Trung Quốc - Hollywood: "Hoa Mộc Lan" và những màn hợp tác vô hồn

10/09/2020 - 17:06

PNO - “Hoa Mộc Lan” là sản phẩm cho thấy tham vọng của cả Trung Quốc và Hollywood khi muốn bành trướng sức ảnh hưởng lẫn nhau nhưng gần như, cả hai... đều ngã ngựa.

Hoa Mộc Lan và thất bại của Disney

Hoa Mộc Lan (tựa gốc Mulan) - bộ phim trọng điểm của Disney trong năm 2020, đã ra mắt khán giả thế giới với 2 hình thức chiếu qua nền tảng trực tuyến và rạp. Sau khi phim ra mắt, khán giả và giới phê bình phim lập tức chia thành 2 phe khác nhau nhưng nhìn chung, Hoa Mộc Lan bị nhận xét là không đạt kỳ vọng của người xem. Đó là nói giảm nói tránh, còn thẳng ra, Hoa Mộc Lan chỉ là bộ phim mà “sự hoành tráng làm người xem phân tâm còn cốt truyện lại chẳng có gì, diễn xuất toàn đóng thế” - nhận xét của Hollywood Reporter.

Tại Trung Quốc, bộ phim không được người xem ủng hộ khi số điểm phim nhận được chỉ nằm ở mức trung bình. Đến ngày 11/9, phim sẽ chính thức ra rạp Trung Quốc sau thời gian chiếu qua ứng dụng Disney+. Đây là thời điểm mà đạo diễn của phim - Niki Caro, nhà sản xuất và hãng mong đợi sẽ tạo được "cú nổ" phòng vé vì Hoa Mộc Lan được làm ra để “phục vụ” khán giả Trung Quốc là chính.

Lưu Diệc Phi bị chê diễn xuất khi vào vai Mộc Lan.
Lưu Diệc Phi bị chê diễn xuất khi vào vai Mộc Lan.

Sự nhún nhường của đế chế Disney và Hollywood với thị trường phim lớn thứ 2 thế giới sau Bắc Mỹ không khó để thấy qua Hoa Mộc Lan. Có nhiều tình tiết trong phim đã được thay đổi so với bản hoạt hình nhằm mục đích xây dựng hình ảnh một Trung Quốc hùng cường với vai trò nữ tướng được tô đậm. Thậm chí, khi chiếu thử cho khán giả Trung Quốc xem, họ không đồng tình cảnh hôn của Hoa Mộc Lan, ngay lập tức đạo diễn Niki Caro cắt bỏ.

Hoa Mộc Lan phiên bản người đóng là bộ phim đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng của Disney lẫn một số cá nhân tham gia dự án. Đây là bộ phim có kinh phí lớn nhất do nữ đạo diễn thực hiện với mức đầu tư 200 triệu USD, chưa tính chi phí cực lớn dành cho quảng bá. Bộ phim quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng của Trung Quốc như Lưu Diệc Phi, Củng Lợi, Chân Tử Đan, Lý Liên Kiệt... nhưng đáng tiếc, diễn xuất của tất cả đều không để lại ấn tượng.

Ngoài nội dung, Hoa Mộc Lan đang bị người xem tại một số quốc gia tẩy chay vì phát ngôn của Lưu Diệc Phi và lời cảm ơn ở cuối phim dành cho chính quyền Tân Cương, Trung Quốc.
Ngoài nội dung, Hoa Mộc Lan đang bị người xem tại một số quốc gia tẩy chay vì phát ngôn của Lưu Diệc Phi và lời cảm ơn ở cuối phim dành cho chính quyền Tân Cương, Trung Quốc.

Nhiều nhà phê bình vớt vát lại thể diện cho phim khi dành lời khen tới bối cảnh được đầu tư, trang phục đẹp... nói chung, họ khen cho cái vỏ ngoài của Hoa Mộc Lan còn nội dung phim, không tương xứng với số tiền bỏ ra. Tờ Hollywood Reporter nói: “Bộ phim muốn tô đậm nữ quyền nhưng cả Mộc Lan và nhân vật do Củng Lợi đảm vai đều được phác hoạ quá mỏng đến nỗi họ tách biệt nhau, rời rạc”.

Một Trung Quốc vô hồn, tham lam trên phim Hollywood

Thị trường phim tại Trung Quốc trước dịch, hễ bộ phim Hollywood nào thua lỗ muốn hoà vốn chỉ cần thâm nhập được vào hệ thống hơn 70.000 rạp chiếu quốc gia này, có thể thay đổi được tình thế. Vì với lượng khán giả đông đảo, hệ thống cụm rạp rải khắp nơi, chỉ cần chiều chuộng được thị hiếu hoặc tung ra “mồi câu”, Hollywood dễ dàng thắng tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Hollywood có nhiều cách để đạt được mục đích về doanh thu phòng vé, trong đó, họ mời diễn viên Trung Quốc tham gia nhằm thu hút khán giả quốc gia này chú ý đến phim. Nhưng không dừng lại bằng việc mời vào các vai nhỏ, vai chỉ một vài câu thoại như cách Phạm Băng Băng từng xuất hiện trong Air Strike với vỏn vẹn 9 giây và 3 câu thoại, Hollywood giờ đây tham vọng thay Trung Quốc làm phim về chính họ.

Phạm Băng Băng xuất hiện vỏn vẹn 9 giây với 3 câu thoại trên phim Air Strike.
Phạm Băng Băng xuất hiện vỏn vẹn 9 giây với 3 câu thoại trên phim Air Strike.

Trước Hoa Mộc Lan, 2 hãng phim Metan Entertainment và Entree Pictures của Hollywood thông báo sẽ đồng sản xuất dự án Võ Tắc Thiên; Warner Bros. tuyên bố hợp tác với Trung Quốc thực hiện dự án phim hoạt hình Bạch Xà (White Snake)... Đây là những dự án đầy tham vọng của Hollywood muốn chinh phục thị trường Trung Quốc nhưng quốc gia tỉ dân không phải là "miếng bánh" dễ nuốt.

Trước dịch, Trung Quốc biết mình đang có gì và xác định rõ ràng rằng Hollywood đang ở “kèo dưới” nên họ đưa ra những quy tắc hà khắc, buộc các nhà sản xuất tại Mỹ phải làm theo. Người Trung Quốc muốn phim không được đá động vào chính quyền hoặc nếu có, thì xuất hiện trong thế phải ngợi ca. Hình ảnh người Trung Quốc trên phim không phản diện xấu xí, không phải kẻ thù, không yếu thế. Nếu không đáp ứng, chẳng bộ phim nào lọt qua kiểm duyệt để có mặt tại Trung Quốc.

Đơn cử, Once Upon a Time in Hollywood của đạo diễn Quentin Tarantino đã không vượt qua khâu kiểm duyệt tại Trung Quốc vì bị cho là cố tình bôi nhọ hình tượng Lý Tiểu Long. Phía Trung Quốc yêu cầu cắt phần xuất hiện của Lý Tiểu Long nếu muốn chiếu ở nước họ nhưng đạo diễn Quentin Tarantino khẳng định, ông thà mất tiền chứ không làm theo yêu cầu ngu xuẩn, phá hỏng bộ phim.

Không nhiều nhà làm phim cá tính lẫn liều mạng như Quentin Tarantino, họ giống như Hoa Mộc Lan, tìm mọi cách ve vuốt người xem Trung Quốc để rồi, một “vũ trụ” những vai diễn mờ nhạt, ngồn ngộn thứ văn hoá được chèn vào một cách ngớ ngẩn chỉ vì tham vọng doanh thu. Hollywood muốn kiếm tiền từ Trung Quốc, ngược lại, Trung Quốc muốn khuếch trương sức ảnh hưởng của quốc gia tại kinh đô điện ảnh hàng đầu thế giới. Họ cộng sinh nhưng đối đầu.

Cho rằng Lý Tiểu Long bị bôi nhọ trong phim của đạo diễn Quentin Tarantino, Trung Quốc cấm chiếu.
Cho rằng Lý Tiểu Long bị bôi nhọ trong phim của đạo diễn Quentin Tarantino, Trung Quốc cấm chiếu.

Năm 2007, Trung Quốc tuyên bố sẽ đầu tư 150 triệu USD vào Hollywood để thực hiện những bộ phim với mục đích đưa văn hóa, con người, vùng đất, ngôn ngữ của họ xuất hiện thường xuyên hơn trong những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng. Đến nay, kế hoạch này phần nào được thực hiện khi nhiều diễn viên Trung Quốc xuất hiện trên phim. Từ Cảnh Điềm với vai diễn nhạt nhẽo trong Kong: Skull Island; Phạm Băng Băng không thể mờ nhạt hơn trong X-Men hay Air Strike; Vương Học Chi thiếu dấu ấn trong Iron man 3; Lý Băng Băng diễn xuất dở tệ trong Transformers: Age of extinction… Diễn xuất của họ là kết quả của những màn kết hợp khập khiễng, gượng gạo, thiếu bản sắc.

Thuật ngữ "Hollywood made in China" (tạm dịch: Hollywood xuất xứ Trung Quốc) xuất hiện cách đây vài năm từ khi cuốn sách cùng tên của Aynne Kokas ra đời. Cho tới nay, thuật ngữ này vẫn gây tranh cãi vì nhiều người Mỹ không muốn công nhận Hollywood đang nhún nhường Trung Quốc. Tuy nhiên, nhìn vào Hoa Mộc Lan và những dự án điện ảnh hợp tác giữa 2 quốc gia, không thể phủ nhận rằng Hollywood đang hoàn toàn trông cậy vào thị trường điện ảnh tỉ dân để thu lợi.

Nếu xét về bài toán kinh kế, chẳng nhà làm phim nào dại dột bỏ qua thị trường béo bở như Trung Quốc nhưng nếu là một nghệ sĩ thực thụ, muốn tạo ra tác phẩm để đời, sự nhún nhường, chỉ nghĩ tới cách làm sao để lấy lòng người xem từ Trung Quốc ắt không thể xuất hiện.

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI