nước, kênh rạch. Do đó, khi định vị theo bản đồ GIS thì thấy khoảng cách địa lý rất gần nhưng có khi thực tế không có phương tiện đi lại. Vì vậy, việc phân tuyến tuyển sinh vẫn phải căn cứ thực tế chứ không chỉ xác định trên bản đồ.

Còn đối với TP Thủ Đức, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên cho biết, nhiều nhà dân ở trong các hẻm nhỏ nên việc sử dụng bản đồ GIS cũng có hạn chế. Do đó, phòng đang nghiên cứu cách thực hiện, đặt hàng viết phần mềm sao cho sát thực tế. Nguyên tắc là không xác định khoảng cách theo đường chim bay, mà phân tích quãng đường từ nhà dân đến trường bằng đường đi (tương tự Google Maps). 

Mặt khác, với quy mô lên đến 34 phường, trong đó lượng người nhập cư rất đông, theo ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, quan trọng nhất là phải tập huấn cho đội ngũ chuyên trách giáo dục để đảm bảo công tác điều tra, rà soát, nhập dữ liệu đảm bảo chính xác. Nếu công tác này thiếu sót, chẳng hạn số điện thoại phụ huynh không chính xác sẽ dẫn đến những thông báo về tuyển sinh, về phân tuyến không đến kịp thời, đầy đủ với phụ huynh. Do đó, quận rất quan tâm tập huấn đội ngũ này để đảm bảo triển khai kế hoạch tuyển sinh trực tuyến và ứng dụng bản đồ GIS cho năm học mới. 

Hướng đi cần thiết

Tiến sĩ Đàm Quang Hồng Hải - Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghệ thông tin TPHCM - nhận xét việc tuyển sinh căn cứ bản đồ GIS là một cách làm mới, trong đó không lấy hộ khẩu mà chỉ cần có xác nhận nơi cư trú là được bố trí học gần nhà. Tuy vậy, ông lưu ý việc phân tuyến theo nơi cư trú có thể thực hiện hiệu quả trong năm đầu tiên. Nhưng từ những năm sau, có thể phát sinh tình trạng phụ huynh dồn về ở gần những trường nơi họ muốn cho con cái theo học.

Do đó, thành phố cần lường đến tình huống tập trung dân cư xung quanh những trường điểm, trường chất lượng. Bản đồ cũng chỉ nên là một kênh tham khảo vì có thể không hoàn toàn chính xác, cần kết hợp với những thông tin về mặt cư trú khác để tính toán giải pháp tuyển sinh lâu dài. 

Ông Lê Ngọc Điệp - nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM - cũng đánh giá, việc thí điểm bản đồ GIS trong tuyển sinh đầu cấp là hướng đi cần thiết cùng với yêu cầu chuyển đổi số và chủ trương bỏ sổ hộ khẩu. Dĩ nhiên với cách làm mới sẽ nảy sinh những vấn đề không lường trước được, nhưng vẫn cần thí điểm để rút ra phương thức tuyển sinh phù hợp. Việc tuyển sinh theo nơi cư trú để học sinh được học gần trường đã được các nước thực hiện từ lâu. Chẳng hạn, Singapore khi xây dựng trường học đều tính toán bán kính phù hợp với khu dân cư xung quanh để học sinh đi học dễ dàng, không kẹt xe, không phải đưa đón xa.

 Minh Linh 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI