Tuyển sinh đại học: Không biết thí sinh "đã đi đâu hết"

07/11/2022 - 06:20

PNO - Năm nay, hầu hết các trường đại học không tuyển đủ chỉ tiêu ngay lần đầu mà đều phải tuyển bổ sung, thậm chí có trường bổ sung đến đợt thứ 8. Nhiều ý kiến cho rằng, “cánh cửa” đại học đã giảm sức hút đối với thế hệ trẻ.

Nhiều trường đại học chật vật tuyển sinh

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Văn hóa TPHCM - cho hay năm ngoái trường tuyển đủ 990 chỉ tiêu. Năm nay, trường cân nhắc giảm xuống còn 950 chỉ tiêu nhưng vẫn thiếu rất nhiều. Trường đã công bố xét tuyển bổ sung nhưng cũng chỉ được thêm 38 thí sinh. Nhà trường xác định nguồn tuyển hầu như không còn, do đó ngưng tuyển bổ sung để tập trung cho công tác đào tạo với hơn 700 tân sinh viên nhập học. Những ngành khó tuyển nhất là văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam, bảo tàng học... đào tạo nguồn nhân lực chủ yếu cho các cơ quan nhà nước. Thời gian gần đây, các ngành này bị sụt giảm đầu vào do thí sinh có nhiều xu hướng lựa chọn nghề nghiệp và ít mặn mà với việc vào làm ở cơ quan nhà nước.

Nhiều ý kiến đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố sớm các mốc tuyển sinh năm 2023 để các trường và thí sinh có sự chủ động (trong ảnh: Thí sinh đi cùng phụ huynh làm thủ tục nhập học tại Trường đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM) - ẢNH: P.T.
Nhiều ý kiến đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố sớm các mốc tuyển sinh năm 2023 để các trường và thí sinh có sự chủ động (trong ảnh: Thí sinh đi cùng phụ huynh làm thủ tục nhập học tại Trường đại học Kinh tế Tài chính TPHCM) - Ảnh: P.T.

Tương tự, tại Trường đại học Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), tiến sĩ Trần Hữu Duy - Trưởng phòng Đào tạo nhà trường - cho hay: “Tình hình tuyển sinh năm nay khó khăn hơn so với mọi năm. Không biết thí sinh đi đâu hết mà qua 2 đợt tuyển bổ sung, đến nay, trường mới tuyển được khoảng 86% chỉ tiêu. Trong đó, thiếu nhiều nhất là các ngành khoa học cơ bản. Đối với ngành dân số và phát triển, trường tuyển 50 chỉ tiêu theo đặt hàng của Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) nhưng không được thí sinh nào nên phải bỏ ngành này”.

Trường đại học Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang) sau đợt xét tuyển đầu tiên vẫn thiếu hơn 1.150 chỉ tiêu đối với 15 ngành đào tạo đại học. Sau đó, trường đã lần lượt bổ sung thêm 3 đợt xét tuyển, tuy vậy, đến thời điểm này vẫn thiếu khoảng 600 chỉ tiêu và chưa có ngành nào tuyển đủ. Trong đó có những ngành thiếu nhiều sinh viên như: giáo dục mầm non, sư phạm toán học, sư phạm khoa học tự nhiên, kế toán, quản lý văn hóa, công tác xã hội...

Tại Trường đại học Cần Thơ (TP.Cần Thơ), những ngành đào tạo thế mạnh của trường là nông lâm nghiệp, thủy sản năm nay cần tuyển 1.400 sinh viên nhưng thiếu đến 400 chỉ tiêu. Trường đại học Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) năm nay phải bổ sung đến đợt thứ 3 nhưng cũng chỉ tuyển được 70% chỉ tiêu.

Hầu hết các trường trên cả nước đều kết thúc xét tuyển bổ sung trong tháng 10, rất hiếm trường tuyển đủ 100% chỉ tiêu. Dù đã bước sang tháng 11, một số trường vẫn đang miệt mài tuyển bổ sung như: Trường đại học Hòa Bình (TP.Hà Nội) tuyển bổ sung đợt thứ 3 với 395 chỉ tiêu cho 23 ngành. Trường đại học Hoa Sen (TPHCM) thông báo tuyển bổ sung đến đợt thứ 8 đối với các phương thức xét học bạ, xét theo điều kiện riêng và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực. Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM cũng xét tuyển học bạ đến đợt thứ 5...

Đại học giảm sức hút

Lý giải về nhu cầu xét tuyển vào các trường đại học sụt giảm, ông Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, hiện nay thí sinh có nhiều sự lựa chọn đa dạng chứ không chỉ chăm chăm vào đại học bằng mọi giá. Năm học này, Trường đại học Văn hóa TPHCM gọi 900 thí sinh trúng tuyển nhưng chỉ có hơn 700 em nhập học. Qua trao đổi, một số thí sinh chia sẻ có những lựa chọn khác phù hợp hơn như du học, học cao đẳng, trung cấp... Nhiều em lựa chọn học nghề bởi e ngại thời gian học đại học kéo dài, học phí cao trong khi cơ hội việc làm sau tốt nghiệp không đảm bảo. Cũng có một số em đặt nguyện vọng vào đại học theo mong muốn của gia đình nhưng sau khi đậu thì quyết định rút hồ sơ để lựa chọn con đường riêng. 

“Tất nhiên, vì sao nhu cầu vào đại học giảm sút cần phải có nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, nhưng nhìn chung thế hệ trẻ ngày nay có cái nhìn thực tế hơn trong việc chọn hệ đào tạo phù hợp với năng lực, tài chính và cơ hội việc làm trong tương lai” - ông Nguyễn Thanh Tùng nhận xét.

Ông Nguyễn Minh Trí - Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Cần Thơ - cho rằng việc nhiều thí sinh có sự cân nhắc khác ngoài đại học là một tín hiệu đáng mừng. Điều này đang cho thấy sự dịch chuyển nhu cầu của thí sinh tiệm cận với cơ cấu nghề nghiệp của xã hội. Bởi hiện nay, nhu cầu việc làm ở phân khúc cao đẳng, trung cấp là rất lớn. 

Tuy vậy, đáng lo ngại là ở một số ngành đại học, nhu cầu xã hội lớn nhưng không thu hút được thí sinh. Như những ngành khoa học cơ bản, nông, lâm nghiệp, ngôn ngữ mới, một số ngành đào tạo nhân lực cho cơ quan nhà nước... Do đó, cần làm tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh từ bậc phổ thông và có những chính sách thu hút nhân lực cho các ngành này. 

Theo giáo sư - tiến sĩ Đặng Ứng Vận - nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học - Văn phòng Chính phủ - thực tế tuyển sinh vào các trường hiện nay đang cho thấy sức hấp dẫn của giáo dục đại học đối với thế hệ trẻ giảm sút. Ngày xưa, mười người thi một người đỗ nên vào được đại học rất giá trị. Trong khi hiện nay gần như kiểu gì cũng đậu đại học, không vào được trường tốp trên thì chọn trường tốp dưới. Trong khi học phí tăng cao, mức lương ra trường thấp. Bên cạnh đó, nền kinh tế hiện nay chủ yếu tăng trưởng dựa trên lao động giá rẻ và gia công lắp ráp, cho nên khả năng tiêu thụ các “sản phẩm” giáo dục đại học không cao. Do đó, có những ngành dễ tuyển, các trường ào ào mở ra, nhưng đào tạo 1-2 năm là nhu cầu bão hòa, không tuyển sinh được nữa. 

“Thực tế, nhiều trường chưa quan tâm đến tình hình thừa thiếu nguồn nhân lực, mà chỉ tập trung vào việc làm sao có càng nhiều sinh viên càng tốt để tăng nguồn thu. Tuy nhiên, về lâu về dài, chính sách tuyển sinh và đào tạo mang tính thời vụ và thỏa mãn nhu cầu người học mà bỏ quên các tính toán về nhu cầu việc làm sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực. Bên cạnh đó, việc thiếu chính sách dự báo nhân lực mang tầm chiến lược quốc gia khiến một số trường mãi loay hoay với bài toán tuyển sinh” - ông Đặng Ứng Vận nói. 

Nên công bố sớm các mốc xét tuyển đại học năm 2023

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, về cơ bản, công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo sẽ giữ ổn định như năm 2022, không ban hành quy chế tuyển sinh mới. Điểm mới là từ năm 2023, các cơ sở giáo dục đại học phải xây dựng quy chế tuyển sinh để cụ thể hóa quy chế của bộ và công khai trên trang điện tử của cơ sở đào tạo.

Ông Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Công nghiệp TPHCM - cho biết, năm 2023 các trường và thí sinh đã có kinh nghiệm nên việc tuyển sinh sẽ thuận lợi hơn, giảm bớt các sự cố, sai sót. Tuy nhiên, các bước xét tuyển năm 2022 khá dài, đến cuối tháng 9 các trường mới biết được số lượng thí sinh nhập học. Sau đó, không còn nhiều thời gian để thực hiện xét tuyển bổ sung. Việc tuyển sinh kéo dài khiến lịch đào tạo của các trường bị xáo trộn, sinh viên nhập học trễ cả tháng so với những năm học trước. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cân nhắc điều chỉnh các mốc tuyển sinh sớm hơn, rút ngắn quy trình xét tuyển, đồng thời công bố sớm để các trường và thí sinh có sự chủ động.

Tiến sĩ Trần Hữu Duy - Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Đà Lạt - góp ý việc đưa tất cả các phương thức xét tuyển, gồm cả xét tuyển sớm, lên hệ thống lọc ảo chung là hợp lý. Tuy nhiên, nên thiết kế chức năng xác nhận nhập học đối với phương thức xét tuyển sớm song song với đăng ký xét tuyển các nguyện vọng mới. Sau khi xác nhận nhập học thì chức năng đăng ký nguyện vọng mới sẽ bị khóa. Trong thời hạn đăng ký xét tuyển, thí sinh vẫn được quyền hủy việc xác nhận nhập học để đăng ký nguyện vọng mới.

Phương án này có ưu điểm là thí sinh trúng tuyển sớm không phải đăng ký lại nguyện vọng nên không xảy ra tình trạng sai sót, nhầm lẫn như vừa qua. Đồng thời cũng giúp đơn giản hóa công tác xét tuyển vì chỉ cần lọc ảo các nguyện vọng mới, không cần xử lý lại các trường hợp đã xác nhận nhập học. Việc này cũng giúp cho các trường chủ động hơn trong ước lượng được kết quả tuyển sinh để cân đối chỉ tiêu.

Phương Thanh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI