Trước giờ G: Nhiều mối quan tâm tới phán quyết của PCA, những mũi nhọn chĩa thẳng vào TQ

12/07/2016 - 09:26

PNO - Trước thềm phiên tòa đưa ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, đáp lại sự ngang ngược của Trung Quốc là cả một cộng đồng quốc tế lên tiếng về thái độ của nước này.


Hãng tin RFI đưa tin cho biết, một ngày trước khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền với hầu hết Biển Đông, báo chí châu Á tiết lộ Tokyo đang ráo riết vận động các đối tác trong nhóm G7 để cùng có một tiếng nói chung trên hồ sơ này.

Ngày 11/07/2016, Nhật báo Philippines Inquirer và Straitimes của Singapore cùng đưa tin : Nhật Bản đang đóng vai trò trung gian để ra tuyên bố chung về phán quyết Biển Đông như một phần trong nỗ lực "thúc đẩy ngoại giao tích cực".

Theo đó, Nhật Bản trong cương vị chủ tịch luân phiên nhóm G7 sẽ kêu gọi 6 đối tác còn lại trong nhóm cùng lên tiếng về phán quyết của Tòa Án Trọng Tài La Haye về vụ kiện Biển Đông.

Truoc gio G: Nhieu moi quan tam toi phan quyet cua PCA, nhung mui nhon chia thang vao TQ
Nhật đang ráo riết vận động các đối tác trong nhóm G7 để cùng có một tiếng nói chung khi có phán quyết của Tòa PCA

Nhiều nguồn tin cho rằng, nhóm G7 sẽ có một tuyên bố chung kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa và tuân thủ luật pháp, các chuẩn mực quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên biển.

Nhật Bản không phải là một trong những nước tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông - tuyến đường thủy quan trọng trong giao thương quốc tế. Nhưng, Nhật Bản luôn xem việc Trung Quốc tăng cường quân sự trên Biển Đông như mối đe dọa tới an ninh và phản đối động thái đó.

Đến nay, Trung Quốc vẫn giữ nguyên lập trường: không công nhận thẩm quyền của Tòa, không tham gia vụ kiện do Philippines đứng nguyên đơn. Bắc Kinh báo trước là sẽ không công nhận phán quyết của Tòa.

Chủ tịch Viện nghiên cứu An ninh và Hòa bình của Nhật, ông Asashi Nishihara lưu ý rằng, Nhật Bản là nước chủ trì G7 năm nay sẽ nỗ lực "đưa các nước đối tác trong G7 ủng hộ các nước đồng minh trong Đông Nam Á".

Ông nhấn mạnh: "Trước các cuộc họp của G7, nhiều nước Châu Âu không tuyên bố bất cứ lợi ích cụ thể nào trên Biển Đông nhưng từ sau đó, họ bắt đầu tuyên bố lợi ích lớn hơn trong khu vực này".

Pháp từng bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng trên Biển Đông tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á (Shangri-La) tại Singapore và đề xuất hải quân các nước Châu Âu hợp tác tuần tra trên các vùng biển Châu Á nhằm tăng cường trật tự hàng hải, tuân thủ luật pháp tại đây.

Ngày càng nhiều mũi nhọn chĩa vào Trung Quốc

Phán quyết của PCA vào ngày mai, 12/7,có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy các quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế, chống lại mưu đồ áp đặt chủ quyền một cách đáng ngờ của bất cứ quốc gia nào trên các vùng biển. Bởi vậy, nó nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nước trên thế giới.

Những ngày gần đây, nhiều kịch bản dự đoán các động thái sau ngày 12/7 đã được đưa ra. Hầu hết đều cho rằng, phán quyết PCA sẽ nghiêng về Philippines. Điều này có thể dẫn đến một số phản ứng từ phía Bắc Kinh.

Ngay từ khi Philippines khởi kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc năm 2013, Bắc Kinh đã phản đối mạnh mẽ và mới đây tuyên bố sẽ không tuân thủ phán quyết sắp tới của PCA.

Theo một số nhận định được đưa ra, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục xây dựng, mở rộng các đảo đã chiếm giữ, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ tăng cường hoạt động quân sự trên Biển Đông. Một khả năng khác mà các quốc gia quan tâm là Bắc Kinh có thể sẽ tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, tương tự như đã từng thể hiện trên biển Hoa Đông hồi năm 2013.

Truoc gio G: Nhieu moi quan tam toi phan quyet cua PCA, nhung mui nhon chia thang vao TQ
Trung Quốc nên xem lại thái độ của mình đối với luật pháp quốc tế.

Vì thế, nhiều quốc gia đồng minh của Philippines đã chuẩn bị cho tình huống này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định, Washington ủng hộ duy trì tự do hàng hải trong khu vực và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Không nói suông, gần đây Mỹ vừa triển khai 3 tàu khu trục Stethem, Spruance và Momsen tuần tra gần bãi cạn Scarborough của Philippines (bị Trung Quốc chiếm đóng) và những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ngay trước thềm phán quyết được đưa ra, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Colin Willett khẳng định, Mỹ sẽ không ngần ngại bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia, đồng thời giữ vững những cam kết với các đồng minh và đối tác ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Mới đây, một tờ báo của Indonesia cũng có bài nhấn mạnh, là một thành viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc cần gương mẫu trong giữ gìn sự thượng tôn của pháp luật.

Nếu Trung Quốc không tuân theo phán quyết của tòa, điều này có thể tạo ra căng thẳng và gây bất ổn ở khu vực Biển Đông; đồng thời cộng đồng thế giới cũng sẽ có cách nhìn nhận và đánh giá xấu về Trung Quốc.

Như vậy nếu vẫn nhất quyết bác bỏ phán quyết của tòa án trong ngày mai, Trung Quốc chỉ khiến thế giới nhận ra một Trung Quốc đang đứng ngoài luật pháp quốc tế chứ không chỉ là vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển giữa Trung Quốc và một vài nước trong ASEAN.

Phunuonline.com.vn sẽ tường thuật trực tiếp và cập nhật liên tục các tình tiết, diễn biến cụ thể trong phiên điều trần cuối cùng. Mời độc giả đón đọc!!!

Minh Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI