Từ Stephen Hawking, nghĩ về các nhà khoa bảng ngồi nhầm lớp

18/03/2018 - 08:41

PNO - Tình trạng "ngồi nhầm lớp" ở bậc đại học và trên đại học đã cho ra đời một số giáo sư, phó giáo sư thiểu năng tri thức và ọp ẹp về nhân cách.

Người khuyết tật thiên tài Stephen Hawking vừa qua đời trong sự tiếc thương của toàn nhân loại. Số người thương tiếc ông vì những công trình nghiên cứu không nhiều, vì không phải ai cũng có cơ hội và đủ kiến thức để lĩnh hội những thành tựu khoa học ông đã dành tặng cuộc đời, dù sách của ông - A Brief History of Time: From the Big Bang to Black Holes - được xuất bản với số lượng trên 1 triệu bản với hàm lượng nội dung khoa học rất cao. 

Tu Stephen Hawking, nghi ve cac nha khoa bang ngoi nham lop
 

Người ta thương quý ông chủ yếu ở nghị lực vượt qua nghịch cảnh, về con người dường như được sinh ra với sứ mệnh cao cả nhất - truyền cảm hứng cho nhân loại. Mới 21 tuổi ông đã được chẩn đoán mắc bệnh teo dính cơ xương với tiên lượng chỉ sống thêm được 2 năm. Thế nhưng, bằng ý chí kiên cường, ông đã sống thêm 55 năm nữa.

Không chỉ sống vượt thời gian tạo hóa ban cho trong khó khăn chật vật bởi những khuyết tật do căn bệnh mang đến, ông còn miệt mài nghiên cứu khoa học, trở nên nổi tiếng với thuyết Vụ nổ vũ trụ The Big Bang, cuốn Lược sử thời gian cùng rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị cao.

Không thể đi, không thể nói, giao tiếp với mọi người phải qua thiết bị máy móc, vậy mà ông vẫn vừa nghiên cứu vừa dạy học và quản lý một trung tâm nghiên cứu khoa học. Rõ ràng, sự khiếm khuyết về thể chất không cản được khát vọng sống và ý chí của con người.

Nước ta từng có tiến sĩ Lý Hòa, thương binh hạng nặng tự học lấy bằng cấp III rồi lần lượt thi đậu đại học, cao học và tiến sĩ, là hiệu trưởng Trường đại học Tổng hợp TP.HCM. Thật khập khiễng khi so sánh những khó khăn và thành công của tiến sĩ Lý Hòa với Stephen Hawking, nhưng sự nỗ lực của tiến sĩ  Lý Hòa vẫn là tấm gương cho sinh viên, cho xã hội.

Điều đáng nói là hiện nay, đất nước chúng ta có hàng vạn tiến sĩ, hàng ngàn giáo sư đủ mọi lĩnh vực nhưng số đề tài nghiên cứu công bố trên các tạp chí khoa học ngày càng giảm, những vấn đề thực tế xã hội cần đột phá giải quyết bằng chất xám ngày càng ít. Thỉnh thoảng lại có thông tin vị này vị nọ bị tố làm giả khi xét phong danh hiệu.

Dường như có sự bất minh trong việc phong danh hiệu, một bộ phận các nhà khoa bảng đã không xứng đáng với danh hiệu của mình hay nói chính xác hơn, tình trạng "ngồi nhầm lớp" ở bậc đại học và trên đại học đã cho ra đời một số giáo sư, phó giáo sư thiểu năng tri thức và ọp ẹp về nhân cách.

May mắn thay, cuộc đời này đã có những con người dẫu khuyết tật về thể chất nhưng vẫn sống, vẫn yêu và cống hiến thật trọn vẹn, đủ đầy cho xã hội như vị giáo sư đáng kính Stephen Hawking, khiến cả thế giới phải ngước nhìn mà ngưỡng vọng.

Anh Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI