Từ “bi kịch” Ba Son nghĩ về tham vọng Bảo tàng nông nghiệp 400 tỷ ở đồng bằng sông Cửu Long

18/05/2020 - 15:26

PNO - UBND tỉnh Vĩnh Long vừa có quyết định phê duyệt Đề án xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với quy mô 400 tỷ đồng, huy động từ các nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa. Mục tiêu nhằm tạo dựng một thiết chế văn hóa quan trọng, xứng tầm với vai trò và vị thế của ngành nông nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo tồn các di sản văn hóa nông nghiệp…

Bảo tàng dự kiến gồm các phân khu phục vụ trưng bày, tái hiện làng quê Nam Bộ xưa, tổ chức sự kiện, hành chính và công trình phụ trợ. Hiện vật và tư liệu của từng chuyên đề trưng bày sẽ được sắp xếp theo tiến trình lịch sử qua bốn thời kỳ gồm: Nền nông nghiệp Vương quốc Phù Nam và Chân Lạp (trước năm 1698); quá trình Nam tiến và khẩn hoang của các chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn (1698-1858); tổ chức sản xuất nông nghiệp thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng hòa (1858-1975) và nền nông nghiệp thâm canh ở ĐBSCL thời kỳ đổi mới và hội nhập (từ năm 1975 đến nay). Theo kế hoạch, công trình được triển khai xây dựng từ năm 2022, hoàn thành và đưa vào hoạt động năm 2027.

Một ụ tàu được xây dựng năm 1886 trong xưởng Ba Son - Ảnh tư liệu
Một ụ tàu được xây dựng năm 1886 trong xưởng Ba Son - Ảnh tư liệu

Ngay lập tức, thông tin này vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Thậm chí, một tờ báo mạng giật tít rất “gắt”: “Nông dân không cần bảo tàng nông nghiệp 400 tỷ”. Lý do: ĐBSCL đang gồng mình chống hạn mặn, việc bỏ 400 tỷ đồng ra xây bảo tàng lúc này là quá lãng phí…

“Gắt” là phải, khi nhắc đến việc xây bảo tàng trong lúc cả ĐBSCL đang “chạy đua” với hạn mặn, người dân cơ cực trăm bề. Và không phản ứng mới lạ, khi nhắc đến di sản bảo tàng tiền tỷ mà vắng khách trải dọc đất nước ta, người dân chỉ biết thở dài ngao ngán. Nhưng nên chăng, việc nào ra việc đó? Trong sự phân bổ của ngân sách nhà nước, ngành nào cũng sẽ được dự phần, dù ít hay nhiều. Vấn đề là sử dụng nguồn tiền đó đúng cách, đúng nơi, đúng lúc hay chưa. 

Trong những năm qua, ta vẫn nghe nhận định: thiết chế văn hóa ở ta nhiều nơi chưa hoàn thiện. Nói một cách khác,  chúng ta chưa có một thiết chế văn hóa đồng bộ để các hoạt động văn hóa có thể vận hành, nhằm đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân. Nước ta đang cố gắng lấp dần khoảng trống đó, để văn hóa theo kịp phát triển kinh tế - xã hội là vì vậy.

Một góc Bảo tàng Nông nghiệp Golden Jubilee ở tỉnh Pathum Thani, Thái Lan
Một góc Bảo tàng Nông nghiệp Golden Jubilee ở tỉnh Pathum Thani, Thái Lan

Việc ra đời một bảo tàng nông nghiệp của ĐBSCL không nằm ngoài khát vọng ấy.

Khi mà các cuộc cách mạng máy móc, số hóa… diễn ra không ngừng trên khắp thế giới, các bảo tàng nông nghiệp - loại bảo tàng dành riêng cho lịch sử và di sản nông nghiệp, lại mang đến những trải nghiệm vô giá. Bên cạnh câu chuyện lịch sử, những bảo tàng dạng này còn hướng đến tương lai bằng cách đặt ra những câu hỏi quan trọng về tính bền vững, môi trường và giá trị của di sản nông thôn từ những kinh nghiệm của cha ông trong quá khứ. 

Trên thế giới, loại hình bảo tàng này rất phổ biến. Thế nhưng, ở Việt Nam, cho tới thời điểm hiện tại, chưa có bảo tàng nông nghiệp nào. Tương tự, chúng ta cũng chưa có bảo tàng công nghiệp, bảo tàng nước, bảo tàng y tế, bảo tàng trẻ em… Đa số bảo tàng ở ta chủ yếu là bảo tàng lịch sử gắn với các cuộc chiến tranh. Như đợt dịch COVID-19 vừa qua, nếu có một hệ thống lưu trữ y văn nói riêng thông qua một bảo tàng chuyên biệt, sẽ không khó để lần giở lại lịch sử dịch bệnh trong quá khứ, để lại những bài học cho ngày nay. 

Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa, thế giới có gì thì Việt Nam cũng phải có. Nhưng, trong quá trình tiệm tiến đến sự phát triển của văn hóa, sớm hay muộn, chúng ta cũng phải tiến hành từng bước.

Cầu tàu Ba Son đã đổ sập xuống sông Sài Giòn
Cầu tàu Ba Son đã đổ sập xuống sông Sài Gòn

Còn nhớ câu chuyện ụ tàu Ba Son đổ sập xuống lòng sông Sài Gòn năm ngoái. Khởi đầu là xưởng thủy của chúa Nguyễn cuối thế kỷ XVIII, đến xưởng sửa chữa, đóng tàu của người Pháp thế kỷ XIX, Ba Son 225 năm là “là một bức tranh sống động minh chứng cho ngành công nghiệp vào hàng sớm nhất của khu vực Đông Nam Á, nền kinh tế biển ở Việt Nam, một dấu ấn của sự ra đời giai cấp công nhân Việt Nam cùng phong trào đấu tranh của họ. Chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng ở đây một bảo tàng công nghiệp, lưu giữ ký ức của Sài Gòn - TP.HCM một thời.

Thế nhưng, ta đã khước từ cơ hội đó. Khi di tích Ba Son không còn và ụ tàu cuối cùng đổ sập xuống sông Sài Gòn, có nghĩa, một phần lịch sử của TP.HCM cũng vĩnh viễn bị chôn vùi.

Nước ta đang diễn ra quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, kéo theo nhiều hệ quả. Hệ quả nhãn tiền là triều cường đang ngày càng dâng cao. ĐBSCL đứng trước nguy cơ “chìm” trong biển nước và 12 triệu người di tản có lẽ là cuộc di cư lớn nhất lịch sử. Câu chuyện khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đất, nước… bền vững, lại trở nên quan trọng hơn bất cứ lúc nào. Một bảo tàng nông nghiệp với lịch sử lưu trữ của nó sẽ trả lời chúng ta những câu hỏi đó. 

Cốc Vũ 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI