Truyện ngắn - Duyên may

07/03/2022 - 18:11

PNO - Chị Mừng, theo mô tả của bác chủ trọ, không lẫn vô đâu được bởi nét cười lúng liếng thường trực, áo bà ba nâu hơi cũ, gương mặt đen nhẻm, quạt mo cau phe phẩy bên bếp than nướng khoai lang.

Đan gặp chị Mừng ngay đầu đường số 7 như chỉ dẫn của bác Hậu chủ khu trọ. Ban chiều, Đan ghé xóm, ông thủng thẳng biểu bây muốn biên bài bánh mứt hay thương nhớ quê nhà chi cứ nhằm con Mừng. Vợ chồng nó ở xóm trọ ni 13 năm chẵn rồi, trầy trật một tỷ đường, mà coi cái mặt khi mô cũng cười toe. Buồn nhiều quá, khóc đã đời rồi thôi chớ răng chừ.

Đường số 7 vừa được quy hoạch thành khu ẩm thực phía đông thành phố, đa phần gian hàng đều bán thức ăn vặt, một ít quần áo giày dép và đồ thủ công. Chị Mừng, theo mô tả của bác chủ trọ, không lẫn vô đâu được bởi nét cười lúng liếng thường trực, áo bà ba nâu hơi cũ, gương mặt đen nhẻm, quạt mo cau phe phẩy bên bếp than nướng khoai lang. Chị vô cuộc trò chuyện với Đan rất nhanh, có lẽ vì nghe cô là đồng hương hoặc vốn tính chị xởi lởi, dễ gần. 
***
Cũng mới, thành thử chưa có chi nhiều, giáp vòng một lượt là quen mặt hết anh em buôn bán. Tụi tui phải bớt xén đóng tiền tháng, có điều như ri là đỡ hung, chớ xưa khi mô cũng dáo dác chạy trốn đội trật tự. Chu choa, còn trẻ thiệt thích… Mười ngàn em, chị cảm ơn, lần sau ghé nữa hỉ… Hơi lạnh, cô phóng viên ngồi sát vô đây cho ấm. Răng không quấn thêm cái khăn choàng? Tay làm miệng nói, đứt đoạn khúc mô, cô thông cảm giùm. Chớp bóng hả? Cô cứ tự nhiên có chi mô.

Ảnh: Phùng Huy
Ảnh: Phùng Huy

Khi nãy nhắc chuyện tết, thiệt tui buồn. Từ nhỏ tới chừ 33 tuổi đầu, có năm mô tui không mê tết. Con nít mê kiểu con nít, người lớn có cái lối riêng của người lớn. 13 năm ly hương chưa một lần về quê ăn tết, kể ra không chừng người ta cười. Làm chi kinh, hơn ngàn cây số chớ bao nhiêu đâu, đi vòng xe mười mấy tiếng đồng hồ là tới, tấm vé vài trăm bạc, hổng lẽ kiếm không nổi. Thì rứa, mỗi người một cảnh mà cô. Hồi mới đi, tụi tui quả quyết chừng hai, ba năm là về, cùng lắm thì 5 năm thôi, ai mà ngờ… Tui sinh Bắp thì bà ngoại vô chăm, rồi ẵm luôn thằng nhỏ về ngoài quê trông chừng, lo cho ăn uống học hành. Để kể cô nghe, mới tuần trước, hắn gọi điện thoại nói cô giáo ra bài tập về nhà, vẽ bữa cơm sum họp của gia đình. Tui hí hửng đoán Bắp vẽ con, ba má, ông nội và ông bà ngoại ngồi ăn cơm. Cảnh nớ quen mà. Hắn kêu không, có ông nội, ông bà ngoại, con nữa thôi. Ủa, răng lạ rứa, ba má bỏ mô rồi? Hắn ngừng lâu lắc mới trả lời ri: “Con đâu được gặp ba má, chừ không biết ra răng luôn. Làng nói ảnh cưới hắn giả giả, tại người ta chỉnh hết trơn rồi, mà cũng cũ quá. Con nhớ ba má, mà con có biết ba má ra răng”. Đó, cô, nghe đứt ruột. Từ hồi má tui ẵm Bắp về tới chừ, tụi tui đâu thấy mặt nhau. Cậu Út hay chụp hình Bắp gửi vô cho tụi tui thôi. Hồi gần đây, điện thoại xịn hung rồi, gọi được vi đeo vi điếc. Muốn chớ cô, mà tui dằn lòng hết sức. Anh Vui ảnh buồn. Mặt anh như ri, sợ thằng nhỏ chết khiếp, tối ngủ gặp chiêm bao.

Tên thiệt hắn hả, Hạnh. Tôi Mừng, anh nhà tôi Vui, tính bụng có hai đứa thì là Hạnh, Phúc tròn luôn. Má tui hay thở hắt, nói Mừng Vui Hạnh Phúc chi, má chỉ thấy tụi bây cực quá. Tui cười hề hề, mai mốt hết cực, má đừng lo. Mai mốt là hồi mô thì tui không biết được. 

Tụi tui gặp nhau chỗ chợ quê thôi, đâu có rình rang, lãng mạn. Nhà tui mần ruộng trồng bắp trường kỳ. Chừng lớn, tui đổ giá gánh ra chợ Tranh, kê cái chõng tre bán rau sống thêm. Anh Vui ở với ông già. Má ảnh, thiệt tui không biết kể răng, bà mất tích đợt lụt năm 1999, còn hay đã về bên kia là dấu hỏi như cây kim to đùng ngoáy hoài ngoáy hủy trái tim người ở lại. Quê mình chuyện ni có hiếm mô, khổ miết rứa cô. Ba con ảnh vô rừng bứt đót, lợp chái tranh ngồi bện chổi đầu chợ. Tui thương ảnh cũng tự nhiên như lời má tui hay nói phải duyên phải nợ chạy lòng vòng tỷ năm rồi cũng gặp. Có nói từ yêu mô, dị òm. Ảnh hỏi: “Em…”, ngập ngừng xí rồi mới tiếp “về làm dâu của ba tui không?”. Tui gật.

Mùa màng ngày càng thất bát. Quê mình, có khi cắm mặt cày bừa gom góp chục năm, chớp mắt cái, nước nuốt sạch không còn một tăm tích. Cô vô thành phố từ nhỏ, chắc chưa nếm mấy cảnh ni. Mà ở đời, chuyện chi đau hung thì lại nhớ lâu nhớ kỹ. Tụi tui dắt nhau nhảy xe, hẹn kiếm đôi ba đồng chừng kha khá thì về. Má tui đứng chấp chới quẹt mắt dưới hàng cau đầu ngõ. Ba tui nạt, sụt sùi chi bắt mệt rồi xách xe đạp một nước đi mô không biết. Ba chồng tui, như thường lệ, vẫn ngồi bện chổi đót, nín khe cho tới chừng tui mếu máo “thưa ba con đi” mới húng hắng ho: “Có đứa cháu nội cho mừng”. Nghe cụt đầu cụt đuôi rứa chớ tui hiểu ông xót vợ chồng tui, cuộc đời ly hương ba phần ngỡ ngàng, bảy phần đau đáu. Tụi tui xin vô xưởng giày hết một lượt, phải hơn hai năm sau nữa mới đậu thai.

Bác Hậu nói sơ qua với cô rồi hả? Ừ, bác hiền khô. Tui cứ tưởng ở thị thành người ta xét nét, tính toán, mà hóa ra đâu phải. Anh Vui kêu trời quơi răng bác chủ trọ y ba tui. Ở khu ni mà tiền phòng triệu hai bạc là rẻ hung rồi. Bữa tui giỡn, mốt được quy hoạch lên thành phố trong thành phố, chắc cũng phải lên tiền lên bạc, bác Hậu khề khề, thì phải rứa chớ, bây ráng kiếm lên bạc lên vàng hè. Qua từng năm, mấy lượt xì xầm thon thót chờ tin tăng giá phòng, rốt chỉ thấy đôi mắt hấp háy cười đằng sau mấy chậu bông kiểng, tụi tui quên luôn vụ ni. À, phải kể thêm với cô, từ mùa hè tới chừ, khi con bệnh cô-vít quái quỷ tấn công, bác Hậu chê tiền trọ, đâu có lấy của tụi tui đồng nào, cả xóm luôn. Bác kêu dịch ni bây kiếm mô ra tiền, cứ sống đi đã.

Bận anh Vui nói: “Chừ em có bỏ, anh cũng không trách chi mô”, tui nổi khùng, chạy ra nhà bác Hậu. Bác làm cho ly xu xoa biểu ăn mát ruột rồi về, tại ảnh đau lòng mới nghĩ lung thôi. Mà, tui đâu về, sẵn mớ tiền trong bị bèn ra chợ mua gà, mua rau, mượn bác cái nồi bự chảng nấu nước nhân mời cả xóm ăn mì Quảng chơi. Anh chị em la làng, vụ chi ngon ri hè. Tui lẫy, ý là với chồng tui, rứa chớ nói xa xôi thôi, chừ em mần xóm ăn vui, chừng người ta thôi thương xua em đi rồi nhớ đứt ruột không biết chừng. Nớ là lần đầu tiên tui thấy ảnh khóc, khóc thiệt, như trẻ nít lạc má giữa chợ đông.
Chiều ghé cô có thấy mảnh sân rộng giữa xóm, chỗ nớ bác Hậu cho lợp chòi lá dựng mớ thanh ngang xung quanh không? Đúng rồi.

Ngày mô tụi tui cũng ra tập, chập chững từng bước một, nhiều khi té nhào. Thời gian còn lại thì trẻ nít trong xóm chơi bập bênh, chỗ nớ mát rượi mà. 5 năm đầu, ảnh nằm một chỗ. Tui nghỉ công ty, buôn bán lủ khủ. Sớm thì khoai lang, xôi đậu… xong quẩy đôi gánh đậu hũ đi dài mấy con hẻm tới đứng bóng rồi giúp việc nhà cho người ta, tối muộn thì bán bắp, khoai nướng. Hên nghe, khi tui còn nhỏ tính rất tò mò, cứ thấy má mần chi cũng đòi học. Nấu đậu hũ, khuấy nước cốt dừa, mần xu xoa, mỗi thứ tui biết một chút, rứa rồi tới chừng lao đao, duyên nghề đưa đẩy giúp mình chống chọi. Cũng may là có bác Hậu và anh chị em trong xóm tiếp một tay phụ tui chăm nom, tránh cho cơ thể anh Vui khỏi bị lở loét vì nằm quá lâu.

Ba năm tiếp theo là đoạn tập đi. Bác sĩ nói chuyện ảnh trở mình ngồi dậy được là kỳ tích. Ảnh nuốt rất khó, hầu như bữa mô tui cũng xay thức ăn thành cháo nhuyễn. Ảnh nói được mô cô. Phàm, là con người, đang khỏe mạnh, đùng một phát phải há miệng a, o lại từ đầu, ai mà chẳng đau, chẳng cáu nên nếu ảnh có quạu thì tui nín hoặc nói lảng qua chuyện khác, tỉ như hồi sáng nghe đài báo bữa ni có lẽ sẽ mưa, em nấu nồi nước đậu đen uống chơi, bác Hậu cho tô cá lóc um chuối rất mềm…

Cô ngó qua bên tê tề, chỗ sắp nhỏ chùm hum đó. Anh Vui đang ngồi bán tò he cùng Kỳ, cậu ni chung xóm trọ tui. Kỳ tự nặn tò he bột nếp rang, rất là kỳ công. Không dùng phẩm màu công nghiệp, hắn tự chế màu bằng các loại cỏ nhọ nồi, trái gấc, lá riềng, củ nghệ thôi. Tụi nhỏ mê tít mấy món Kỳ nặn nghe, nào là chú Aladin, Pokémon, siêu nhân, cậu bé phù thủy… Cái nia trước mặt anh Vui là tò he đất sét xứ Hà Phước ngoài mình. Tụi tui đặt mua nhờ gửi theo xe đường dài, thổi hắn kêu te te cao vút vui quá chừng. Khách mua nhiều. Tui thấy cả người trẻ lẫn người già, dân mình lẫn dân Tây đều ưng. Đó là một duyên may… 

Bác Chín ơi, coi giùm con xí hỉ, con qua bên anh Vui cho cô phóng viên chớp bóng. Hơ hơ, ăn thoải mái bác Chín, khoai lang chớ phải sơn hào hải vị mô mà dè xẻn ta ơi. 

Cơn đột quỵ ập tới bất thình lình, bận tui mang thai Bắp bảy tháng, ảnh 29 tuổi. Thì rứa, răng ngờ tới cảnh nớ cho được dù tụi tui đã đi qua bao nhiêu bận lụt tai ương quê nhà. Ban sáng, hai vợ chồng còn tấp gánh xôi vỉa hè mua hai gói, thêm vài củ khoai lang. Ai đó mách nước ảnh rằng khoai luộc tốt cho vợ bầu. Nửa buổi, còi xe cứu thương réo inh ỏi chạy thẳng vô sân công ty. Tụi tui dáo dác, chuyện chi rứa hè. Chuyền trưởng hộc tốc xẹt tới chỗ tui muốn đứt hơi, biểu chạy ra mau lên chồng em có chuyện rồi. Tui ngờ ngợ, nói chị giỡn chơi kỳ cục quá. Giỡn chi mà giỡn, nhanh lên, hắn té rầm trong nhà vệ sinh, may có đồng nghiệp phát hiện đặng cấp cứu. Vác bụng bầu lặc lè, tui lao đi, không còn nhận ra những gương mặt xung quanh.

Mừng cô. Người còn thì còn hy vọng. Chừng ảnh bắt đầu phát âm tròn câu ngắn, tay chân nâng lên hạ xuống gọn gàng hơn thì nhất quyết đòi ra vỉa hè ngồi bán vé số. Cũng có người bày tui kiếm cái thau nhỏ cho ảnh ra chợ xin bố thí. Tui gạt phăng hết, nghĩ mình còn gượng được, còn tay còn chân mần ăn lo được cho ảnh, đâu thể xin. 

Tui mê tết hung. Đói kém, lụt lội chi kệ, tết mô má tui cũng sên mứt dừa, mua mấy xấp vải may đồ mới cho bầy con. Năm đầu vô thì tui rất thủng thẳng, hơi chạnh lòng nhưng không buồn lâu, nghĩ vài ba năm tha hồ về chơi. Gặp phải tai ương, thành ra tới 13 năm. Cứ cuối Chạp, tui lại ghé khu chợ công nhân, đi giáp vòng, bày đặt ngó món ni, rờ món tê, hỏi giá, gật đầu rồi lắc đầu như kiểu người ta thong dong đi chợ tết. Những cuộc trò chuyện thường trồi lên, với chính tui, từ trong tui. Cái đầu tui an ủi, thôi Mừng, chừng anh Vui khỏe thì về chớ chi. Mừng ơi, mi ráng lên, đừng khóc. Chừ, ba má đã phát hàng rào chè tàu cho bằng chưa hè? Ông nội Bắp có sắm sửa chi hay lại dùng dằng qua bữa? Ừ, rồi cũng hết ba bữa tết, mình lại bập vô cuộc mưu sinh nhọc nhằn.

Nhưng mà ở phố thị, bất chấp được thương nhiều, tết không có bà con nội ngoại thân tình kề bên đâm ra trống trải, hụt mấy tỷ nhịp trong cõi tim mình, cô hỉ? Má sợ con thèm, cái tết đầu sau bận anh Vui đột quỵ, bà sên cho một hộp mứt dừa thiệt bự gửi vô. Tui phải lén chia cho cả xóm, không dám giữ miếng nào trong phòng trọ. Đúng rồi cô. Cháo mà ảnh còn khó nuốt, nói chi tới mứt. 

Cô tới bữa ni thiệt hên, chừng tuần nữa tụi tui về quê, ra Giêng vô lại. Anh Vui còn phải đi viện nhiều mới khỏe được, chỗ chợ ni buôn bán coi bộ ngon, tụi tui trụ thêm ít năm nữa. Vé thì đã sắm sẵn. Khoe cô, từ hồi vô trong đây, ngày mô tui cũng bỏ bùng binh mười ngàn. Bỏ miệt mài, mỗi năm một ông, tới chừ trên gác có đủ 13 ông bùng binh. Mấy năm anh Vui bệnh, tui dùng dằng tính thôi, trộm nghĩ, chuyện có bấy nhiêu mà mình đã nản thì đường đời chông chênh mần răng bước cho vững. Bữa tui bàn anh Vui, thôi mình về, chừ anh đi lại được rồi, mặt mày cũng đỡ, con cái cốt yếu muốn gần ba má, đẹp, xấu lo chi anh.

Nghe Bắp kể chuyện vẽ bức tranh gia đình, tụi tui chạnh lòng càng thêm động lực quyết gọn, đặt mua vé luôn. Tiền trong bùng binh, tui đem về sửa sang căn nhà cho ba chồng. Bắp nói ngày mô con cũng đạp xe qua coi nội bện chổi, nói mai mốt lớn theo nghề ni, bị nội la um luôn má. Nội biểu bộ hết nghề hay răng mà đâm đầu vô cho cực. Con ưng rứa, nội la nhiều thấy mặt nội giãn ra, như là bớt cô đơn mấy phần. Mới chút tuổi mà ổng cụ non chưa cô. 

Anh, cô Đan đồng hương, cổ muốn hỏi đôi ba chuyện mình và chớp vài pô ảnh hai vợ chồng đặng đăng báo. Có chi ngại, mặt mày, công việc mình mần đàng hoàng mà. Rứa để em chải lại tóc cho. Áo sơ mi màu xanh ni sáng sủa rồi. Thấy chưa, trời, lên hình đẹp hung nghe. 

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI