Truyền thông cho di tích: Vẫn còn khoảng trống

16/05/2023 - 07:56

PNO - Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) là di tích hiếm hoi thực hiện công tác truyền thông tốt, nhờ đó có thể tiếp cận, thu hút công chúng trẻ. Trong khi đó, nhiều di tích vẫn chưa xem trọng công tác này hoặc đầu tư chưa đúng mức.

Cách làm sáng tạo của nhà tù Hoả Lò  

Những ngày tháng Năm oi bức, fanpage của nhà tù Hỏa Lò đăng bài viết với hình ảnh hàng loạt máy lạnh kèm dòng trạng thái dí dỏm: “Bài này không có caption mà chỉ có:”, nhận về hơn 11.000 lượt yêu thích cùng sự tương tác thú vị của hàng trăm người dùng mạng xã hội. Trước đó, vào dịp lễ 30/4 và 1/5, fanpage này cũng tạo sự thích thú với bài đăng: “Thông báo nghỉ lễ: Không nghỉ. Xin cảm ơn”.

Những bài đăng có lượt tương tác tốt trên fanpage của di tích nhà tù Hỏa Lò (ảnh chụp màn hình)
Những bài đăng có lượt tương tác tốt trên fanpage của di tích nhà tù Hỏa Lò (ảnh chụp màn hình)

Mượn hình ảnh Roméo và Juliet, fanpage này cũng được 36.000 người dùng mạng xã hội yêu thích bài đăng, với đoạn hội thoại: “- Dừng lại đi Roméo, anh không cho tôi đi Hỏa Lò; - Juliet, nhưng em đã đi 99 lần rồi; - Nhưng người ta có nghỉ ngày nào mà em phải nghỉ”. Tháng 9/2022, loạt ảnh kể câu chuyện đôi tình nhân đưa nhau đi thăm nhà tù Hỏa Lò được 70.000 lượt yêu thích, gần 8.000 lượt chia sẻ nhờ ý tưởng dí dỏm, cách thể hiện hài hước… Đây chỉ là một số trong rất nhiều bài đăng có lượt tương tác tốt trên fanpage của di tích này.

Trong dịp nghỉ lễ vừa qua, nhà tù Hỏa Lò thu hút 17.000 lượt khách tham quan trong 2 ngày 30/4 và 1/5. Còn ngày thường, trung bình mỗi ngày nơi đây đón 2.000 lượt khách. Ngoài giá trị về mặt lịch sử, thông tin…, một trong những điều giúp Hỏa Lò thu hút du khách chính là chiến lược truyền thông.

Những thông tin lịch sử được “kể” bằng đồ họa, video, lời bài hát, câu đố, hình ảnh thiết kế bắt mắt theo nhiều phong cách… trở nên mềm mại và cuốn hút hơn. Ngoài Facebook, đơn vị này cũng phát triển truyền thông trên Instagram, podcast phát trên Spotify…

Các nội dung truyền thông được tách thành 2 nhóm. Bài đăng chuyên môn có đội ngũ giáo dục, nghiên cứu, sưu tầm cung cấp tư liệu chuyên sâu để đội ngũ truyền thông biên tập lại hoặc chủ động cung cấp bài viết để sử dụng trên trang. Bài đăng tương tác do đội ngũ sáng tạo thực hiện, có người phụ trách chuyên môn để kiểm duyệt.

Chọn nhà tù Hỏa Lò là điểm tham quan đầu tiên khi đến Hà Nội, Khánh Vân (sinh viên Đại học RMIT) chia sẻ: “Điểm chạm đầu tiên giữa tôi và di tích này là qua một bài đăng trên Facebook về việc sát trùng sau dịch để đón khách, rất đáng yêu, đậm chất gen Z. Tôi nghĩ nhiều bạn cũng giống tôi, bị thu hút bởi sự trẻ trung và hài hước của admin. Không ai ngờ một di tích lại đi truyền thông theo cách thức đó.

Bên cạnh đó, di tích Hỏa Lò còn tạo được sự hứng thú nhất định về lịch sử và về câu chuyện của nhà tù. Họ truyền tải nội dung về lịch sử qua hình ảnh thiết kế rất chỉn chu, hiện đại, có những series chuyên đề xen kẽ với những nội dung tuyên truyền khéo léo. Họ còn tạo dựng được một nhóm cộng đồng HistoTea trên Facebook để khán giả/khách của họ cùng chia sẻ và học hỏi thêm về lịch sử. Di tích có tour trải nghiệm ban đêm, gần gũi với các xu hướng trải nghiệm hiện nay để thu hút người trẻ tìm hiểu về lịch sử nhiều hơn, khiến họ thấu hiểu hơn. Từ đó, di tích tạo được vòng tròn trải nghiệm hoàn chỉnh cả trực tuyến và trực tiếp”.

Phải đúng cách mới hiệu quả 

Phân tích về thành công của nhà tù Hỏa Lò, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu (nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM) cho rằng về vị trí, đặc điểm, ý nghĩa của di tích đã là chất liệu tốt thu hút công chúng. Hoạt động truyền thông ở đây xuất phát từ cộng đồng, những bạn trẻ sau đó mới lan tỏa đến cơ quan có trách nhiệm và thúc đẩy hoạt động này tiếp tục phát triển.

Các em thiếu nhi tham quan trụ sở HĐND - UBND TPHCM - di tích kiến trúc nghệ thuật  cấp quốc gia trong dịp lễ vừa qua - ẢNH: QUỐC THÁI
Các em thiếu nhi tham quan trụ sở HĐND - UBND TPHCM - di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trong dịp lễ vừa qua - Ảnh: Quốc Thái

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa các di tích khác không có cơ hội hay điều kiện để thực hiện các hoạt động truyền thông. TPHCM là địa phương có đặc thù. Tại trung tâm thành phố, có 2 di tích đã rất phổ biến với công chúng là nhà thờ Đức Bà và bưu điện TPHCM vì là nơi công cộng, “rộng cửa”. Còn nhiều di tích khác được sử dụng như công sở nên ít có điều kiện truyền thông, quảng bá. Vừa qua,

TPHCM mở cửa cho khách tham quan trụ sở HĐND - UBND vào dịp lễ, cũng là điểm đáng chú ý, nhưng vẫn nghiêng về việc tham quan đơn thuần. Những câu chuyện lịch sử, ý nghĩa công trình chưa được quảng bá rộng rãi. Trong khi đó, nhiều di tích khác chưa được truyền thông dù công trình rất đẹp và có nhiều ý nghĩa.

Truyền thông cho di tích không phải chỉ là việc làm của ngành văn hóa, du lịch. Công việc này cả xã hội có thể làm, chỉ cần đúng cách. Có nhiều phương thức truyền thông cho di sản, di tích. Mỗi câu chuyện của du khách khi đến với di tích, thông qua việc được đón tiếp chu đáo, nghe những câu chuyện hấp dẫn, di tích được bảo tồn tốt… là chất liệu truyền thông tốt và hữu hiệu nhất. Điều này đồng nghĩa điểm đến phải hấp dẫn, chất lượng dịch vụ tốt.

Dễ thấy điều này từ thành công của di tích nhà tù Hỏa Lò. Ở đây có cách sắp đặt, trưng bày hiện vật sinh động, lối thuyết minh ấn tượng khi khéo léo gắn từng hiện vật với những sự kiện, nhân vật cụ thể; chương trình Đêm thiêng liêng thường “cháy vé” vì cách thể hiện sống động, nhiều cảm xúc…

Theo bà Nguyễn Thị Hậu, ở góc độ nhà quản lý, bên thụ hưởng lợi ích đầu tiên từ di tích là ngành du lịch. Với họ, không hẳn do khó khăn về kinh phí nên không xây dựng được hoạt động, đội ngũ truyền thông hiệu quả mà vấn đề là chưa tìm được “chìa khóa”.

Để truyền thông tốt, công tác xây dựng ngân hàng dữ liệu là hết sức quan trọng. Việc này đã được cơ quan quản lý văn hóa cấp bộ thực hiện một số bước đầu và cần được đẩy mạnh trong thời gian tới. Khi đã có ngân hàng dữ liệu thì phải tính được kế hoạch vận dụng, ứng dụng để phát triển rộng thông qua các mạng xã hội, ứng dụng… Ngoài ra, cần lưu ý việc truyền thông nên hướng đến việc thu hút sự quan tâm của du khách nước ngoài.

Phó giáo sư, tiến sĩ  Nguyễn Chí Bền - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Trước nay, các di tích chỉ thường được nhìn nhận là những công trình kiến trúc nghệ thuật hoặc chính trị lịch sử mà chưa có được từ khóa để truyền thông cho phù hợp, từ đó đưa ra những câu chuyện, ý tưởng thú vị đến công chúng.

“Truyền thông không chỉ là việc đưa hình ảnh, thông tin đơn thuần đến công chúng, mà phải tạo được ấn tượng mạnh với họ. Truyền thông chỉ được xem là hiệu quả khi nó có đủ sức thôi thúc, lôi kéo công chúng đến với di tích. Trong sự phát triển chung, hình thức truyền thông cần có nhiều sự sáng tạo và hiện đại hơn” - bà Nguyễn Thị Hậu nhấn mạnh.

Nắm bắt được lợi ích của mạng xã hội, nhiều di tích nổi tiếng (ở các thành phố lớn và cả ở các tỉnh) đã thành lập fanpage, website để quảng bá. Tuy nhiên, nhìn chung việc hoạt động chưa thực sự hiệu quả, sôi nổi. Lượt theo dõi của các trang này chỉ từ vài trăm đến vài ngàn người. Trong đó, có một số đơn vị thường xuyên đăng tải hình ảnh, thông tin nhưng chỉ dừng ở mức cung cấp thông tin đơn thuần chứ chưa tạo được sự thú vị. Một số đơn vị thì việc này được thực hiện không liên tục, thậm chí vài tuần, vài tháng mới có một bài đăng.

Việc tạo lập các kênh truyền thông trên các nền tảng không quá khó. Nhưng để duy trì, hoạt động hiệu quả thì vấn đề nhân sự là yếu tố quan trọng hàng đầu, cần được chú trọng. Nhiều ban quản lý di tích cho biết người đảm nhận công việc này hiện đều chủ yếu kiêm nhiệm, chứ không có lực lượng riêng. Vì thế, việc sáng tạo, cập nhật xu hướng… là điều khó thực hiện.

Ban quản lý một di tích quốc gia ở tỉnh Quảng Ninh cho biết khi đăng tải hình ảnh, thông tin đều dựa vào kinh nghiệm của các cá nhân phụ trách, đôi khi mới có liên kết với đơn vị phụ trách văn hóa, thông tin cấp trên.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI