Không lạm dụng đưa học sinh đi học tập trải nghiệm ngoài thành phố

05/11/2022 - 06:02

PNO - Đưa học sinh đi học tập trải nghiệm ở tỉnh sẽ đạt hiệu quả cao nếu nhà trường không lạm dụng và vạch rõ mục tiêu giáo dục ở từng khối lớp.

Yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu

Hàng năm, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) tổ chức một lần cho học sinh khối 9 đi Đà Lạt sau kỳ kiểm tra học kỳ II. Thầy Nguyễn Công Phúc Khánh - Phó hiệu trưởng - cho hay, việc đưa học sinh khối 9 đi tham quan ngoại khóa ở Đà Lạt xuất phát từ nguyện vọng của phụ huynh, học sinh, mong muốn học sinh cuối cấp có những kỷ niệm đẹp. Trong chuyến đi, trường sẽ tổ chức nhiều hoạt động mang tính gắn kết... 

Cô trò Trường THCS Nguyễn Du trong một chuyến tham quan học tập trải nghiệm tại Đà Lạt
Cô trò Trường THCS Nguyễn Du trong một chuyến tham quan, học tập, trải nghiệm tại Đà Lạt

"Số học sinh đi từ 200-220 em mỗi năm. Trường bố trí mỗi lớp một giáo viên chủ nhiệm và một giáo viên bộ môn đi cùng để quản lý, giám sát học sinh. Khi tổ chức, ngoài chọn đơn vị du lịch uy tín, giá cả hợp lý, nhà trường luôn tổ chức tiền trạm, kiểm tra địa điểm học sinh sẽ ăn uống, lưu trú, các địa điểm tham quan trong suốt chuyến đi có an toàn không; có đảm bảo vệ sinh hay không; đánh giá nguy cơ có thể xảy ra trong chuyến đi để lường trước phương án...", thầy Nguyễn Công Phúc Khánh chia sẻ.

Riêng các khối 6, 7, 8, thầy Khánh thông tin, khoảng 5 năm trước, trường có đưa các em đi học tập trải nghiệm tại Vũng Tàu, mỗi khối đi riêng một ngày. Tuy nhiên, sau này trường không tổ chức nữa vì công tác quản lý học sinh nhỏ ra ngoài thành phố khá vất vả, đòi hỏi nhiều yếu tố. Thay vào đó, trường tổ chức các hoạt động trải nghiệm kết hợp tham quan cho các em tại các địa điểm, khu du lịch sinh thái trong thành phố theo chủ đề, nội dung học tập. 

"Với ngay cả các địa điểm tham quan, học tập trải nghiệm trong thành phố như Thảo Cầm Viên, bảo tàng, khu công nghệ cao... trường đều thực hiện tiền trạm. Khi đưa học sinh ra ngoài nhà trường, dù là trong thành phố hay đến các tỉnh thành khác thì yếu tố đảm bảo an toàn cho các em đều phải đặt lên trên hết, trước hết. Đặc biệt, dù là học tập trải nghiệm hay tham quan du lịch thì mọi hoạt động đều phải hướng đến mục tiêu giáo dục. Với học sinh lớp 9, mục tiêu cuối cùng của chuyến đi vẫn là xây dựng phẩm chất, giao tiếp hợp tác cho các em..." - thầy Nguyễn Công Phúc Khánh nhấn mạnh.

Lo đến mất ăn mất ngủ... nhưng vẫn cần tổ chức

Hơn 19g, sau khi giáo viên chủ nhiệm các lớp nhắn trong group "học sinh lớp em đã về nhà an toàn", cô Bùi Minh Tâm - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) - mới thở phào nhẹ nhõm. Cả ngày nay học sinh khối 6 của trường đã có chuyến đi học tập trải nghiệm tại Bến Tre, với "một ngày làm nông dân".

Trước đó, cô Tâm cùng nhiều giáo viên đã mất một ngày tiền trạm các địa điểm, trò chơi mà học sinh sẽ trải nghiệm. 

"Khi đưa học sinh ra ngoài, yếu tố an toàn và mục tiêu giáo dục là hai điều được nhà trường đặt lên trước hết. Mỗi lần đưa học sinh ra ngoài là... lo đến mất ăn mất ngủ, chỉ khi các em an toàn về đến nhà thì mới thở phào. Học sinh khối 6 hay khối 12 thì đều có những mối lo riêng, nhưng vẫn phải tổ chức để các em được trải nghiệm, được vui chơi, học tập, mở mang thêm kiến thức thực tế, đổi mới sau những giờ học ở trường, hỗ trợ các em rất nhiều trong việc học..." - cô Bùi Minh Tâm bày tỏ. 

Cô Bùi Minh Tâm đánh giá, sau mỗi chuyến đi học sinh đều rất hào hứng, vui vẻ, các em gắn kết với nhau nhiều hơn, học được nhiều hơn về kỹ năng, suy nghĩ... 

Để học tập trải nghiệm ngoài thành phố đạt hiệu quả cần có mục tiêu giáo dục rõ ràng
Để việc học tập trải nghiệm ngoài thành phố đạt hiệu quả cần có mục tiêu giáo dục rõ ràng

Hiệu trưởng một trường THPT tại TP. Thủ Đức khẳng định, không phải nhà trường thích... dắt díu học sinh đi ra ngoài thành phố, đến các điểm tham quan. Bởi mỗi lần đưa các em đi là mỗi lần cả trường cùng lo lắng, song hoạt động này mang lại những giá trị giáo dục nhất định, học sinh háo hức mong chờ, phụ huynh đồng thuận.

"Suốt nhiều năm nay, chuyến đi Đà Lạt cho cả 3 khối được tổ chức sau kiểm tra học kỳ I được xem như hoạt động truyền thống của trường, tạo ra sự gắn kết, dìu dắt, mang tính tiếp nối giữa 3 khối lớp. Chuyến đi còn như phần thưởng được học sinh hào hứng chờ đợi, động lực để các em cố gắng học, thi đạt kết quả cao. Để hiệu quả, tại mỗi điểm tham quan, nhà trường đều giao quyền cho tổ bộ môn phụ trách, đan xen các hoạt động giáo dục dù chuyến đi không nhằm kiểm tra, đánh giá môn học..." - vị hiệu trưởng này nói.

Vị hiệu trưởng cũng nhấn mạnh, hoạt động tham quan, học tập trải nghiệm ngoài thành phố sẽ mang lại những giá trị tích cực cho học sinh nếu như nhà trường tổ chức một cách nhẹ nhàng, không lạm dụng, không tạo gánh nặng kinh phí cho phụ huynh.

Dù vậy, để thực chất nhất, hiệu trưởng này cho rằng Sở GD-ĐT TPHCM cần có sự kiểm soát về tần suất các chuyến đi của một nhà trường ra ngoài thành phố mỗi năm, tránh việc lạm dụng. Đặc biệt là cần kiểm soát hơn nữa về mục tiêu giáo dục cụ thể của mỗi chuyến đi, có những yêu cầu nghiêm ngặt hơn về công tác tổ chức của nhà trường khi đưa học sinh học tập trải nghiệm, tham quan ngoài thành phố...

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI