Truyện ngắn - 14 ngày và 30 phút

09/02/2021 - 17:57

PNO - Đám nam thanh nữ tú đứng trước cửa hiệu thấy anh đi qua thì chào mời rôm rả. “Chú vào xem hàng cháu đi” - nam thanh bảo. “Chú vào ngồi thử mấy phút đi” - nữ tú bảo. Thoáng nhìn qua tường kính thấy mấy cái ghế mát-xa đen ngòm sừng sững. Ghế mát-xa.

Anh xua tay: “Để lúc khác, chú đang vội”. Vội thật, đang đi chứ ngồi gì được. Một nam thanh và một nữ tú vẫn bám theo. Thoáng thấy mấy nam nữ kia đã tách ra để mời chào một người khác đang đi tới. Hai đứa cố nhì nhằng: “Chú chỉ cần bớt mười phút để cháu giới thiệu sản phẩm mới, rất nhiều tiện dụng”. Anh lại lắc đầu: “Chú biết rồi!”. “Không ạ, đây là hàng mới nhập từ Nhật, không phải đồ Đài Loan China” - nữ tú bảo. Anh lại vừa đi vừa đáp: “Thôi thôi, chú còn qua đây nhiều, sẽ vào sau”. 

Đến đấy thì nam thanh năn nỉ: “Chú chỉ cần vào ngồi năm phút, cho chúng cháu tính công có tiền ăn trưa nay thôi ạ”.

Dứt được ra mà đi rồi, nhưng cái câu “có tiền ăn trưa” không dứt ra được. Nó bám mãi trong đầu, day dứt. Nó cám cảnh. Nó gây cảm thương. Nó làm cho người ta đi rồi mà cứ thấy vướng víu nặng nợ, vừa đi vừa tự trách mình. Lòng cảm thương của mỗi người không đủ dùng cho một ngày.

Gặp bà bán củ từ, củ dong, khoai lang luộc, đang gánh hàng đi thì bị đổ lăn lóc trên vỉa hè. Mua giúp. Thằng bé lỉnh kỉnh bán bấm móng tay đồ chơi kẹo cao su ở quán nước. Mua hộ. Cô bé đứng ở chỗ đèn xanh đèn đỏ chạy ra dúi vào tay người dừng xe máy tờ quảng cáo quán ăn mới mở. Nhận cho nó. Lại vì thấy nó xinh quá nên giả vờ đọc chăm chú cho nó đỡ thất vọng. Đèn xanh bật lên, phóng xe đi thì sang đến bên kia ngã tư thấy những tờ quảng cáo bị ném xuống đường bay lả tả. 

Đến khi gặp cái ghế mát-xa thì lòng cảm thông đã cạn. Vừa bỏ đi vừa như tự giải thích, chắc cửa hàng tính công cho nhân viên bằng số lượng khách đã vào và chịu ngồi thử ghế, chịu nghe nhân viên hướng dẫn và quảng cáo về mặt hàng. Tức là nhân viên đã làm việc và nhân viên được chấm công. Ôi trời!

Lên đến văn phòng, đi qua phòng của sếp, liếc nhìn cửa kính rèm lá sách không buông, thấy cái ghế trống không. Sếp chưa đến. Cái ghế không người lại như mời mọc. Vào ngồi năm phút cho chúng cháu có tiền ăn trưa. Mà lúc này mới thấy cái ghế của sếp giống ghế mát-xa thật. Cũng đen ngòm bề thế, cũng lưng ghế cao quá đầu người. Như một cái ngai nữ hoàng chứ không phải chiếc ghế tổng thống. Ghế tổng thống Pháp không thế, ghế tổng thống Mỹ không thế, ghế cho quan chức nội các họp hành tham vấn trong phòng bầu dục Nhà trắng không thế. Ghế nào cũng thanh thoát giản đơn, lưng ghế chỉ cao bằng vai hoặc chưa bằng vai. Mà nghĩ cho cùng, ghế nữ hoàng thật ra có cao lên như thế không nhỉ?

Sếp này cũng là một nữ hoàng. Doanh nhân thành đạt từng đi thi hoa hậu thành đạt và đoạt giải áo dài. Áo dài trơn mượt không cầu kỳ lúc đi thi, nhưng khi tiếp khách tổng công ty thì trang phục đầy ren, ren xếp nếp đầy trên vai và lòe xòe quanh cổ. Thôi không nói chuyện ăn mặc của người ta, giờ đang nhìn vào cái ngai nữ hoàng thì hẵng nói chuyện cái ghế. Vừa mới có quyết định đề bạt lên tổng, việc đầu tiên là sếp sắm ngay cái ghế này về. To vật, nặng trình trịch, khiêng vác vào phòng huỳnh huỵch. Cái ghế xoay của đời sếp trước bị tống ngay đi. Ông phó xin luôn về phòng mình hình như để lấy may. Lộc của đời sếp trước mà đời này quẳng đi như rác thì chưa chắc đã phải là lộc. Ông tin thì kệ ông.

Sếp lấy hóa đơn chiếc ghế đưa cho quản trị thanh toán. Chẳng may, công ty không hẳn là đơn vị độc lập mà được chủ động chi tiêu. Vụ quản trị không chịu thanh toán. Thứ nhất, cái ghế cũ mới mua hai năm rưỡi, mà 5 năm mới hết thời hạn khấu hao. Thứ hai, xin nhắc lại quy định, mọi tài sản mua sắm cho cơ quan đều theo quy trình làm giấy đề nghị và chờ duyệt. Giá thành bao nhiêu, mẫu mã thế nào, đều phải theo tiêu chuẩn cấp bậc. Nói tóm, sếp chỉ được dùng cái ghế hao mòn hai năm rưỡi. 

Ông phó biết tin ghế mới không được duyệt, nhưng ông cũng ì ra, khi nào sếp ấy đòi lại thì mới trả, giờ mang trả ngay, cô ấy lại tưởng mình hả hê quá mức. Còn sếp thì miệng vẫn tươi cười trên cái cổ đầy ren xếp nếp, nhưng ai mà biết trong lòng sếp thế nào. Rồi chưa biết lão vụ trưởng quản trị sẽ được xơi lại đòn gì đâu. Sếp phải cắn răng bỏ tiền túi ra cho cái ngai nữ hoàng, hơn chục triệu.

Gần trưa thì có một tin chấn động. Hộp thư điện tử của toàn bộ nhân viên nhận được một cái email thông báo. Sếp làm việc tại nhà, bắt đầu từ hôm nay và kéo dài trong mười bốn ngày tới. Cách ly rồi. Lý do, sáng sớm nay sếp đi đánh “gôn” với một nhóm bạn, trong nhóm bạn ấy có một người vừa mang bệnh vi-rút Corona từ nước ngoài về. Cả bọn đang gảy bóng thì người ta đến bắt ông kia đi cách ly tập trung, đám bậu xậu vây quanh ông ta được lệnh tự cách ly tại nhà. 

Mười bốn ngày. Hai tuần. Toàn bộ nhân viên lòng đầy hân hoan. Như kiểu học sinh đến lớp mà được tin cô giáo chủ nhiệm phải đi viện hai tuần. Thông thường chỉ dám ước mơ cô ốm vài ba ngày thôi, một thứ ước mơ cò con vụn vặt. Đằng này đã trở thành hiện thực một cái ước mơ quá xa xỉ.

Buổi chiều giao ban đột xuất. Từ nhà riêng, sếp bật máy quay trên mạng kết nối đến phòng làm việc của chính sếp. Các trưởng phòng, trưởng ban được triệu tập vào phòng sếp, trong ấy có cái ti vi màn hình năm mươi lăm inch. Bộ sô-pha chen chúc ngồi được tám người. Bê thêm mấy cái ghế đẩu nữa là đủ. Cái ngai sau bàn làm việc thì ông phó tót lên ngồi, giở sổ tay ra đăm chiêu như lăm lăm ghi chép lời vàng ý ngọc, chẳng biết ông nghĩ gì.

Sếp hiện lên trên màn hình năm mươi lăm inch đúng tư thế bà tổng, vẫn trang phục cổ đầy ren tiếp khách quốc tế. Mọi người săm soi xem trên mặt trên cổ sếp có nốt ban đỏ nào không, nốt bầm tím nào không, nước da trắng hồng hay xanh tái. Sếp ở nhà một mình nên sếp không đeo khẩu trang. Anh em ở đây ngồi cạnh nhau nên khẩu trang nghiêm chỉnh đầy đủ chính quy, loại y tế hai lớp xanh da trời và trắng tự nhiên. Đôi mắt sếp nhìn thẳng ống kính nên ai cũng tưởng sếp nhìn mình. Rồi ai cũng tưởng sếp nhìn ông phó đang ngồi trên ngai của sếp. Mà xem ra ông ấy chẳng nghĩ gì.

Việc ai người ấy ghi chép lại để thực hiện. Anh thì nghĩ không biết cái ghế kia ở chỗ cái bàn tọa có lò xo rập rình hay không. Lại băn khoăn chỗ lưng ghế có bàn chông không, hay chỉ là những quả cầu mát-xa cuồn cuộn trồi lên thụt xuống. Hay là nó có chức năng bấm huyệt làm cho người ngồi tỉnh táo. Trông ông phó thì đang nhấp nhổm cựa quậy không triệu chứng ngái ngủ thế kia.

Nhưng ông phó chỉ ngồi cái ngai ấy hai ngày rồi bỏ. Ông là người đã chạy đua vào cái ghế sếp nhưng đã để thua, giờ cũng chỉ ngồi hai ngày thì bỏ cuộc, chạy ra sô-pha ngồi, chẳng hiểu ông có ý gì. Cái ngai bỏ trống, anh em mỗi người ngồi một hôm, ai đến sớm thì ngồi. Cũng chẳng ai quan tâm xem sếp giao ban trên màn hình có bằng lòng hay không. Cứ thế mà anh ngồi, chị ngồi, cô ngồi, tôi ngồi. Hoa thơm mỗi người ngửi một tý. Người thứ nhất ngồi. Người thứ hai ngồi. Người thứ ba ngồi. Tất cả đều được ngồi.

Mỗi ngày giao ban một lần buổi sáng như lệ thường. Người ta tò mò xem ngồi nhà giao ban sếp có thay đổi trang phục hay không. Có. Trên mạng đang lan truyền cái ảnh sếp nam nào đó giao ban trực tuyến từ nhà riêng, khung hình chỉ là nửa người của sếp sơ-mi, ca-vát đầy đủ nhưng ác hại là sau lưng sếp có một cái gương to. Và trong cái gương ấy người ta thấy sếp chỉnh tề sơ-mi bên trên nhưng bên dưới không mặc quần, phơi lộ cái bàn tọa hồng như đít trẻ con mới đẻ.

Không. Sếp ta không thế. Sếp ta mỗi ngày một bộ, ren xếp nếp đầy cổ thì hôm nay ren hồng, mai ren trắng, kia ren màu ngọc bích, ngọc lam. Bức tường sau lưng sếp không có một chiếc gương nào. Tường trơn. Không tranh tân gia kiểu Gang of Five nhóm năm họa sĩ trẻ. Không bằng khen khung vàng to tướng top ten hoa hậu quý bà, không bằng khen khung nâu to vật chiến sĩ thi đua toàn ngành. Không. Tường trắng. Không một phản chiếu, không một phô bày. 

Nói cho đúng thì có. Một lọ hoa nhỏ đằng sau. Hai ngày đầu hoa hồng đỏ bầm như tiết luộc. Ba ngày tiếp theo hoa bướm păng-xê, mỗi ngày một màu, păng-xê mỏng manh chóng tàn. Ba ngày tiếp theo chỉ đơn giản là lọ vạn niên thanh be bé. Ba ngày nối là hoa cúc vàng, ngày xưa chỉ mùa thu mới có, ngày nay cúc vàng đại đóa nở quanh năm. Ba ngày nữa là hoa trạng nguyên đỏ tưng bừng. Mười bốn buổi giao ban. Màu hoa cứ vàng cứ tươi dần lên cho đến khi mãn khai đỏ rực. 

Lúc ấy mới lại truyền nhau. Sếp không hề chơi “gôn” ghiếc gì với cái ông mang bệnh về cho đất nước. Không phải sáng sớm hôm ấy mà từ chiều hôm trước. Buổi chiều hôm trước, sếp đến thăm lớp học tình thương của một ông kỹ sư về hưu, mở lớp dạy miễn phí cho trẻ em xóm lao động. Xóm nheo nhóc bên sông, toàn những nhà lao động vãng lai độ nhật. Ông dạy toán, lý, hóa. Thêm một bà bạn ông dạy văn, sử, địa, ngoại ngữ. Ông mời sếp đến thăm lớp và có kế hoạch hỗ trợ trong tương lai. Có thể là cử nhân viên tuần vài buổi đến dạy các em sử dụng máy tính một cách chuyên nghiệp. Có thể là hỗ trợ những chuyến tham quan văn phòng để xem cách tổ chức và làm việc của một cơ quan. Có thể là giúp đỡ nhiều hơn nữa trong tầm tay của sếp. 

Ông kỹ sư về hưu dẫn sếp vào lớp. Lũ trẻ xóm lao động ngụ cư nhưng khá tinh tươm sạch sẽ, không như người ta ngồi xa mà tưởng. Trẻ con mắt to mắt bé gì cũng xinh chứ không như người lớn. “Giới thiệu với các em đây là cô tổng giám đốc, cô ấy là top ten hoa hậu quý bà, cô ấy đẹp các em nhỉ?”. “Rất đẹp ạ” - lũ trẻ đồng thanh. “Cô ấy là chiến sĩ thi đua toàn ngành ba năm liền, cô ấy giỏi các em nhỉ?”. “Rất giỏi ạ” - lũ trẻ đồng thanh. “Cô ấy đến thăm, em nào học giỏi, chăm ngoan cô ấy sẽ thưởng, các em có thích không?”. “Rất thích ạ” - lũ trẻ lại đồng thanh.

Tất nhiên là khi ấy sếp đã bỏ khẩu trang ra để cho các cháu chiêm ngưỡng dung nhan. Các cháu thì đứa khẩu trang đứa không. Vừa “rất đẹp ạ”, “rất giỏi ạ” xong thì có tiếng ho khan. “Em nào ho đấy?”. Mấy đứa không đeo khẩu trang vơ vội khẩu trang trên mặt bàn đeo cuống quýt: “Đây ạ, bạn ấy đây ạ”. Thầy giáo bước tới sờ tay lên trán chú bé vừa ho. Trán nóng hầm hập. Sốt rồi. 

Đêm hôm ấy, thầy giáo gọi điện cho sếp, báo tin chú bé đã được đưa vào viện, trong khi chờ kết quả xét nghiệm thì toàn bộ lớp học đã được phổ biến tự cách ly. Cả xóm lao động đang được phong tỏa để trong không ra ngoài không vào. Khốn khổ, cái xóm lao động kiếm cơm từng ngày, giờ ngồi bó gối, lấy gì ăn.
Mười bốn ngày tự cách ly, sếp ngồi ở nhà vẫn điều khiển nhóm từ thiện quý bà mang lương thực thực phẩm đến tiếp tế cho xóm lao động ấy. Thà rằng chẳng biết thì thôi. Chứ gặp một lần cũng 
nên nghĩa.

Chuyện ấy cứ vẩn vơ trong đầu anh. Lại đi qua cái cửa hàng ghế mát-xa nọ. Lại có đến bốn năm nam thanh nữ tú đứng chầu trước cửa. Nhìn thấy họ từ xa, anh quyết định hôm nay sẽ chủ động ghé. Đứa nào cũng bảo chú chỉ cần vào ngồi năm phút thôi, nhưng thực tế là hơn ba mươi phút. Đứa sửa dáng ngồi. Đứa ấn lưng cho áp vào thân ghế. Đứa nhấc hai chân anh lên đặt vào đúng chỗ. Tín hiệu đèn lập lòe. Bấm nút điều khiển tanh tách tanh tách. Mấy chục cái quả cầu trong ghế đồng loạt tổng khởi nghĩa. Rầm rập cuồn cuộn.

Người trên ghế lúc dềnh lên như nằm ngửa trên một chiếc bè, lúc lại nhấn xuống dìm sâu trong dòng thác lũ. Mê đi một lúc thì lại thấy một nữ tú ngồi bên cạnh cầm ca-ta-lô thao thao quảng cáo giới thiệu từ cấu tạo, tính năng, tác dụng đến tính ưu việt của sản phẩm mới. Rồi lại lan man nghĩ cái ngai của sếp cũng giống cái ghế mát-xa có thể ngả ra như giường xếp thế này.

Sếp hằng ngày đu đưa trên ghế ấy. Cổ thì lúc nào cũng đầy ren. Nghe đâu bên trong lớp ren xếp nếp ấy có một cái sẹo dài rạch ngang. Nghe đâu chồng trước thấy sếp cứ tung tăng thi hoa hậu quý bà hoa khôi cấp ngành, lão ấy ghen, lão ấy điên lên, lão ấy cho một nhát. Nghe đâu và nghe đâu. Thực ra mọi hiểu biết về đồng nghiệp chỉ là nghe đâu. 

Hồi lâu anh tỉnh lại. Ngồi thẳng lên. Hồi lâu anh đứng dậy cảm ơn rồi lảo đảo đi ra khỏi cửa hiệu. “Chú lại đến chú nhé, chú vào ngồi chơi thôi, chú thấy cần thiết thì hẵng mua”. Anh chỉ biết cười. Đám nam thanh nữ tú hôm nay đã có tiền ăn trưa.

Trận dịch dai dẳng. Tháng sau anh đi qua, nhìn vào bên trong cửa hàng chỉ còn mỗi một nam thanh. Nam thanh cũng chẳng buồn hỏi han chèo kéo. Mấy chiếc ghế mát-xa đã được đặt ra trước cửa, ưỡn ra như mời mọc. Ghế không bán được thì giờ cho thuê theo phút. Ghế xa nhau hai mét đúng như lệnh giãn cách. Có biển hướng dẫn cho khách tự ngồi vào, nhét tờ hai mươi ngàn vào khe hở trên máy được ngồi mười hai phút, năm mươi ngàn ngồi ba mươi phút. Máy tự động nên không cần người trông. Và có đủ các mức thời gian cho người vội lẫn người không vội.

Thế là đầu giờ chiều, trước giờ làm việc, anh ra ngồi ba mươi phút, coi như chợp mắt ba mươi phút trên cái ghế ấy mà lại được chăm lo đấm bóp hẳn hoi. Mình ngồi nghỉ ngơi còn chú nam thanh kia cũng nhờ thế mà được một bữa trưa. Có được không nhỉ? Chắc là được.

Hồ Anh Thái 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI