Trước đại dịch, kịch bản nào cho kỳ thi THPT quốc gia?

06/04/2020 - 08:11

PNO - Kỳ thi THPT quốc gia đã được Bộ GD-ĐT dời lại hai lần nhưng đến nay vẫn còn nhiều lo ngại liệu kỳ thi có diễn ra như kế hoạch hay không?

Có thể nói, kỳ thi THPT quốc gia năm nay khá gian truân bởi đã được Bộ GD-ĐT dời lại hai lần nhưng đến nay vẫn còn nhiều lo ngại liệu kỳ thi có diễn ra như kế hoạch hay không và học sinh sẽ có bao nhiêu thời gian để chuẩn bị cho kỳ thi? 

Nhìn đề minh họa, lo hơn mừng

Sau khi công bố nội dung giảm tải do học sinh (HS) phải nghỉ học kéo dài vì tránh dịch COVID-19, Bộ GD-ĐT đã công bố đề minh họa thi THPT quốc gia. Đề ở các tổ hợp môn được đánh giá không khó nhưng sẽ “làm khó” HS theo cách khác. Đó là đề nhiều môn được lồng vào chương trình lớp 10, 11 - nội dung mà HS lớp 12 rất dễ quên. 

Xét tốt nghiệp THPT là phương án nên cân nhắc nhất. Ảnh thí sinh thi THPT quốc gia năm 2019 - Ảnh: Thanh Thanh
Xét tốt nghiệp THPT là phương án nên cân nhắc nhất. Ảnh thí sinh thi THPT quốc gia năm 2019 - Ảnh: Thanh Thanh

Cách ra đề văn quá cũ là nhận định của nhiều giáo viên dạy văn tại TP.HCM. Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), cho biết: đề minh họa không khác so với những năm gần đây. Đề chỉ điều chỉnh ở câu đọc hiểu và nghị luận xã hội là văn bản văn xuôi thay vì văn bản thơ như đề chính thức hai năm nay. Câu nghị luận văn học chiếm 50% số điểm lại quá cũ, cả về nội dung và cách hỏi. Phần đọc hiểu và nghị luận xã hội tương đối ổn nhưng câu nghị luận văn học quá… chán. “Có cảm giác câu này là của đề thi cách đây cả thập niên. Với kiểu đề nghị luận văn học cũ như thế, đừng mong HS sáng tạo dù đáp án có “mở” đi nữa”, thầy Đỗ Đức Anh nhận xét. 

Đề minh họa môn lịch sử có đến 12 câu về lịch sử thế giới, trong khi đề chính thức năm 2019 chỉ có bốn câu thuộc nội dung này. Phần kiến thức lớp 11 cũng có hai câu. Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), lo ngại đề thi sẽ làm khó thí sinh vì tính bao quát quá rộng.

Thẳng thắn hơn, thầy Du đánh giá đề sử không hay, bởi không cảm nhận được Bộ GD-ĐT quan tâm, suy xét đến khả năng dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Đề có những câu nằm trong học kỳ II lớp 12, sát phần giảm tải nên nếu HS và giáo viên không lưu ý rất dễ bỏ sót. Thậm chí, đề còn “kéo” vào nguyên nửa chương trình lớp 11. Thực tế, với tình hình hiện nay, giáo viên trông đợi sẽ có thay đổi nhiều trong ma trận đề, tập trung hoàn toàn hoặc 70-80% kiến thức ở học kỳ I, chứ rải kiến thức toàn bộ chương trình thì khác gì năm ngoái. Đọc đề minh họa, phần đông giáo viên đều thấy nặng. Đừng nghĩ rằng chỉ cần hết dịch, HS đến lớp là “chạy” được ngay, đó là suy nghĩ rất cơ học, thiếu tính tâm lý. 

Về môn toán, thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), cho rằng: đề cho thấy có câu hỏi thuộc chương trình lớp 10 và 11, có lẽ vì đã tinh giản nội dung chương trình nằm trong học kỳ II lớp 12. Như vậy không tốt, nếu giảm học kỳ II thì tăng học kỳ I vì ngay cả kiến thức lớp 12, HS còn chưa chắc nhớ nói chi kiến thức lớp 10, 11. Hoặc giảm cơ học là giảm số câu hỏi của đề thi. “Tôi đề xuất đề chỉ nên cho chương trình lớp 12 như năm 2017. Nếu so sánh thì đề minh họa năm nay còn khó hơn đề chính thức năm 2017”, thầy Chính cho biết. 

Có thể không thi?

Thầy Lâm Vũ Công Chính trăn trở: “Vấn đề tôi lo lắng không phải là ra đề như thế nào mà bộ tinh giản như vậy đã hợp lý chưa, còn tinh giản nữa không nếu HS tiếp tục nghỉ học? Riêng môn toán, nhìn vào đề minh họa sẽ thấy, nội dung không tinh giản bao nhiêu, gần như giữ lại toàn bộ các bài học. Chỉ thay vì giáo viên dạy thì chuyển thành hoạt động HS tự đọc, tự học có hướng dẫn… Trong khi thời gian quay trở lại học đến khi thi là bao nhiêu thì chưa khẳng định được”.

Học online, qua truyền hình… chưa chứng minh được hiệu quả và mỗi nơi làm mỗi kiểu. Thử hỏi những HS của các gia đình lao động nghèo, vùng nông thôn, không có phương tiện học online thì sao? Từ những băn khoăn trên, thầy Chính cho rằng: “Vẫn cần xác định năm nay là thời điểm đặc biệt, có nhất thiết phải tổ chức thi hay không? Nếu làm không tốt HS sẽ rất thiệt thòi vì dễ rớt tốt nghiệp”. 

Theo các nhà giáo dục, nếu Bộ GD-ĐT vẫn quyết tổ chức thi THPT quốc gia thì phải tổ chức kỳ thi khác với thông lệ, trong đó quan trọng nhất là đề thi. Trước đó, trong thư kiến nghị gửi Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie Curie (Hà Nội), đề xuất bỏ bớt môn thi, chỉ giữ ba môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ. Thế nhưng, trong tình hình này, phương án xét tốt nghiệp THPT, chuyện xét vào đại học để các trường tự lo, vẫn là phương án nên cân nhắc nhất. Bởi, nếu tình hình dịch bệnh vẫn chưa giảm trong thời gian ngắn, HS chưa trở lại trường, kỳ thi cũng trở nên vô nghĩa trong điều kiện thực tế đó. 

Nên thi hay xét tốt nghiệp THPT?

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho rằng, Luật Giáo dục đã quy định phải có kỳ thi mới xét tốt nghiệp THPT nên vẫn phải thi THPT quốc gia. Việc thi ít môn hay nhiều môn không quan trọng vì HS đã phần nhiều gần hết chương trình THPT, chỉ có một học kỳ để học nữa thôi. Trường hợp xấu nhất, có thể cho HS tự ôn tập, kiến thức ở phần cuối có thể giảm một ít. Nên tổ chức ôn tập theo hướng như trước, vẫn thi các môn toán, văn, tiếng Anh, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, chỉ có điều giảm bớt kiến thức ở học kỳ II như trong đề minh họa. Như vậy là hài hòa.

Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), cho hay: trong tình hình dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến phức tạp, chưa ai có thể khẳng định khi nào hết dịch, HS trở lại trường. Giả sử, HS phải nghỉ hết tháng Tư, tháng Năm, là đã kết thúc năm học, không thể dạy bù nữa. Lúc này, Bộ GD-ĐT phải xem xét đây là tình huống đặc thù để đề ra phương án. Điều này không có nghĩa phủ nhận Luật Giáo dục, bởi đây là giải pháp tình thế trong hoàn cảnh quá đặc biệt. Giải pháp mà bộ có thể tính đến là không cần tổ chức thi THPT quốc gia. Giao việc xét tốt nghiệp THPT cho địa phương, vì dù có thi thì vẫn là địa phương xét và cấp bằng. Trường đại học xét tuyển có rất nhiều cách: xét 5 học kỳ THPT (trừ học kỳ II lớp 12), kết quả thi đánh giá năng lực, khảo thí riêng… Kết quả thi THPT quốc gia chỉ là một trong số đó. 

Pháp hủy bỏ kỳ thi tú tài để ứng phó COVID-19

Lần đầu tiên trong lịch sử Pháp, học sinh (HS) không phải tham dự kỳ thi THPT quốc gia hay còn gọi là thi tú tài “baccalauréat”, trong bối cảnh trường học bị đóng cửa do khủng hoảng COVID-19.

Bộ trưởng Giáo dục Jean-Michel Blanquer đưa ra thông báo trên ngày 3/4. Động thái này khiến hàng trăm ngàn thanh thiếu niên Pháp cảm thấy băn khoăn tại một thời điểm then chốt trong cuộc sống. Lý do vì HS cuối cấp luôn dành “sự nghiệp học tập” để chuẩn bị cho các kỳ thi nghiêm ngặt vào tháng Sáu hằng năm. Kỳ thi này quan trọng đến nỗi nhiều người trưởng thành liệt kê kết quả thi tú tài trên sơ yếu lý lịch khi đi xin việc. Thay vào đó, năm nay HS có thể nhận bằng cấp dựa trên điểm số tại trường trước và sau thời gian cách ly xã hội để chống dịch.

Lần đầu tiên trong lịch sử Pháp, học sinh (HS) không phải tham dự kỳ thi THPT quốc gia hay còn gọi là thi tú tài “baccalauréat”, trong bối cảnh trường học bị đóng cửa do khủng hoảng COVID-19. Bộ trưởng Giáo dục Jean-Michel Blanquer đưa ra thông báo trên ngày 3/4. Động thái này khiến hàng trăm ngàn thanh thiếu niên Pháp cảm thấy băn khoăn tại một thời điểm then chốt trong cuộc sống. Lý do vì HS cuối cấp luôn dành “sự nghiệp học tập” để chuẩn bị cho các kỳ thi nghiêm ngặt vào tháng Sáu hằng năm. Kỳ thi này quan trọng đến nỗi nhiều người trưởng thành liệt kê kết quả thi tú tài trên sơ yếu lý lịch khi đi xin việc. Thay vào đó, năm nay HS có thể nhận bằng cấp dựa trên điểm số tại trường trước và sau thời gian cách ly xã hội để chống dịch. Toàn bộ trường học tại Pháp đóng cửa kể từ ngày 16/3, HS và giáo viên phải chuyển sang học trực tuyến. Theo Bộ trưởng Blanquer, hệ thống giáo dục không thể mở cửa trở lại trước tháng Năm. Một phái đoàn chuyên gia sẽ kiểm tra bảng điểm học tập để đảm bảo các điều kiện công bằng cho 740.000 HS. Ra đời năm 1808 dưới triều đại của hoàng đế Napoléon, bằng tú tài là điều kiện chính cần có để theo đuổi việc học tại trường đại học. Ngay cả trong thời chiến, kỳ thi vẫn được duy trì, dù đôi khi chính quyền phải tổ chức lại hoặc hoãn thi. Không giống như ở Mỹ, nhiều hệ thống châu Âu tập trung rất nhiều vào kỳ thi cuối năm học, trong khi các buổi lên lớp trong suốt cả năm có ít ý nghĩa hơn. Các trường học tại Mỹ đã hủy bỏ các buổi lễ tốt nghiệp, buộc những người trẻ từ bỏ những kỷ niệm liên quan đến mũ, áo choàng, bài phát biểu và tiệc chia tay. Anh hủy cả hai kỳ thi quan trọng, bao gồm GCSE mà HS trải qua năm 16 tuổi và A-Levels nhằm xác định trình độ nhập học đại học. Các trường được yêu cầu đưa ra dự đoán về những gì HS sẽ đạt được, dựa trên thành tích trong quá khứ, mức thể hiện trong lớp và các yếu tố khác. Điều này đã dẫn đến mối quan ngại về việc đánh giá cảm tính, không công bằng.  Cộng hòa Séc, Slovakia, Bulgaria và Serbia đều đã hoãn các kỳ thi cuối cấp III.  N Ngọc Hạ (theo The Star, Sunrise)

Các trường học ở Pháp đóng cửa từ giữa tháng Ba và sẽ không mở lại trước tháng Năm.

Toàn bộ trường học tại Pháp đóng cửa kể từ ngày 16/3, HS và giáo viên phải chuyển sang học trực tuyến. Theo Bộ trưởng Blanquer, hệ thống giáo dục không thể mở cửa trở lại trước tháng Năm. Một phái đoàn chuyên gia sẽ kiểm tra bảng điểm học tập để đảm bảo các điều kiện công bằng cho 740.000 HS.

Ra đời năm 1808 dưới triều đại của hoàng đế Napoléon, bằng tú tài là điều kiện chính cần có để theo đuổi việc học tại trường đại học. Ngay cả trong thời chiến, kỳ thi vẫn được duy trì, dù đôi khi chính quyền phải tổ chức lại hoặc hoãn thi.

Không giống như ở Mỹ, nhiều hệ thống châu Âu tập trung rất nhiều vào kỳ thi cuối năm học, trong khi các buổi lên lớp trong suốt cả năm có ít ý nghĩa hơn. Các trường học tại Mỹ đã hủy bỏ các buổi lễ tốt nghiệp, buộc những người trẻ từ bỏ những kỷ niệm liên quan đến mũ, áo choàng, bài phát biểu và tiệc chia tay.

Anh hủy cả hai kỳ thi quan trọng, bao gồm GCSE mà HS trải qua năm 16 tuổi và A-Levels nhằm xác định trình độ nhập học đại học. Các trường được yêu cầu đưa ra dự đoán về những gì HS sẽ đạt được, dựa trên thành tích trong quá khứ, mức thể hiện trong lớp và các yếu tố khác. Điều này đã dẫn đến mối quan ngại về việc đánh giá cảm tính, không công bằng. 

Cộng hòa Séc, Slovakia, Bulgaria và Serbia đều đã hoãn các kỳ thi cuối cấp III. 

Ngọc Hạ (theo The Star, Sunrise)

Gia Tuệ

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Lộc Trương 06-04-2020 09:10:25

    Nên mạnh dạn giao cho các sở GD địa phương tổ chức xét công nhận tốt nghiệp THPT, phát huy quyền tự chủ tuyển sinh của các trường Đại học, Cao đẳng. Kỳ thi THPT QG (nếu có) chỉ dành cho những học sinh nào có nguyên vọng học lên cao (ĐH, CĐ). Riêng đề tham khảo thì ý kiến cá nhân tôi thấy nội dung kiến thức mà bộ GD yêu cầu là rất phù hợp nên tăng thêm số câu VDC từ 4 lên 8 câu để phòng trường hợp thí sinh đánh "lụi" mà trúng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI