Trưởng Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM: Cần giảm tải cho học sinh trải nghiệm ngoài thành phố

06/11/2022 - 11:33

PNO - Xoay quanh câu chuyện các trường học tại TPHCM đưa học sinh đi tham quan, học tập trải nghiệm ngoài thành phố, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Cao Thanh Bình - Trưởng Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM để có cái nhìn bao quát hơn về thực trạng này.

Các hoạt động trải nghiệm ngoài thành phố mới chỉ dừng ở việc tham quan, nghỉ dưỡng

*Phóng viên: Từ những quan sát của Ban văn hóa Xã hội (VHXH) trong thời gian qua về các hoạt động tham quan, học tập trải nghiệm của học sinh TPHCM, ông đánh giá như thế nào?

- Ông Cao Thanh Bình: Tôi thấy gần đây các trường học trên địa bàn TP đang có xu hướng tổ chức nhiều các hoạt động trải nghiệm, học tập, tham quan cho học sinh ở Đà Lạt, Cần Thơ, Vũng Tàu, Phan Thiết...

Ông Cao Thanh Bình- Trưởng Ban VHXH, HĐND TPHCM
Ông Cao Thanh Bình - Trưởng Ban VHXH, HĐND TPHCM

Khi đi trải nghiệm xa như vậy, trước mắt sẽ tốn kinh phí rất lớn cho trường học, và đầu tiên là đặt thêm gánh nặng lên cho phụ huynh học sinh. Nếu phụ huynh không cho con em mình đi thì các em sẽ buồn, mặc cảm với bạn bè. Nếu cho đi thì cha mẹ phải còng lưng gánh thêm một khoản nữa. Bên cạnh đó còn là độ an toàn. Đặc biệt, các hoạt động học tập trải nghiệm như thế này mới chỉ dừng lại ở việc cho học sinh đi đến các địa điểm du lịch mang tính tham quan, nghỉ dưỡng chứ chưa phải giáo dục truyền thống lịch sử.

Trong khi đó, hiện nay TPHCM có rất nhiều chương trình trải nghiệm giáo dục học sinh kỹ năng sống, văn hóa lịch sử, di sản. Từng quận, huyện và TP.Thủ Đức đều có ít nhất từ 1-2 điểm đến, với nhiều di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố, cấp quốc gia, thậm chí là di tích quốc gia đặc biệt như Dinh Độc Lập (quận 1) hay Giồng Cá Vồ (Cần Giờ). Nhiều tour trải nghiệm cực kỳ ấn tượng như tour Biệt động Sài Gòn, Sài Gòn sống động (quận 1) hay các tour ở Tân Phú, Củ Chi, Cần Giờ, quận 6...

*Vậy theo ông, các nhà trường có nên tiếp tục duy trì việc tổ chức hoạt động học tập trải nghiệm ngoài thành phố?

- Theo tôi, nếu cho học sinh đi tham quan, học tập trải nghiệm ở các tỉnh thành khác nhằm giúp các em có những trải nghiệm cuộc sống thì ngay trong thành phố học sinh cũng có thể có những trải nghiệm học tập này được, quan trọng là phụ thuộc vào cách thức tổ chức của nhà trường, giáo viên.

Hoạt động này ở ngoài thành phố có thể sẽ vẫn cần tổ chức nhưng các nhà trường chỉ nên tính toán cho học sinh cuối cấp, còn đối với các khối lớp khác thì nên tập trung tổ chức các hoạt động trải nghiệm này ngay tại TPHCM, phát triển du lịch nội địa cũng như giáo dục học sinh về văn hóa, lịch sử của thành phố...

*Nhiều ý kiến cho rằng một trong những lý do để các trường học TPHCM phải đi trải nghiệm ngoài thành phố là các điểm đến trong thành phố chưa thực sự thu hút nhà trường, học sinh. Ông nhận định về điều này như thế nào?

- Mới đây, Ban VHXH tổ chức khảo sát, giám sát việc phát huy giá trị lịch sử văn hóa, di sản trên địa bàn thành phố gắn với du lịch thì thấy các thực trạng rằng: Các di tích lịch sử văn hóa, di sản thiếu sự đầu tư, nhiều di tích xuống cấp, chưa phát huy được hết các giá trị.

Thậm chí, một số di tích văn hóa lịch sử rất đẹp song bảng hướng dẫn đường vào, cảnh quan đô thị lại chưa đẹp. Ví dụ, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM - nơi tham quan về kiến trúc mỹ thuật nhưng xung quanh lại toàn các khối nhà che khuất, trước cửa bảo tàng thì nhếch nhác, đậu xe lấn chiếm lòng lề đường...

Tại các điểm đến này không gian để học sinh sinh hoạt, học tập lại không có. Các công trình như căn tin, cà phê, phòng thư giãn, trải nghiệm cũng chưa có, chưa được quan tâm đúng mức... Nói chung là không gian trải nghiệm cho học sinh là không có, vì vậy không thu hút được học sinh đến.

Rõ ràng là các điểm di tích hiện nay chưa có sự chăm chút đầu tư, vì thế khi học sinh đi trải nghiệm ở đây các em mới chỉ cảm nhận được nội dung bên trong chứ chưa thể cảm nhận được bao quát hết, về không có tha thiết quay lại.

Ban VHXH đã làm việc với các đơn vị, đề nghị các đơn vị tập trung các giải pháp: Đối với từng địa điểm phải từng bước tự chủ, có trách nhiệm thu hút; Nhà nước cần phải tập trung đầu tư bằng một nguồn ngân sách nhất định hàng năm, kịp thời duy tu sửa chữa, bảo tồn các di tích; Kêu gọi xã hội hóa, cần có một nguồn quỹ "Quỹ phát huy bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn thành phố". 

Các di tích lịch sử, văn hóa cần có chính sách miễn giảm và gần như không thu phí với học sinh thành phố khi đến tham quan, học tập trải nghiệm tại đây. Sát thực tế hơn nữa thì cần phải tính toán bố trí các tuyến xe bus di chuyển từ các trường, nhóm trường đến các địa điểm này để giảm tối đa chi phí cho phụ huynh, học sinh, tạo thuận lợi để nhà trường tổ chức.

Bên cạnh đó, Ban VHXH đang hoàn chỉnh báo cáo giám sát chỉ rõ thực trạng, đưa ra các nhóm giải pháp, tham mưu cho HĐND TP có văn bản gửi Thường trực UBND TP về tăng cường, lãnh đạo chỉ đạo một số đầu việc trước mắt, trung hạn và dài hạn. Tăng cường vai trò giám sát trong thời gian tới để làm sao phát huy đúng giá trị của các di tích văn hóa lịch sử trên địa bàn thành phố.

Ngành giáo dục TPHCM cần giảm tải cho học sinh đi học tập trải nghiệm ngoài thành phố

* Với riêng ngành giáo dục, Ban VHXH có những kiến nghị gì trong việc tổ chức hoạt động tham quan, học tập trải nghiệm cho học sinh hiện nay, thưa ông?

Ngành giáo dục TPHCM cần giảm tải cho học sinh đi học tập trải nghiệm ngoài thành phố
Ngành giáo dục TPHCM cần giảm tải cho học sinh đi học tập trải nghiệm ngoài thành phố

- Sở GD-ĐT TPHCM cần phải rà soát lại, đánh giá lại nhu cầu, thực trạng tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh bên ngoài thành phố tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố trong thời gian vừa qua, hiệu quả đến đâu; tác động đến học sinh, phụ huynh ra sao; sự hài lòng của phụ huynh như thế nào...

Đồng thời ngành giáo dục thành phố cần phải suy nghĩ lại mô hình, cách thức tổ chức các hoạt động tham quan, học tập trải nghiệm cho học sinh thành phố; cần giảm tải cho học sinh đi trải nghiệm ở ngoài thành phố. Nên nghiên cứu tập trung cho học sinh thành phố đi tham quan, học tập trải nghiệm, hướng nghiệp trước mắt tại TPHCM.

Điều này không chỉ trang bị cho các em những hiểu biết, kiến thức văn hóa, lịch sử thành phố mà còn nằm trong khuôn khổ nội dung Giáo dục lịch sử địa phương đang được triển khai ở các khối lớp trong Chương trình GDPT 2018. Từ những hiểu biết sâu về thành phố, các em sẽ có những ý tưởng để giữ gìn, phát huy, bảo tồn cũng như xây dựng thành phố...

Qua kỳ họp thường lệ cuối năm, Ban VHXH sẽ có buổi làm việc chính thống với Sở GD-ĐT TPHCM để trao đổi một số vấn đề liên quan, trong đó có nội dung tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh...

*Xin cảm ơn ông!

Quốc Trung (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI