Trung tâm cứu hộ không cứu nổi chú voọc con kẹt trên vách đá

10/11/2014 - 15:07

PNO - PNO - Cá thể voọc con (loại voọc Hà Tĩnh) bị mắc kẹt trên vách đá trước cửa động Phong Nha - Kẻ Bàng cho đến nay đã được 5 ngày, nhưng lực lượng cứu hộ vẫn không giải cứu được.

edf40wrjww2tblPage:Content

Trung tam cuu ho khong cuu noi chu vooc con ket tren vach da

Voọc con bị mắc kẹt trên vách đá đã 5 ngày qua.

Ngày 10/11, tin từ Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, công tác cứu hộ cá thể voọc Hà Tĩnh bị mắc kẹt trên vách đá trước cửa động Phong Nha - Kẻ Bàng phải tạm dừng vì quá nguy hiểm.

Theo đó, trung tâm này đã tìm nhiều biện pháp nhưng không thể giải cứu được cá thể voọc con xấu số bị mắc kẹt đã 5 ngày nay.

Trước đó, vào ngày 5/11, nhiều du khách và người bán hàng trước cửa động Phong Nha - Kẻ Bàng đã phát hiện một cá thể voọc Hà Tĩnh con bị kẹt đuôi vào 2 nhánh cây mọc trên vách đá dựng đứng và không thể nào thoát ra được.

Những người bán hàng ở đây cho biết, vách đá là nơi một quần thể voọc thường xuất hiện chơi đùa cùng nhau. Trong quá trình di chuyển giữa vách đá cao 200 m (tính từ mặt nước sông Son), cá thể voọc này đã bị kẹt đuôi và không thể thoát được.

Trung tam cuu ho khong cuu noi chu vooc con ket tren vach da

Vọc mẹ vẫn ở bên con để cho bú và chăm sóc.

Đây là cá thể voọc Hà Tĩnh, lông màu nâu xám, khoảng 3 tháng tuổi, nặng khoảng 2 kg.

Voọc Hà Tĩnh là loài đặc hữu ở khu vực Đông Dương, phân bố chủ yếu ở vùng rừng Phong Nha và rải rác ở Lào. Loài này có tên khoa học là Trachypithecus hatinhensis, là động vật quý hiếm thuộc nhóm IB theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP và đang được bảo tồn một cách nghiêm ngặt.

Khi nhận được tin báo, Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Phong Nha đã cử nhân viên đến hiện trường, tìm cách triển khai các biện pháp cứu hộ nhưng không thành công.

Được biết, độ cao từ mặt đất, điểm gần cá thể voọc này nhất là khoảng 40 m, nhưng lực lượng cứu hộ không thể tiếp cận vì quá nguy hiểm.

Do không có nhân lực chuyên trách và phương tiện, trung tâm này đã liên hệ với bà Debbie Limbert, chuyên gia Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh, cùng với các phương tiện chuyên dụng đến để giải cứu cá thể voọc nói trên, nhưng cũng không thể triển khai do nguy hiểm.

Ông Lê Thúc Định, Giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Phong Nha cho hay: “Bà Debbie Limbert đã tiếp cận đỉnh vách đá nhưng không xuống được vì đá rơi quá mạo hiểm. Vườn quyết định tạm dừng cứu hộ, tiếp tục theo dõi, chờ voọc con có thể tự đứt đuôi và thoát ra. Voọc con hiện bình thường do vẫn được voọc mẹ chăm”.

Những người bán hàng tại cửa động Phong Nha cho biết, đã 5 ngày nay, voọc con thường kêu đòi voọc mẹ. Voọc mẹ vẫn cho con bú và ở bên con nhiều giờ trong ngày. Nhiều người tỏ thái độ lo ngại vì voọc mẹ chẳng thể đi kiếm ăn do quá "ham" con.

Theo ông Định, hiện có khoảng 1.500 cá thể voọc Hà Tĩnh trong môi trường tự nhiên. Loài này không thể sinh sống và phát triển trong môi trường nuôi nhốt.

HẢI NGUYỄN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI