Tung clip hiếp dâm lên mạng là công hay tội?

20/04/2020 - 07:55

PNO - Đoạn clip ghi lại cảnh một thanh niên hiếp dâm một phụ nữ có biểu hiện tâm thần ở quận 5, TPHCM vừa được tung lên mạng khiến dư luận phẫn nộ. Kẻ có hành vi đồi bại đã bị bắt giữ, nhưng người đăng tải clip trên cũng bị đặt dấu hỏi về trách nhiệm.

Đầu thú sau 24 giờ 

Ngày 18/4, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài hơn 6 phút, ghi lại cảnh một thanh niên mặc trang phục xe ôm công nghệ khống chế, xâm hại tình dục một phụ nữ trên con hẻm vắng. Trong đoạn clip, thanh niên này điều khiển xe máy biển số 48N1-018.70, đã dùng hung khí đe dọa, khống chế nạn nhân để hiếp dâm.

Cơ quan chức năng làm việc với đối tượng Huy
Cơ quan chức năng làm việc với đối tượng Huy

Trưa 18/4, Công an phường 11, quận 5 đã mời anh H. - người quay và tung clip lên mạng - làm việc, lấy lời khai, đồng thời yêu cầu gỡ bỏ bài đăng trên Facebook. Công an phường cũng phối hợp với các cơ quan chức năng truy tìm nạn nhân lẫn nghi can.

Đến 18g ngày 18/4, hai người dân ở quận 10, TPHCM đã đưa một phụ nữ 43 tuổi nghi bị bệnh tâm thần đến công an phường để trình báo và xác nhận đây chính là nạn nhân bị xâm hại trong đoạn clip. Người thân của cô gái cũng cho biết, nạn nhân có biểu hiện tâm thần, không tự chủ hành vi, đề nghị chính quyền, công an trợ giúp. 18g30 cùng ngày, nạn nhân được gửi vào Bệnh viện Tâm thần TPHCM để điều trị.

Khoảng 20g tối 18/4, Trương Gia Huy - thanh niên trong clip - đã đến Công an phường 11, quận 5 đầu thú, khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Dù trên clip, nghi can không trực tiếp thực hiện hành vi hiếp dâm nạn nhân, nhưng theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - đại diện Tổ trợ giúp pháp lý Hội LHPN TPHCM - căn cứ điểm b khoản 7, điều 3, Nghị quyết số 06/2019/NQ - HĐTP ngày 1/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tối cao “Về hướng dẫn chi tiết về một số tình tiết định tội các điều 141-145 Bộ luật Hình sự”, hành vi của thanh niên trong clip đã cấu thành tội phạm hiếp dâm. 

Người quay clip có công hay có tội?

Liên quan đến vụ việc này, một chi tiết gây nhiều tranh cãi là hành vi quay và tung clip lên mạng. Liệu đây là hành động tố giác tội phạm hay hành vi vi phạm pháp luật? 

Theo người dân, hiện trường xảy ra vụ việc chỉ cách trụ sở Công an phường 11, quận 5 chưa tới 100m; người phát hiện vụ việc có thể cầu cứu lực lượng chức năng và ngăn chặn hành vi kịp thời. Cư dân mạng đặt câu hỏi: “Tại sao không báo công an mà bình tĩnh quay clip suốt quá trình vụ việc? Vì sao không đứng ra bảo vệ nạn nhân? Phải chăng quay clip chỉ để câu like, câu view?… Trước những ý kiến bất bình, H. - chủ tài khoản đã quay và tung clip lên mạng - giải thích, do tình hình cấp bách nên chỉ kịp ghi hình lại để làm bằng chứng báo công an.

Huy là nghi can có hành vi xâm hại cô gái sống lang thang.
Huy mở cốp xe, lấy hung khí để uy hiếp cô gái lang thang (ảnh chụp từ clip)

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TPHCM) nhận định, cần làm rõ mục đích của việc quay clip, nhất là trong trường hợp người bị hiếp dâm là phụ nữ, có dấu hiệu bị tâm thần, không có khả năng tự vệ mà người quay phim vẫn không cứu giúp. “Tôi quan sát clip thì thấy mãi đến lúc sắp đi, thanh niên mặc áo xe ôm công nghệ mới lôi ra vật gì đó giống hung khí. Lúc này, mới có cơ sở nói là người quay clip sợ do thấy kẻ phạm tội có hung khí” - luật sư Hùng nhận xét.

Luật sư Hùng cho rằng, cơ quan chức năng cần triệu tập người quay clip để làm rõ hành vi không can thiệp ngăn chặn hành vi phạm tội, không gọi báo cơ quan chức năng hoặc báo cho người khác can thiệp. Cần xác minh, thu thập thông tin xem liệu người quay clip có dấu hiệu của tội che giấu tội phạm không? 

Luật sư Đoàn Trọng Nghĩa (Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước) cũng cho rằng, cơ quan điều tra nên làm rõ động cơ của anh H. để không bỏ lọt tội phạm cũng như ghi nhận công lao, nếu anh H. có ý định bênh việc kẻ yếu, tố giác tội phạm. Theo luật sư Nghĩa, không phải người dân nào cũng đủ hiểu biết pháp luật về hậu quả hành vi của mình. Thử đặt trường hợp mình là anh H., khi chứng kiến trước nhà có cảnh nam nữ giằng co nhau giữa khuya, lại ở khoảng cách khá xa như trong clip (dù phóng to hết cỡ vẫn không nhìn ra gương mặt nạn nhân), thoạt đầu, rất dễ nghĩ đến việc một cặp đôi nào đó đang có bất hòa. 

Việc anh H. lấy điện thoại ghi hình có thể do không nghĩ đến đoạn người thanh niên mặc đồng phục xe ôm công nghệ mở cốp xe lấy hung khí đe dọa người nữ. Tuy nhiên, việc anh H. đưa clip lên mạng để nhờ cộng đồng mạng lên tiếng, hối thúc công an vào cuộc là không đúng. Hành vi này khiến anh H. vô tình thành người phát tán clip có nội dung đồi trụy lên mạng xã hội. “Theo tôi, cần cân nhắc, phân tích thật kỹ động cơ của anh H. trước khi kết luận, buộc tội, xử lý hình sự hay xử phạt hành chính, hoặc chỉ nhắc nhở” - luật sư Nghĩa nói. 

Hành vi của Huy có dấu hiệu cấu thành tội hiếp dâm.
Người quay clip cũng bị đề nghị xem xét hành vi

Bà Trần Thị Huyền Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM: 

Cần ghi nhớ số điện thoại công an nơi cư trú

Việc ghi hình để kịp thời làm bằng chứng tố giác tội phạm, hỗ trợ cơ quan điều tra trong quá trình phá án - như của anh H. trong vụ việc này - là rất cần thiết. Có thể nói, chính nhờ đoạn clip này, mới có bằng chứng vạch trần tội ác của Trương Gia Huy, buộc anh ta phải ra đầu thú chỉ chưa đầy 24 giờ. Tuy nhiên, việc anh H. phát tán clip dung tục, dâm ô là vi phạm pháp luật. Đây không phải lần đầu, người dân tung clip lên mạng để kêu cứu, giúp đỡ lẫn nhau mà không ý thức được rằng hành vi đó là sai.

Qua vụ này, Hội LHPN sẽ suy nghĩ phương án tuyên truyền sâu rộng hơn về pháp luật để hội viên phụ nữ và nhân dân biết cách ghi, giữ chứng cứ và trình báo đúng nơi, đúng chỗ khi gặp tình huống tương tự. Theo tôi, mỗi người dân cần nhớ địa chỉ công an phường, hội phụ nữ nơi mình cư trú, lưu số điện thoại của cảnh sát khu vực, số tổng đài 111 (bảo vệ trẻ em), 113 (hình sự phản ứng nhanh) để báo tin tố giác tội phạm.

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn luật sư TPHCM): 

Chỉ đưa điện thoại lên và quay là chưa đủ

Hiện nay, khi chứng kiến một vụ việc, có rất nhiều người liền móc điện thoại ra quay clip. Họ quay lại những vụ đánh ghen, đánh hội đồng, làm nhục người khác, tai nạn… và tung lên mạng xã hội. Diễn biến vụ việc bằng hình ảnh có thể là bằng chứng cho cơ quan chức năng, nhưng nếu chỉ chăm chăm vào việc quay clip mà không có hành động giúp đỡ nạn nhân, ngăn cản hoặc tri hô cho người khác ngăn cản hành vi phạm tội cũng là hành vi vi phạm pháp luật.

Trường hợp chỉ quay mà không giúp nạn nhân, dẫn đến nạn nhân tử vong, có thể bị khởi tố về tội “không giúp đỡ người đang ở tình trạng bị nguy hiểm đến tính mạng” theo điều 132, Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù. Việc anh H. quay cảnh Trương Gia Huy hiếp dâm một phụ nữ có biểu hiện tâm thần rồi tung lên mạng sẽ được cơ quan chức năng xem xét thấu đáo, có tình, có lý. Tuy nhiên, với những vụ việc tương tự, tôi khuyên người dân nên nghĩ cách giúp đỡ, giải cứu nạn nhân thay vì chỉ đưa điện thoại lên và quay.

Hạnh Chi - Hoàng Lâm

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Lieutien 20-04-2020 09:18:50

    Là tội. Người quay clip cũng đồng loã với tội phạm. Kiểu sống “mac ke no “ (mặc kệ nó), là kiểu sống vị kỷ, không thấy nổi đau của đồng loại. Tội phạm là 1, tội quay clip là 10.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI