“Tử cấm thành” ở phương Nam

14/11/2021 - 06:43

PNO - Không đến Mộc phủ coi như chưa đến Lệ Giang. Nếu mỗi con đường, mỗi ngõ nhỏ, mỗi cây cầu ở Lệ Giang kể về cuộc sống ở cổ trấn hơn 800 năm thì Mộc phủ phản ánh sự thăng trầm của một gia tộc gắn liền với lịch sử và nghệ thuật kiến trúc Trung Hoa rực rỡ.

Mộc phủ nằm dưới chân núi Sư Tử trong trấn cổ Lệ Giang. Sau khi Chu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ) khai quốc, nhận thấy vùng này xa kinh đô, có thổ ty trị vì tộc người Nạp Tây, bèn cho thổ ty làm lễ quy thuận về với nhà Minh, bỏ bớt một nét ngang trong họ “Chu” thành chữ “Mộc”, ban họ “Mộc” cho ông.

Từ đó về sau, dòng họ vị thổ ty mang họ Mộc cai trị vùng đất này qua ba triều đại, truyền qua 22 thế hệ trong 470 năm. Uy thế và sự giàu sang của họ Mộc không kém các bậc vương công còn độ nguy nga, tráng lệ của phủ đệ vượt xa các vương phủ thời ấy. Đặc biệt, Lệ Giang là thành cổ đặc biệt nhất Trung Quốc khi không có tường thành bao quanh. Vì chữ mộc (木), nếu xây thành bao quanh sẽ thành chữ khốn (困) (gian khó).

Mộc phủ thời hoàng kim mô phỏng theo Tử Cấm Thành mà xây trên diện tích hơn 100 mẫu đất. Toàn bộ kiến trúc Mộc phủ hướng về phía đông. Công trình này có nhiều phù điêu, chạm khắc và hình vẽ chế tác tinh xảo, hòa trộn được tinh hoa văn hóa của hai dân tộc Hán - Nạp Tây, được tán dương là “cung thất chi lệ” (sánh với vương giả).

Ngay cổng vòm vào Mộc phủ có khắc bốn chữ “Thiên vũ lưu phương”. Từ này đồng âm với “đọc và đi” theo thổ ngữ Nạp Tây, thể hiện việc coi trọng học thức của người Nạp Tây. Bên trong là cổng bình phong với bốn trụ cẩm thạch trắng chạm khắc tinh xảo, trên có hai chữ “trung nghĩa” do vua Minh Thần Tông ban tặng.

Bước theo trục trung tâm là sảnh Nghị Sự, lầu Vạn Quyển, điện Hộ Pháp, lầu Quang Bích, lầu Ngọc Âm và điện Tam Thanh với kiến trúc âm dương hài hòa, sắc đỏ của hàng cột to lừng lững, sắc xanh của gạch, gốm được sử dụng trên các phù điêu, hình vẽ trang trí trên gác mái, gian lầu hay những đường cột ngang… vừa phóng khoáng, dễ chịu vừa cuốn hút, hòa với vẻ đẹp sông núi Lệ Giang.

Nhiều bộ phim đã chọn nơi đây làm trường quay và đưa dòng họ Mộc vào phim, nổi tiếng nhất là Mộc phủ phong vân và Tiền Vương. Nếu hâm mộ Kim Dung, hẳn bạn đã biết tới Quận chúa Mộc Kiến Bình trong truyện Lộc Đỉnh ký.

Sang đến đời nhà Thanh, họ Mộc vẫn trung thành với hậu duệ nhà Minh nên bị tước bỏ phế vị, Mộc phủ dần hoang phế. Thời kỳ Cách mạng văn hóa (1966-1976), Mộc phủ bị phá hủy nặng nề, đến năm 1999 mới được trùng tu nhưng diện tích chỉ còn một nửa so với trước đây.

Ngày nay, Mộc phủ là địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh Vân Nam, mang kiến trúc đặc trưng nhất của văn hóa Nạp Tây và là linh hồn của Lệ Giang cổ trấn. 

Văn Khoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI