Tùng: Tôi thích một thứ âm nhạc vừa phải, khiêm tốn

27/03/2021 - 18:33

PNO - Tùng, một nghệ sĩ indie mới toanh của Sài Gòn, nghe tên có vẻ lạ nhưng âm nhạc thì thành thực và gần gũi hơn bất cứ thứ gì.

Nếu một ngày u ám, có một “cơn giông đang lớn dần lên trong tưởng tượng”, lòng mơ hồ và nghi hoặc những điều chẳng rõ, đến với nhạc của Tùng, để thấy cuộc sống là dòng chảy vận động không ngơi nghỉ. Có mất mát, có u sầu nhưng cũng nhiều ánh sáng ấm áp. Tùng, một nghệ sĩ indie mới toanh của Sài Gòn, nghe tên có vẻ lạ nhưng âm nhạc thì thành thực và gần gũi hơn bất cứ thứ gì. 

Từ Con dế mèn hát vào mùa hè, Ở đây lúc này, Cái hộc tủ, Con chim trên cành hát về tình yêu, Anh có bao nhiêu %… đến Luna, Gam màu tím ở rìa thế giới, Tùng đang hát về một tuổi trẻ mới bắt đầu… 

Sau khi phát hành album đầu tay 26: Individualism vào cuối năm 2020, Tùng mới có cuộc hội ngộ với khán giả Hà Nội vào ngày 20/3 vừa qua. Tùng nói, cậu đang sống trong những năm tuổi 20 nhiều hạnh phúc và âm nhạc là một thứ ngôn ngữ khác của mình.

Tôi hợp với một thứ âm nhạc vừa phải, khiêm tốn

Phóng viên: Thường thì, những nghệ sĩ trẻ đến và mang theo một cơn gió cuồng nhiệt, sôi nổi, trẻ trung trong âm nhạc của mình. Với Tùng, hình như ngược lại? 

Tùng: Thực ra, tôi đã thử những cách thể hiện khác. Mười năm trước, khi còn học lớp Chín, tôi đã tập tành viết nhạc rap, hip hop. Ngay từ lúc đó, tôi đã biết mình không viết được những thể loại sôi động hoặc thể hiện cái tôi cao. Sau này, tôi từng thử những cách thể hiện khác nhưng cảm thấy, tốt nhất và thoải mái nhất vẫn là cách diễn đạt hiện tại. Tôi hợp với một thứ âm nhạc vừa phải, khiêm tốn. 

* Tên album đầu tay phát hành mới đây của bạn là 26: Individualism. Individualism với nghĩa “chủ nghĩa cá nhân”?

- Thực ra để dịch tên album ra tiếng Việt rõ nghĩa nhất là “tự sự”. Tôi thấy, điều đó cũng hợp với mình - một người học kiến trúc. Giữa kiến trúc và âm nhạc có một xu hướng chung. Trải qua nhiều thời kỳ gắn liền với các phong cách, tôi nhận ra, phong cách kiến trúc hiện tại càng ngày càng thiên về cá nhân hơn. Ở từng nhà, mỗi nhà lại có một phong cách khác nhau. Tôi cũng nhận ra điều đó trong âm nhạc. Dường như các phong cách, thể loại âm nhạc đang bị xóa nhòa và đang ngày càng chú ý đến tự sự của mỗi người. Tôi cảm giác rất rõ, âm nhạc dần tự sự hơn và điều đó cũng hợp lý.

* Giữa kiến trúc và âm nhạc hóa ra cũng có sự liên quan không hề nhẹ đấy chứ?

- Giống nhau ở chỗ tôi đều phải tưởng tượng ra không gian đó thì tôi mới vẽ hoặc viết nhạc được. Tôi không thể nào viết được mấy câu đại loại như anh yêu em, em yêu anh hay mùa đông đến rồi, trái tim ta lạnh giá… Tôi thích việc mình tưởng tượng, cảm nhận rồi thể hiện cảm xúc đó một cách nhẹ nhàng, tinh tế hơn là nói thẳng xồng xộc vào cảm xúc. Với tôi, điều đó khá thô thiển.

Những lúc bên nhau thật sự đáng quý

* Đã bao giờ Tùng tưởng tượng ra một câu chuyện nào đó rồi ngồi cười - khóc với nó?

-Cũng có. Phần lớn những câu chuyện trong nhạc của tôi là hư cấu, được hình thành từ những thứ rất cá nhân với tôi. Ví dụ, hai nhân vật trong ca khúc Con dế mèn hát vào mùa hè đều không có thật. Cả bài hát chỉ có mỗi chuyện hai nhân vật nắm tay nhau nằm trên sàn nhà và ngủ trong lặng im. Chẳng có điều gì xảy ra cả. Không “drama”.

Cũng chẳng có gì “hot”… Tuy nhiên, lúc tôi bắt đầu viết, lại có nhiều chuyện xảy ra trong cuộc sống thực: bà ngoại mất; sau đó, một người bạn cũng mất do tai nạn giao thông. Khoảng thời gian đó, tôi nhận thức sâu sắc về sự biến mất vĩnh viễn của một người nào đó trong cuộc sống của mình. Tôi bị ám ảnh, rồi viết ra bài hát đó, dù bài hát đó không có câu nào liên quan đến chi tiết đời sống thật kia. Để nói, con người chúng ta - những lúc bên nhau thật sự đáng quý.

* Tùng viết nhạc những lúc nào?

- Cũng không phải là gập ghềnh, sóng gió hay biến cố gì đó thì mới viết nhạc. Với tôi, mọi thứ đơn giản, nhẹ nhàng. Khi nào cảm thấy mình có nhu cầu cần được kết nối thì tôi sẽ viết. Viết tới khi nào thấy đủ thì dừng. Tôi chưa bao giờ cố trong việc viết lời hay viết nhạc. Trong khoảnh khắc đó, nếu thấy mọi thứ được rồi thì tôi sẽ giữ phần lớn lời như vậy. Tôi cũng không cố sửa sao cho thuận tai, triết lý…

* Ca từ trong âm nhạc của bạn đẹp, khá trau chuốt - điều mà tôi ít gặp trong các sáng tác của những nghệ sĩ trẻ sau này. Chưa kể, giai điệu cũng “bắt trend”, vậy mà không sửa đi sửa lại ư?

- Chắc phần nào đó ảnh hưởng từ việc ngày xưa tôi viết rap, hip hop nên cũng không quá khó khăn trong việc viết vần. Thực ra, tôi nghĩ quá trình đó diễn ra khá tự nhiên. Cảm xúc đến thì viết thôi. Ca từ đuổi theo cảm xúc. Tôi không muốn bỏ lỡ một cảm xúc thoáng qua, những ý nghĩ chợt đến hoặc một khung cảnh nào đó lay động tâm hồn mình… dù là những khoảnh khắc nhỏ nhặt nhất.     

* Năm 2020 là một năm đặc biệt đối với tất cả chúng ta. COVID-19 làm đảo lộn rất nhiều kế hoạch. Với Tùng thì sao? 

- Với tôi, năm 2020 lại là một năm mà mình được trải nghiệm âm nhạc nhiều nhất từ trước đến giờ. Trước đây, tôi viết nhạc không… nghiêm túc lắm, viết lai rai rồi đăng lên mạng cho vui thôi, cũng không đặt vào đó hết tâm huyết của mình. Nhưng năm 2020, dịch bệnh diễn ra, công ty chật vật, tôi quyết định nghỉ việc, tập trung 100% vào âm nhạc. Cũng chẳng phải vì nhạc của Tùng ngày càng có người nghe hay một lý do gì đó quá to tát, lớn lao. Chỉ đơn giản là lúc đó, tôi thấy tôi nên làm nhạc, thích hợp với việc làm nhạc. Có lẽ vì vậy, tôi mới tập trung được và hoàn thành album đầu tay 26: Individualism sớm hơn mình nghĩ. Nếu không, chẳng biết bao giờ tôi mới ra sản phẩm đó.

Cuối năm ngoái, Tùng bắt đầu viết dự án Tree talks - bao gồm một vài mẩu truyện thiếu nhi nhưng không dành cho trẻ em. Các câu chuyện xoay quanh những nhân vật như con chim xấu tính, chú chó và đàn cừu trắng, trái táo sần sùi, chú heo con, chú ếch giọng phô, bông hoa dã quỳ... Đặc biệt, những câu chuyện này chỉ được kể ở trong rừng. Đi kèm với các câu chuyện trên, Tùng sẽ hát live những bài hát của anh trước đây. Không chỉ có video, audio mà dự án còn có cả sách truyện, áo… Dự kiến, dự án này sẽ hoàn thành vào giữa năm nay.

* Bạn nhận ra bạn trở nên nghiêm túc với âm nhạc ra sao?

- Khoảng thời gian nghỉ việc, tôi nhận ra, từ giờ tới sau này, nhạc sẽ theo mình lâu và dài. Vì vậy, mình nên giành thời gian nghiêm túc, đầu tư và kiên nhẫn hơn với nó. Cho nó có đủ một tiêu chuẩn, một chất lượng nhất định để giới thiệu ra 
bên ngoài.

* Tùng là nghệ sĩ mới, lại nghỉ việc, bạn sống bằng cách nào? Hiện tại, chắc chắn, âm nhạc chưa nuôi sống bạn rồi…

- Khi nhận ra mình không sống thiếu âm nhạc được, tôi thoải mái hơn với đam mê của mình. Hiện tại, tôi cũng không quá kỳ vọng âm nhạc sẽ mang đến cho mình một cuộc sống ổn định hay gì cả. Nó như một ngôn ngữ khác của mình mà thôi.

Tôi đang tập làm quen cách mình sinh sống bằng lĩnh vực này. Tôi nghĩ, quan  trọng nhất vẫn là việc xác định nhu cầu của mình đến đâu. Tôi thấy hiện giờ, mình đang ổn. Sắp tới, tôi cũng đang có nhiều dự định. Tôi đang hạnh phúc với những gì mình có hiện tại.

* Tùng là kẻ tay ngang trong âm nhạc, sắp tới, bạn có ý định đi học về nhạc lý không?

- Tôi thích tự học, tự mình khám phá hơn. Vào trường lớp rồi, nhỡ tôi không viết được nữa thì sao (cười). Đùa một chút cho vui nhưng thực ra, tôi rất trân trọng những cảm xúc tự nhiên, thô mộc của mình. Dù biết nó không mượt mà nhưng nó gây một cảm giác gần gũi. Tôi nghĩ, cách tốt nhất với tôi là tự hoàn thiện chính mình, nó sẽ ra màu sắc của tôi hơn. Hiện, bên cạnh việc luyện thanh hằng ngày, tôi đang mày mò các ứng dụng trong công nghệ để sản xuất ra một ca khúc hoàn chỉnh. 

* Tùng đang sống trong những ngày của tuổi 20 như thế nào?

-  Tuổi 20 là tuổi thử nhiều thứ.  Không chỉ âm nhạc mà cả những thứ khác trong cuộc sống của mình. Tôi hạnh phúc vì tôi đã thử, còn cơ hội để thử.

* Cảm ơn bạn đã chia sẻ.

Cốc Vũ (thực hiện) 
Ảnh: nhân vật cung cấp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI