Trường mầm non để trẻ phát triển tự nhiên, linh hoạt

07/11/2020 - 09:54

PNO - Gần 300 cán bộ quản lý, giáo viên cùng bàn luận về phương pháp giáo dục trẻ mầm non tại hội thảo “Hướng tiếp cận Reggio Emilia trong Giáo dục mầm non”.

Hội thảo do Bộ GD-ĐT, Tổng lãnh sự quán Ý tại TP.HCM, Tổ chức Reggio Children (Ý), Global Embassy tổ chức thu hút giáo viên mầm non của 37 tỉnh thành.

Hướng tiếp cận Reggio Emilia đề cao tiềm năng và sự sáng tạo của trẻ. Vốn được áp dụng tại các trường công lập tại Ý và phát triển ra 140 quốc gia.  Họ quan niệm, đứa trẻ có những tiềm năng vô tận, với hàng trăm loại ngôn ngữ của riêng mình, với cơ hội phát triển và trưởng thành cùng những mối quan hệ với cộng đồng xung quanh. 

Trẻ mầm non tại TP.HCM
Trẻ mầm non tại TP.HCM đang tiếp cận các phương pháp giáo dục tiên tiến

Điều nổi bật của hướng tiếp cận này là tính chất linh hoạt khi áp dụng vào các chương trình mầm non của các nước, lồng ghép những nội dung mang giá trị truyền thống, văn hóa của từng quốc gia đồng thời vẫn được cập nhật các yếu tố hội nhập, toàn cầu hóa.

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) cho biết, phương pháp Reggio Emilia được giới chuyên gia thế giới đánh giá rất cao và đã được triển khai thực hiện ở 140 quốc gia. Những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm hỗ trợ các cơ sở giáo dục tiếp cận các mô hình giáo dục mầm non tiên tiến trên thế giới, phù hợp với điều kiện nhà trường và khả năng, nhu cầu của trẻ để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và tăng cường hội nhập quốc tế. 

Đặc biệt, Quyết định 80 được ban hành để tạo hành lang pháp lý giúp các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện hợp tác quốc tế.

“Phương pháp giáo dục Reggio Emilia là hướng tiếp cận tiến bộ, sáng tạo, và rất phù hợp với điều kiện giáo dục Việt Nam, đặc biệt phù hợp với quan điểm xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm đang được triển khai trong các cơ sở giáo dục Việt Nam”, ông Nguyễn Bá Minh đánh giá.

Ông Ted Farraday, Phó chủ tịch Tổ chức Embassy Education khẳng định, giáo dục là nên cho học sinh những trải nghiệm rộng rãi và cởi mở nhất. Môi trường học tập chính là người thầy thứ ba, có sự tham gia của phụ huynh, gia đình; và tư liệu ghi nhận sự phát triển thể hiện quá trình tiếp thu, thấu hiểu và sáng tạo của học sinh.  

Ở đó, tiềm năng sáng tạo của học sinh được đặt ở trung tâm và giáo viên sẽ có những phương pháp sư phạm khác nhau, sử dụng mọi nguồn lực, nguyên liệu, bằng cách nào đó khơi mở, giúp các em phát huy sức sáng tạo vốn sẵn có của mình.

Phương pháp này khác với những lớp học truyền thống là giáo viên truyền đạt, học sinh lắng nghe và tiếp thu, ghi nhớ và trả bài với cách thức duy nhất áp dụng cho tất cả mọi người. Với phương pháp học tập sáng tạo, học sinh sẽ được phát triển tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, khả năng hợp tác, giao tiếp và tư duy sáng tạo, qua đó hình thành trách nhiệm xã hội và nhận thức công dân toàn cầu.

Ông Ted Farraday, Phó chủ tịch Tổ chức Embassy và những ví dụ cụ thể để làm sáng tỏ khái niệm giáo dục sáng tạo
Ông Ted Farraday, Phó chủ tịch Tổ chức Embassy và những ví dụ cụ thể để làm sáng tỏ khái niệm "giáo dục sáng tạo"

Bà Marina Castagnetti, Chuyên gia đào tạo của Reggio Children cho rằng, điểm đặt biệt của Reggio Emilia là không bắt đầu từ chương trình, không bắt đầu nội dung cho trẻ, mà ở đây, điều cốt lõi là trang bị cho giáo viên, những người sẽ tiếp xúc với trẻ có một thái độ đúng, hiểu biết đúng để có thể quan sát, đồng hành, thấu hiểu trẻ và chia sẻ với những cách học khác nhau của trẻ.

Giáo viên phải là người nhận ra tầm quan trọng của việc trẻ mới là người xây dựng quá trình học tập của chính mình và nhiệm vụ của giáo viên là tạo ra bối cảnh, đưa ra gợi ý để trẻ có thể học theo cách của trẻ.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI